| Hotline: 0983.970.780

Chanh dây, thêm một bài học đắt giá

Thứ Sáu 04/01/2013 , 10:08 (GMT+7)

Sau thời hoàng kim, giá chanh dây ở Lâm Đồng trong hơn một năm qua đã giảm từ 12.000 – 15.000 đồng/kg xuống còn 1.000 – 3.000 đồng/kg như hiện nay.

Mặc dầu chưa được cơ quan hữu trách khuyến khích và tỉnh cũng chưa xác định đây là cây trồng kinh tế được ưu tiên phát triển, nhưng do lợi nhuận tức thời, nông dân của tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng mở rộng diện tích chanh dây đến 2009 lên trên 500ha. Tuy nhiên, đến nay ( tháng 12/2012), cả tỉnh Lâm Đồng chỉ còn lại không đến 250ha.

Chanh dây (còn gọi là mác mác) là loại cây trồng khá mới đối với nhà nông Lâm Đồng. Loại cây trồng này bắt đầu có mặt trên đất Lâm Đồng với tư cách là cây kinh tế từ năm 2005.

Về lý thuyết, cứ một hecta chanh dây có vốn đầu tư khoảng 50 triệu đồng trong vòng 3 năm sẽ cho thu hoạch; và mỗi năm, doanh thu khoảng 200 – 250 triệu đồng (lãi từ 170 – 210 triệu đồng/năm/ha). Đặc biệt, có thời điểm 1kg chanh dây bán được đến 15.000 đồng nên sự quan tâm mở rộng diện tích loại cây trồng này của người nông dân là điều không quá khó hiểu! Cũng trong những năm 2008 – 2009, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhiều cơ sở chế biến quả chanh dây được đưa vào hoạt động nên loại cây trồng mới này càng trở nên “có giá”, nông dân càng có “lý do” để mở rộng diện tích.

“Tuy nhiên, ngay trong những ngày tháng đó, cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra lời cảnh báo về những rủi ro và khuyên bà con nông dân không nên mở rộng diện tích một cách ồ ạt nhưng không mấy người chịu nghe theo!” – một cán bộ có trách nhiệm của Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết.


Sâu bệnh đã xuất hiện trên cây chanh dây ở Lâm Đồng ở mức không kiểm soát nổi

Sau thời hoàng kim, giá chanh dây ở Lâm Đồng trong hơn một năm qua đã giảm từ 12.000 – 15.000 đồng/kg xuống còn 1.000 – 3.000 đồng/kg như hiện nay. Đặc biệt, cái lý thuyết mỗi hecta chanh dây cho thu hoạch mỗi năm 80 tấn quả, doanh thu đạt 500 – 700 triệu đồng đã bị phá sản một cách nhanh chóng khiến cho nhiều hộ dân lao đao, nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Sự phá sản này có nguyên nhân chủ yếu là do giá cả sụt giảm, tiếp đến là do sâu bệnh ở mức không thể kiểm soát nổi nên năng suất giảm đáng kể khiến thu không bù nổi chi. Bà Nguyễn Hồng Loan từ Đà Lạt xuống Di Linh thuê đất trồng chanh dây than thở: “Suốt mấy năm nay, vườn chanh dây hơn 2ha của tôi đều lỗ, ít thì vài chục triệu đồng, nhiều thì cả trăm triệu. Không chỉ giá ngày một rớt mà sâu bệnh đến mức không thể kiểm soát được nên tôi phải phá bỏ hơn hécta để trồng cà phê. Lại phải đầu tư cà phê từ đầu nhưng muộn còn hơn không!”.

Nhiều nông dân ở Lâm Đồng lúc này khi nhắc đến cây mác mác (chanh dây) một thời cao giá đã phải lắc đầu ngao ngán! Đây không phải là lần đầu tiên nông dân Lâm Đồng lắc đầu và hẳn cũng không phải là lần cuối cùng khi trong vườn nhà họ đang được thay thế cây mác mác bằng một số cây trồng “lạ”, như cây mắc ca chẳng hạn…

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024

Ngày 20/4, Công ty CP Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức 'Lễ hội Kem Thủy Tạ 2024' tại Nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.