| Hotline: 0983.970.780

Chanh tứ mùa giúp nông dân hái ra tiền

Thứ Bảy 05/10/2019 , 10:40 (GMT+7)

Cùng với cây cam sành, cây chanh tứ mùa giúp nhiều hộ nông dân ở xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) “hái ra tiền”.

Năng suất trung bình đạt 30 tấn/ha, cây chanh tứ mùa đang khẳng định được hiệu quả kinh tế ở xã Phù Lưu.

Phong trào trồng chanh tứ mùa phát triển mạnh ở Phù Lưu khoảng 5 năm trở lại đây. Do khá phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng tại địa phương nên cây chanh phát triển nhanh, ít sâu bệnh. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, khoảng 2 năm tuổi chanh tứ mùa sẽ cho thu hoạch.

Gia đình chị Hoàng Thị Huyền, thôn Khâu Lình là hộ có diện tích trồng chanh lớn nhất ở Phù Lưu. Chị Huyền chia sẻ, chanh là loại quả gia vị, người giàu, người nghèo, khách sạn hay nhà hàng, nhà ăn bình dân, ai ai đều phải dùng đến chanh. Chanh được dùng quanh năm mà lại có chanh bán vào lúc trái vụ thì còn gì bằng. Vì thế trong khi nhiều hộ trồng cam thì chị lại quyết tâm gắn bó với cây chanh.

Để có kiến thức, chị đến các nhà vườn ở xã Yên Phú, huyện Hàm Yên hay vượt cả trăm km về tận tỉnh Hưng Yên học hỏi cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đảm bảo năng suất. Cũng vì thế, vườn chanh của chị luôn phát triển tốt, cho năng suất ổn định. Từ 100 gốc chanh ban đầu, đến nay vườn của gia đình chị đã có 700 gốc từ 7 đến 9 năm tuổi.

Từ trồng chanh tứ mùa, gia đình anh Bế Văn Từ thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.

Chị Huyền phấn khởi chia sẻ, năm nay giá chanh cao hơn nhiều so với mọi năm nên người trồng phấn khởi. Riêng gia đình chị từ đầu năm đến nay đã thu hoạch 3 đợt được khoảng 65 tấn chanh quả. Với mức giá trung bình 20.000 đồng/kg trừ chi phí chị thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Hiện gia đình chị vẫn còn khoảng hơn 20 tấn chanh đang chuẩn bị cho thu hoạch.

Đến nay, xã Phù Lưu có hơn 80 ha chanh tứ mùa, năng suất trung bình đạt khoảng 30 tấn quả/ha. Ưu điểm nổi bật của loài cây này là khá phù hợp với loại đất soi bãi, đất đồi thấp. So với các giống chanh khác, chanh tứ mùa ra quả quanh năm, mỗi năm cho hoạch thu từ 5 đến 6 lần. Ở xã Phù Lưu hiện nay, cây chanh tập trung nhiều nhất tại các thôn Khâu Lình, thôn Thọ, thôn Mường…

Gia đình anh Bế Văn Từ, thôn Thọ có 300 gốc chanh tứ mùa. Trước đây diện tích này được anh sử dụng để trồng ngô, nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Thấy cây chanh có nhiều ưu điểm phù hợp để phát triển, năm 2016 anh bỏ gần 100 triệu đầu tư giống, phân bón, thuê nhân công làm đất trồng 300 gốc chanh.

Năm nay chanh được giá, thương lái thu mua kịp thời nên nhiều nhà vườn ở Phù Lưu phấn khởi.

Anh Từ cho biết, cây chanh tứ mùa không chỉ cho thu nhập cao, ổn định mà việc chăm sóc cũng khá đơn giản. Người trồng chanh có thể tăng cường bón phân hữu cơ đã qua xử lý để cây sai quả, mã đẹp, mọng nước. Ngoài ra khi phát hiện cây bị sâu đục thân, nấm quả và nấm lá phải phun thuốc kịp thời để tránh lây lan và giảm nguy cơ cây bị chết.

Sau 3 năm đầu tư chăm sóc, đến nay vườn chanh của gia đình anh Từ cho năng suất khá ổn định. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, gia đình anh Từ đã thu về hơn 80 triệu đồng tiền bán quả chanh. Ngoài ra, anh còn thu lãi hơn 40 triệu đồng từ bán cây giống.

Cùng với cây cam, cây chanh tứ mùa cũng đang phát huy hiệu quả kinh tế giúp người dân ở Phù Lưu có cuộc sống ấm no, đủ đầy. So với cây cam, cây chanh tứ mùa có những ưu điểm như có thể trồng tại các khu đất soi bãi, đồi thấp, khu vực không thể trồng được cam; việc đầu tư chăm sóc cũng đơn giản hơn và khoảng 2 năm trồng đã cho thu hoạch. Toàn xã có hơn 10 hộ thu hàng trăm triệu đồng/năm từ trồng chanh, cá biệt có hộ thu về cả tỷ đồng.

Cây chanh giúp người trồng tăng thu nhập.

Ông Đỗ Hữu Ước, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết, năm nay chanh được mùa, được giá nên nhiều nhà vườn phấn khởi. Với mức giá trung bình 20.000 đồng/kg, mỗi ha chanh có thể cho thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/năm.

"Để cây chanh phát triển bền vững, UBND xã Phù Lưu đang làm thủ tục thành lập Hợp tác xã chanh tứ mùa và đề nghị huyện Hàm Yên cho phép đưa cây chanh tứ mùa trở thành cây trồng chủ lực của xã. Xã cũng khuyến cáo người dân giữ ổn định diện tích hiện có, không ồ ạt mở rộng diện tích, tránh tình trạng khủng hoảng thừa khiến giá chanh xuống thấp", ông Ước nói.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.