| Hotline: 0983.970.780

“Chào mừng tới Việt Nam”

Thứ Tư 03/09/2014 , 08:46 (GMT+7)

Michael J. Totten là một nhà báo Mỹ, sau chuyến thăm Việt Nam mới đây, anh đã thuật lại trên tờ World Affairs về những cảm nhận cá nhân.

Michael J. Totten là một nhà báo Mỹ, từng có mặt tại Trung Đông, các nước vùng Balkans và Liên Xô. Anh thường xuyên viết cho các tờ New York Times, Wall Street Journal, New Republic, City Journal, Reason, World Affairs.

Sau chuyến thăm Việt Nam mới đây, anh đã thuật lại trên tờ World Affairs về những cảm nhận cá nhân.

1. Tôi là nhà báo nhưng tôi tới Việt Nam với tư cách khách du lịch. Việt Nam tạo ấn tượng tốt nơi tôi với tư cách một du khách nhưng thách thức tôi trong vai trò nhà báo.

Một tấm bảng bên con đường dẫn từ sân bay đến thành phố ghi, bằng tiếng Anh: “Hà Nội: Thành phố vì hòa bình” với hình ảnh một chim câu trắng. Nếu bạn là người Mỹ nhưng lớn tuổi hơn tôi, từng biết đến Hà Nội khi còn là Thủ đô của kẻ thù, hãy đừng nghi ngờ sự thành thật của tấm bảng kia.

Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc gần 40 năm. Dù gì thì người Việt Nam cũng chẳng bao giờ muốn đánh nhau với người Mỹ. Trong những năm 1970, tôi còn quá trẻ để biết về Việt Nam, nhưng điều rõ ràng là đất nước này đang thay đổi mạnh mẽ, hơn bất cứ nước nào ở Đông Âu mà tôi từng tới.

Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh nghèo khổ trên thế giới, nhất là ở Ai Cập và châu Mỹ Latin. Tôi nghĩ Việt Nam trông có vẻ nghèo đối với những ai chưa bao giờ ra khỏi Mỹ hay châu Âu. Tuy nhiên, nhà cửa ở Hà Nội hầu hết là lớn hơn nhà tôi. Nhà hàng, quán cà phê, bar, trung tâm mua bán, cửa hàng đồ xa xỉ bung ra khắp chốn.

Thành phố trông gần như mới toanh. Thu nhập đầu người của Việt Nam thấp đáng kinh ngạc, nhưng chi phí cuộc sống cũng rẻ kinh ngạc, vì thế so sánh mức sống theo kiểu thống kê giữa Việt Nam và Mỹ hay châu Âu không có ý nghĩa gì.

Một số chỗ ở Hà Nội hơi lộn xộn, nhưng ngoài những búi dây điện như tổ cu trên một số tuyến phố, sự lộn xộn của Hà Nội giống như kiểu ta bày bừa trong căn nhà của ta trong khi chỉnh trang lại.

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức độ chóng mặt trong một thời gian dài. Tôi biết điều đó trước khi đến đây nhưng thực tế vẫn khiến tôi kinh ngạc. Ở Hà Nội, cửa hiệu, kinh doanh lớn nhỏ xuất hiện ở mọi ngóc ngách và gần như sản phẩm gì cũng có, cho dù tôi nghĩ không phải tất cả đều là hàng chất lượng cao.

Tôi từng biết tới hình ảnh những hàng dài người Việt xếp hàng để được mua vài kg gạo bằng tem phiếu.

2. Hà Nội tấn công tôi bằng đủ 5 giác quan. Mùi đồ ăn đường phố, cái nóng của thời tiết, khói, bụi, tiếng xe máy, tiếng động của công trường xây dựng, đôi khi là tất cả những thứ đó cùng lúc.

Trong mắt tôi, dường như có ai đó đem trộn nét Pháp và Trung Quốc lại và vắt lấy tinh chất, đó chính là Hà Nội. Tất nhiên đối với người Việt, Hà Nội đơn giản là Hà Nội thôi. Trừ những khu phố có kiến trúc Pháp do yếu tố lịch sử, cả thành phố mang phong cách châu Âu rõ rệt.

Nếu nhìn tổng thể, Hà Nội chưa đạt đến mức tao nhã, nhưng sẽ có lúc ấy, khi thành phố này giàu có gấp đôi và trật tự thêm bốn lần nữa. Yếu tố đầu chỉ là vấn đề thời gian, nhưng tôi không chắc về yếu tố thứ hai.

Người ta sống theo tính cách của họ và trật tự, ngăn nắp dường như chưa hẳn là tính cách của đa số người dân.

Chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh giao thông hỗn độn như thế. Trong gần một thập kỷ, tôi nghĩ chẳng nơi nào có thể so sánh với giao thông Beirut (thủ đô của Lebanon) về độ lộn xộn, nhưng tôi đã lầm.

Người Việt cũng đi đứng ẩu hệt như ở Lebanon, nhưng thay vì xe hơi, họ đi xe máy, nên số người tập trung ở một điểm giao thông nào đó lớn hơn rất nhiều…

Tôi đã từ chối trả 200.000 đồng tiền Việt để mua một vài cái bánh mì rán từ một phụ nữ trên phố. Tối đó tôi trả 6 đô la cho bữa ăn cộng thêm chai bia, vì thế tôi biết người đàn bà bán bánh chiều nay đã định “chặt chém” tôi, điều này được người phục vụ quầy bar xác nhận.

Nhưng cũng chỉ có lần đó thôi. Sau đó không thấy ai có ý chặt chém tôi nữa, ít nhất theo những gì tôi biết. Kể cả mấy người lái taxi. Tôi từng bị nhiều lái xe taxi ở châu Âu “xâu xé”.

Hôm sau, tôi tới làng Lệ Mật theo lời khuyên của người khác. Người ta mời tôi uống rượu pha với tiết rắn. Tôi đã từng tới Iraq 7 lần trong thời kỳ diễn ra chiến tranh, nhưng uống rượu với máu rắn thì quá ngưỡng chịu đựng.

3. Quay về Hà Nội, tôi đến khu vực hồ Hoàn Kiếm tìm một quán cà phê. Một cô gái mau miệng giới thiệu về một quán trên gác. Tôi cứ để cô ta dẫn đường, trong lòng ngờ vực bởi tầng dưới lộn xộn như một garage. Khung cảnh dường như được người ta cố tình làm cho ra vẻ cũ kỹ.

Cô gái đưa tôi lên tầng 5. Tôi chẳng thể tưởng tượng ra quán cà phê này sẽ thế nào nữa. Nếu ở chỗ nào đó của châu Âu hay Mỹ, có lẽ tôi đã quay xuống, nhưng khi ở đây, bản năng của tôi có thay đổi nào đó.

Đây rồi, một cánh cửa kính. Tôi bỗng cảm thấy như đang ở một quán cà phê ở bãi biển Miami, khác chút là ở đây là không gian có máy điều hòa đang chạy. Một số người Việt đang cắm cúi vào laptop hay iPad, uống những tách cà phê có kiểu dáng mang phong cách espresso của Ý.

Tôi có thể sống ở Việt Nam được chứ? Tôi phải biết. Hầu hết những nơi mà tôi đến, tôi dễ dàng có câu trả lời. Nhưng không phải ở Việt Nam. Tôi có thể sống ở Cairo? Không. Baghdad? Không đời nào. Rabat (thủ đô của Morocco)? Có lẽ là được.
Nhưng Hà Nội thì sao? Đây là nơi hấp dẫn du khách, nhưng còn những vấn đề khác thì sao? Khác biệt về thể chế chẳng hạn. Tôi có thể sống được ở đây, cho dù có khác biệt ấy? Có. Tôi tin là thế.

Hầu như ai cũng đang nhìn vào màn hình của một thiết bị điện tử nào ấy. Thế giới dường như đang hẹp lại và các vùng đất trở nên giống nhau. Và khi mọi người liên tục nhìn vào một màn hình bé tí trên tay, ngay cả khi nói chuyện với bạn bè, tôi tự hỏi: tất cả chúng ta, với tư cách một chủng người đồng nhất, rồi sẽ đi tới đâu?

Cho dù câu trả lời có thế nào đi nữa, thì Hà Nội nay mang dáng dấp của một thành phố toàn cầu.

Sau khi lưu lại Hà Nội vài ngày, tôi lên đường đi Hạ Long. Hình ảnh những ngôi nhà mới và đẹp đẽ của Hà Nội cứ đeo đẳng tôi. Sự nghèo đói nằm ở đâu? Chắc chắn nước này vẫn còn nhiều nơi nghèo khó. Ở vùng núi, hay dọc biên giới với Campuchia chẳng hạn.

Nhưng trên đường đi Hạ Long, dù không hào nhoáng như Hà Nội, mức độ đô thị hóa thấp hơn, nhưng đời sống xem ra cũng không đến nỗi nào. Ít nhất là dọc hai bên đường. Tôi nhìn thấy phụ nữ đội nón và những con trâu trên đồng, cảnh nên thơ dù làm việc ngoài trời với thời tiết như thế thì chẳng dễ chịu chút nào.

Tôi biết “Hạ Long” trong tiếng Việt nghĩa là “rồng đậu”, là di sản thế giới, một trong những kỳ quan thiên nhiên của châu Á.

Giá thuê tàu du lịch rẻ ngỡ ngàng, vì thế tôi thuê một chiếc và ra khơi. Khung cảnh như truyện thần tiên, siêu thực. Buồn là có rác trồi trên mặt vịnh. Không phải chỗ nào ở Việt Nam cũng đầy rác, nhưng mặt biển ở đây đầy chai nhựa, vỏ lon bia, vỏ bánh kẹo… Hầu hết là do người sống ở những làng nổi thải xuống.

Làng chài khá nghèo. Những dấu ấn văn minh không hiện diện ở đây. Người lái tàu nói những dân chài kia sống trong các hang đá trên đảo cho đến giữa những năm 1990. Chính quyền đã biết tình trạng ô nhiễm và chỉ một vài năm, những người ở làng nổi sẽ bị buộc phải lên bờ.

Hạ Long đẹp, là nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời nhưng là nơi dành cho du khách, không phải một nhà báo như tôi. Tôi quyết định quay về Hà Nội.

Và tôi quay lại những nhà hàng, quán cà phê tôi từng tới. Nhân viên khách sạn niềm nở đón tôi trở lại. Và câu hỏi thường xuất hiện trong đầu tôi mỗi khi ra nước ngoài lại hiện lên: Tôi có thể sinh sống ở đó được không?

Tôi tìm một nhà hàng rẻ nhưng đủ thoải mái gọi bia và ít đồ biển, nghĩ về câu hỏi. Tôi thử tưởng tượng trong đầu là tôi đã ở đây từ lâu. Ngay lúc ấy, tôi không rõ câu trả lời.

(lược thuật)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất