| Hotline: 0983.970.780

"Chảo rang" Ba Nang

Thứ Ba 02/03/2010 , 10:31 (GMT+7)

Đời sống của đồng bào Pa Cô ở vùng cao Ba Nang vốn đã khó khăn nay “khát” nước sạch nên càng chật vật hơn.

Từ hơn 5 năm nay 160 hộ dân với gần 900 nhân khẩu tại các thôn Tà Mên, Cóc, Trầm (xã Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nghiêm trọng. Đời sống của đồng bào Pa Cô ở vùng cao Ba Nang vốn đã khó khăn nay “khát” nước sạch nên càng chật vật hơn.

Sáng "gánh" chữ, chiều gánh nước

Mới vào đầu mùa hạn mà xã Ba Nang như một cái “chảo rang” giữa đại ngàn Trường Sơn. Hàng trăm người đổ xô đi gùi gánh nước “giải hạn”, phần đông trong đó là những đứa trẻ từ 7 đến 15.

Từ trung tâm xã men theo đường mòn dẫn vào các thôn Trầm, Cóc, Tà Mên chỉ hơn chục cây số mà chiếc xe máy của chúng tôi phải “nẹt pô” mất 2 giờ đồng hồ. Tuyến đường vào các thôn trên vốn đã xuống cấp sau lũ, nay đến đầu mùa hạn càng khô khốc, khắc nghiệt hơn. Từ đầu thôn, những phụ nữ và trẻ nhỏ gùi gánh nước từ một nhánh của dòng Krôngklang đi ngược dốc về phía bản. Em Hồ Thị Luyến (14 tuổi, thôn Cốc) nói qua tiếng thở: “Năm nào cứ đến mùa này thì phải đi gánh nước về dùng chú a. Thôn Cốc nằm cao thế nước đâu mà chảy tới được. Trong nhà em có 6 người phải thay nhau đi gánh suốt ngày mới đủ nước sinh hoạt”.

Đi sau lưng chị, bé Hồ Văn Ngơn (7 tuổi) cũng gánh hai… chai nước trà xanh 0 độ lững thững theo sau. Những đứa trẻ vùng cao Ba Nang cứ mỗi sáng sớm hay buổi chiều sau giờ tan học, lại xách những chai nước nhỏ về bổ sung vào lượng nước sinh hoạt của gia đình. Mỗi ngày, những đứa trẻ ở đây với đầu tóc lem luốc, vàng hoe đi chặng đường cả 4 cây số, dưới cái tiết trời nóng cháy da người vẫn cật lực mang nước về dùng.

Do thôn Cốc, Trầm nằm heo hút và cao hơn so với các thôn khác ở xã Ba Nang nên mỗi năm vào mùa này những đứa trẻ lại có công việc mới là đi "phu nước"! Nhìn hàng chục đứa trẻ lầm lũi trong nắng bụi khuất hút sau những căn nhà sàn lụp sụp mà xót xa!. Ban ngày, bố mẹ chúng đều lên rẫy lên nương cả, phần việc còn lại lũ trẻ phải cáng đáng. Nhà chị Hồ Thị Oi có 3 con trai mỗi sáng đều phải thay nhau đi từ sớm để lấy nước. Vừa gánh nước trở về, em Hồ Văn Nẫm (con trai đầu chị Oi) cho hay: “Gánh nước phải đi từ sớm chú à, không đến trưa thì nắng lắm không đi nổi. Ngày nào cũng phải gánh hết không thì đi học về không có nước mà tắm”. Tôi hỏi chị Oi sao có bể nước và đường ống hẳn hoi sao không trữ nước mà dùng? Chị Oi chỉ tay về phía bể, than: “Hỏng hết cả rồi, mới dùng được 2 năm thì nó không chứa nước nữa, chờ nhà nước làm lại thôi”.

Công trình nước sạch… sạch nước

Cái khát nẻ cả môi người đã len lỏi vào vùng “biệt lập” thôn Cốc, Trầm, Tà Mên khi những công trình chứa nước hàng trăm triệu đồng được đầu tư xây dựng tại các thôn trên vừa đưa vào sử dụng đã hỏng.

Thôn Cốc có 51 hộ dân với 279 nhân khẩu. Cứ 2 đến 3 hộ gia đình ở đây đều được đầu tư xây dựng 01 bể nước với hệ thống ống nước dẫn từ nguồn vốn của Chương trình 135 của Chính phủ hay vốn hỗ trợ người nghèo. Thế nhưng, cho đến nay hầu hết hệ thống bể nước, đường ống dẫn đã xuống cấp, hư hại nghiêm trọng!

Dẫn chúng tôi đi quanh thôn, ông Pả Nưm, Trưởng thôn Cốc nói như phân trần: “Trước đây mấy công trình này mới làm xong vẫn dùng được, chỉ nửa năm nay bắt đầu hư hỏng dần. Đặc biệt, vào trận lũ năm 2009 vừa qua, đa số các công trình nước trên địa bàn thôn đều hư hỏng không dùng được. Không có nước dùng, người dân phải đi gánh chứ không biết trông chờ vào ai nữa”.

Đến nhà anh Hồ Luồn, dẫn chúng tôi ra bể nước nằm cạnh nhà, anh ngao ngán: “Nước sinh hoạt cũng không có chứ lấy đâu ra mà trồng trọt, sản xuất. Từ lúc xây cái bể ni gia đình tui tưởng có nước sạch sinh hoạt, bắt tay vào sản xuất chứ ai dè nó mau hư ri à”. Gia đình anh Luồn có 5 người, làm 2 sào ruộng lúa nước vì không có nước tưới nên vụ mùa thất bát liên miên, cứ vào mùa khô là nguy cơ thiếu nước và giáp hạt rất cao.

Ông Vũ Đình Hoè, Chủ tịch UBND huyện Đakrông: Trong trận lụt năm 2009 vừa qua, trên toàn huyện có 58 công trình dân sinh bị hư hỏng, xuống cấp. Hiện tại, đang bố trí ngân sách tiến hành sửa chữa dần. Từ tháng 10/2009 đến nay đã thực hiện tu bổ, sửa chữa các công trình dân sinh qua 3 đợt với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Chúng tôi xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của huyện năm 2010.

Tại thôn Trầm, Tà Mên cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Anh Hồ Văn Nua, Trưởng thôn Trầm nói: “Toàn thôn có 34 hộ dân với 182 nhân khẩu, mỗi hộ gia đình ở đây đều… khát như nhau cả thôi. Mấy ngày nay bà con thôn bản đang lùa trâu đi tìm những ao hồ còn sót lại ít nước, nếu cứ hạn như ri thì chết hết”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các bể ở đây đều nứt nẻ, không còn khả năng chứa nước. Ở vùng cao Ba Nang, những công trình nước sạch không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí trong nhiều năm qua. Toàn xã Ba Nang có gần 100 ha lúa nước và 125 ha lúa rẫy, trong đó diện tích lúa tập trung ở 3 thôn nói trên chiếm gần 1/3 toàn xã. Vì không có nước tưới trong nhiều năm qua làm hàng chục ha đất bị bỏ hoang, người dân khốn đốn trăm bề.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Biệt, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Nang thừa nhận: “Những công trình bể chứa nước và đường ống ở 3 thôn Trầm, Cốc, Tà Mên được xây dựng đợt 1 từ năm 2002 và đợt 2 năm 2005 đến nay đã hư hỏng nhiều, do địa hình của 3 thôn cao nên không phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, trạm thuỷ lợi Tà Rẹc, Pa Nang đã bị trận lũ vừa qua cuốn trôi nhiều đoạn, làm hư hỏng nặng. Hiện tại, trước mắt chúng tôi đang chờ nguồn vốn phân bổ của huyện, sẽ khắc phục sớm để bà con có nước sinh hoạt sản xuất”. Về phương án lâu dài, ông Biệt cho biết thêm, chính quyền xã đang tiến hành khoan 2 giếng nước ngầm thí điểm, nếu thành công sẽ nhân rộng cho bà con có nước sinh hoạt và sản xuất.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất