| Hotline: 0983.970.780

Chắp cánh Việt Nam thành bếp ăn của thế giới

Thứ Tư 06/07/2022 , 19:28 (GMT+7)

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chính là nâng cao giá trị và nâng cao tâm hồn cho cả người sản xuất lẫn tiêu dùng.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cùng lãnh đạo Bộ NN-PTNT tham quan các gian hàng tại triển lãm. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cùng lãnh đạo Bộ NN-PTNT tham quan các gian hàng tại triển lãm. Ảnh: Bảo Thắng.

Nâng cao hơn nữa năng lực chế biến

Phát biểu tại buổi "Tọa đàm và trưng bày sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo tiêu chuẩn và chất lượng - Con đường Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới" tại trụ sở Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, một trong những điểm nghẽn của ngành nông nghiệp hiện nay nằm ở khâu chế biến.

Thứ trưởng lấy ví dụ về các sản phẩm trồng trọt, đặc biệt là hoa quả. Đây là mặt hàng có sản lượng lớn, lên tới hàng triệu tấn mỗi năm. Chất lượng một số nông sản như thanh long, vải thiều... của Việt Nam có thể xem là nằm trong tốp đầu thế giới. Tuy nhiên, những câu chuyện như "được mùa mất giá", "ùn tắc tại cửa khẩu" vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

"Làm thế nào để mỗi giọt mồ hôi của người nông dân đổ xuống đất phải thu về giá trị cao nhất. Nông sản Việt không chỉ đơn thuần là một sản phẩm, mà đó còn là tâm hồn Việt, giá trị Việt và sáng tạo Việt", lãnh đạo Bộ NN-PTNT nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, thời gian qua Bộ NN-PTNT đã có nhiều chương trình phát động, hưởng ứng, tuyên truyền để nâng cao giá trị, thương hiệu nông sản Việt. Gần nhất, 20.000 cán bộ ngành nông nghiệp đã tham gia Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", giúp lan tỏa rộng rãi hình ảnh nông sản tới nhiều tầng lớp xã hội.

Nhắc lại chương trình này, Thứ trưởng chỉ rõ bản chất của những cuộc vận động là nâng cao nông sản, nâng cao giá trị và nâng cao tâm hồn. Muốn làm được điều ấy, từ người sản xuất, thu hoạch, tới sơ chế, chế biến, tiêu thụ và phân phối cần chuyên môn rõ từng khâu, đặc biệt là phải tập trung nguồn lực cho chế biến sâu.

"Thống kê cho thấy, khoảng hai phần ba nông sản Việt Nam sản xuất hàng năm chưa được chế biến. Nếu giảm được tỷ lệ này, ngành nông nghiệp coi như thực hiện được một phần nhiệm vụ chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp bày tỏ.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp dự triển lãm. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp dự triển lãm. Ảnh: Bảo Thắng.

Bàn sâu hơn về các sản phẩm chế biến, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin, rằng hiện phần lớn các mặt hàng trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu là đồ khô. Đây là rào cản khiến những món ăn, đặc sản ngon của Việt Nam như phở chưa được biết đến rộng rãi.

Một điểm được Thứ trưởng lưu ý nữa, là liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhiều nơi còn chưa ổn định. Điều này khiến nền sản xuất trong nước nhạy cảm, và dễ đứt gãy chuỗi cung ứng trước những biến động bất thường của quốc tế như dịch bệnh, biến đổi khí hậu...

Tham dự triển lãm Trưng bày sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo tiêu chuẩn và chất lượng ngày 6/7, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói "rất vui mừng" vì đã tìm thấy nhiều câu trả lời cho các câu hỏi, vấn đề được đặt ra ở trên.

"Nói đến giấc mơ trở thành bếp ăn của thế giới, với tình hình sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hiện tại, e là hơi sớm. Có lẽ chúng ta mới đang là công xưởng sản xuất, gia công cho chuỗi thực phẩm toàn cầu. Tuy nhiên, nếu chịu khó cải thiện chất lượng, mẫu mã, theo kịp được thị hiếu người tiêu dùng, Việt Nam sẽ có ngày hiện thực hóa được mong muốn", lãnh đạo ngành nông nghiệp chia sẻ.

Chuỗi sự kiện, lấy cảm hứng từ việc đưa Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới, được Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với nhiều đơn vị liên quan, nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu những cách ăn mới của thời đại, trân quý những gì thiên nhiên mang lại và góp phần đem tinh hoa ẩm thực Việt Nam lan tỏa khắp năm châu 

Chủ tịch Hội, bà Vũ Kim Hạnh bày tỏ niềm vui khi triển lãm nhận sự quan tâm sâu sát, kịp thời của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, mà trực tiếp là Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, cùng các Cục, Vụ và đơn vị liên quan.

Theo bà Hạnh, điểm nhấn của sự kiện là những trải nghiệm ẩm thực Việt Nam trên hành trình khám phá, với tầm nhìn “Việt Nam - bếp ăn của thế giới”. Thời gian tới, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương nhằm phát triển các hoạt động xúc tiến thị trường nội địa dành cho nông sản Việt Nam, cũng như đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ.

Thay mặt Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp trao quà cho các đơn vị tham gia tổ chức triển lãm. Ảnh: Bảo Thắng.

Thay mặt Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp trao quà cho các đơn vị tham gia tổ chức triển lãm. Ảnh: Bảo Thắng.

Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp khởi nghiệp

Hồi tháng 5/2022, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã tổ chức đoàn công tác gồm 18 doanh nghiệp tới tham gia Hội chợ chuyên ngành Thực phẩm và Đồ uống hàng đầu châu Á THAIFEX - Anuga Asia 2022 tại Bangkok, Thái Lan.

Qua quá trình thực tế, nhiều công ty nhận xét rằng chất lượng sản phẩm và nguyên liệu Việt Nam không đồng đều, nên đưa vào nhà máy chế biến gặp khó. Vì thế, một số doanh nghiệp đã tập trung phát triển một số rau, quả, gia vị để chuẩn hóa. Ngoài ra, với các loại khó chuẩn hoá, các công ty sẽ có phương thức đặt hàng những HTX có thực hành nông nghiệp tốt, trong đó chú trọng vào độ chín, kích thước, tỷ trọng, màu sắc, tiêu chuẩn vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật…

Đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo của khối doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng nhóm này "đang chịu nhiều rủi ro", từ đầu tư máy móc, dây chuyền, cơ sở hạ tầng, cho tới công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. 

"Việt Nam đã biết cách khai thác hiệu quả đất đai và những sản vật mà thiên nhiên ưu ái, nhưng cần quan tâm hơn tới việc bồi đắp và tạo dựng được giá trị thặng dư cả về đất trồng lẫn lao động và nền văn hóa lúa nước hàng triệu năm. Để nâng cao giá trị nông sản, chúng ta cần chuyển dịch tư duy. Ngoài xuất khẩu hàng hóa thô, các đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP đều phải được chế tinh, để người tiêu dùng dễ sử dụng", Thứ trưởng gợi mở.

Song song với đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng nêu bật sức sáng tạo của tuổi trẻ trên con đường đưa Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới. Thứ trưởng nhận định, ngành nông nghiệp vừa đón một lượng lớn nguồn lao động trẻ từ các thành phố, khu công nghiệp trở về nông thôn. Đây là cơ hội để toàn ngành đổi mới sáng tạo, cũng như đổi mới nguồn nhân lực tại các vùng quê.

Về phía Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cam kết sẽ nghiên cứu, xem xét và tham mưu cho Chính phủ những chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp trẻ. Đồng thời, các đơn vị Bộ NN-PTNT cũng đang phối hợp Bộ Công thương để sản xuất các bản tin thị trường từ những nước nhập khẩu nông sản lớn trên thế giới. 

"Chúng ta cần gắn tâm hồn Việt trong từng sản phẩm. Làm thế nào để mỗi khi thưởng thức một sản phẩm nông nghiệp, người tiêu dùng như được đọc một câu chuyện, hoặc biết thêm một tầng nghĩa mới về văn hóa. Nâng cao giá trị sản phẩm không gì tốt hơn là nâng sản phẩm lên tầm văn hóa", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Triển lãm "Sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo tiêu chuẩn và chất lượng - Con đường Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới" được Công đoàn Bộ NN-PTNT và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp tổ chức.

Hơn 25 gian hàng với khoảng 40 sản phẩm, chủ yếu là thực phẩm chế biến được trưng bày tại triển lãm ngày 6/7. Khách tham quan đánh giá cao chất lượng, mẫu mã của sản phẩm, và được trải nghiệm, thưởng thức một số mặt hàng độc đáo ngay tại không gian của Bộ NN-PTNT.

Xem thêm
Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm