| Hotline: 0983.970.780

Chất bổ dưỡng chống ung thư trong sữa và thịt bò ăn cỏ

Thứ Bảy 01/05/2010 , 08:30 (GMT+7)

Axit linoleic liên hợp (conjugated linoleic acid: CLA) có nhiều trong thịt và sản phẩm sữa của loài nhai lại như trâu, bò, dê, cừu, có tác dụng tốt trong ngừa ung thư...

CLA có nhiều trong thịt và sản phẩm sữa của loài nhai lại như trâu, bò, dê, cừu (Ảnh minh họa)

Cổ nhân thường nói “bệnh đi vào cơ thể từ miệng”. Quả vậy, các điều tra về dịch tễ học đã cho biết, riêng với bệnh ung thư thì 35% số người chết về ung thư là do ăn uống.  

May thay chính một số chất dinh dưỡng có trong thức ăn lại có tác dụng chống ung thư. 

Trong thức ăn thực vật có các vitamin chống oxy hóa có tác dụng chống ung thư, bao gồm vitamin E (có nhiều trong hạt, dầu thực vật, mầm hạt), vitamin C (có nhiều trong cải broccoli, chanh, dâu tây, hạt tiêu đỏ), các carotenoid như β-carotene, lycopene, lutein, β-crytoxanthin (có nhiều trong cà rôt, cà chua, gấc, rau có nhiều lá xanh…). Trong thức ăn động vật cũng có khá nhiều loại chứa các chất dinh dưỡng có vai trò chống ung thư như vitamin A, D (có nhiều trong dầu cá, trứng gà), các axit béo omega-3 (có nhiều trong cá, nhất là cá biển). Ngoài ra một số nguyên tố vi khoáng như sắt, kẽm, selen cũng có vai trò chống ung thư, chúng có nhiều trong cả thức ăn động vật và thực vật. 

Đặc biệt có một chất dinh dưỡng có nhiều trong sữa và thịt bò mới được phát hiện khoảng 20 năm trở lại đây có tác dụng chống ung thư, đó là axit linoleic liên hợp (conjugated linoleic acid: CLA). 

Vai trò chống ung thư của CLA được các nhà khoa học phát hiện ra một cách bất ngờ trong khi đi tìm chất gây đột biến trong thịt bê. Vào năm 1979, các nhà khoa học của trường Đại Học Wiscosin Hoa Kỳ cho chuột tiếp xúc với một chất gây ung thư da, sau đó dùng dịch chiết của thịt bê đưa vào da chuột. Khi các nhà khoa học đếm số lượng khối u ở chuột 16 tuần sau đó đã rất ngạc nhiên thấy rằng, chuột được xử lý bằng dịch chiết thịt bê có số lượng khối u ít hơn 20% so với chuột không được xử lý dịch chiết thịt bê.

Tuy nhiên phải đến hơn 10 năm sau nhờ các kết quả nghiên cứu của mình, Michael Pariza mới khẳng định được rằng chính CLA trong dịch chiết thịt bê có tác dụng chống ung thư.  

Các nghiên cứu sau đó trên chuột đã thấy rằng CLA có tác dụng ngăn ngừa một cách hiệu quả ung thư vú với liều rất nhỏ. Một thí nghiệm trên chuột gây khối u tuyến vú cưỡng bức đã thấy, nếu chuột trước đó được cho ăn CLA từ bơ với liều 0.8% khối lượng khẩu phần thì số lượng khối u giảm 43% so với chuột không cho ăn CLA.

Vai trò ngăn ngừa ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt của CLA gần đây cũng đã được chứng minh ở người.

Không những ngăn ngừa ung thư, CLA còn có tác dụng ngăn ngừa xơ vữa động mạch, từ đó giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Một thí nghiêm trên thỏ hàng ngày cho ăn khẩu phần chứa 0,5g CLA đã thấy cholesterol xấu (LDL) và mỡ máu giảm thấp. Một nghiên cứu khác trên chuột cũng cho thấy CLA trong khẩu phần có thể hạ thấp 30% cholesterol máu, 25% LDL và 50% mỡ máu.

Các nghiên cứu dịch tễ học trên người cũng phát hiện được rằng nhóm người tiêu thụ bơ thì không thấy tăng nguy cơ của bệnh tim mạch so với nhóm người chỉ ăn magarine (bơ chứa CLA còn magarine thì không).

Ngoài các vai trò trên, các nhà khoa học cũng có những bằng chứng bước đầu cho thấy CLA còn có vai trò ngăn ngừa bệnh tiểu đường, bệnh thừa cân béo phì trên động vật thí nghiệm. 

CLA thực sự là một chất dinh dưỡng quý, trong khi một số tác dụng đang còn được tiếp tục đánh giá (như tác dụng ngăn ngừa bệnh tiểu đường, giảm nguy cơ thừa cân béo phì) thì CLA đã được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày với vai trò là một chất chống ung thư và ngăn ngừa nguy cơ bệnh tim mạch. 

Có một điều lý thú và đáng được người chăn nuôi quan tâm, đó chính là CLA lại có nhiều trong thịt và sản phẩm sữa của loài nhai lại như trâu, bò, dê, cừu (thịt kanguru cũng rất giầu CLA).

CLA do vi khuẩn trong dạ cỏ của loài nhai lại tạo nên. Một đồng phân chủ yếu của CLA có tên là axit rumenic được hình thành trong dạ cỏ, từ đây axit rumenic đi vào thịt và sữa của con vật. Axit rumenic chiếm hơn 80% của tổng CLA có trong bơ và hơn 75% của tổng CLA có trong mỡ bò. Tuy nhiên, cần phải chú ý rằng trâu bò ăn càng nhiều cỏ thì hàm lượng CLA trong thịt và sữa càng cao.

Thịt và sữa của bò cho ăn cỏ có hàm lượng CLA cao hơn 3-5 lần so với của bò cho ăn một nửa là cỏ khô cộng với thức ăn ủ xanh và một nửa là thức ăn tinh.

Người ta cũng có thể tăng hàm lượng CLA trong thịt hay sữa bò bằng cách bổ sung vào khẩu phần một số loại thức ăn chứa tiền chất của CLA như dầu đỗ tương, dầu lanh, dầu hướng dương, hạt đỗ tương nguyên dầu hay hạt bông nguyên dầu ép đùn. Ngoài ra người ta cũng đã sử dụng một số chủng vi khuẩn lên men axit lactic để tăng hàm lượng CLA trong sữa chua hay trong phô-mai. 

Tất cả những sản phẩm thịt hay sữa của loài nhai lại giầu CLA hay các loại sữa chua, phô-mai giầu CLA, với tính chất chống ung thư và ngăn ngừa nguy cơ bệnh tim mạch của nó, ngày nay đang được coi là những thực phẩm chức năng quý.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất