| Hotline: 0983.970.780

Chặt cao su, bỏ mía, rồi lại... khóc ròng với cam, quýt, chanh dây

Thứ Tư 09/01/2019 , 08:28 (GMT+7)

Trước những tác động và khó khăn của thị trường, tại một số vùng trồng mía, cao su ở Tây Ninh, bà con nông dân đã chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Thực trạng này đã không chỉ phá vỡ quy hoạch mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương.

Khóc... với cam, quýt, chanh dây

Thời gian qua, giá mủ cao su giảm thấp và kéo dài (29 - 30 triệu đồng/tấn), trong khi gỗ cao su lại tăng cao, vì thế, ở 2 huyện Tân Châu, Tân Biên (Tây Ninh) một số nông dân đã quyết thanh lý vườn cao su khi chưa đến tuổi để trồng các cây “thời thượng” như cam xoàn, quýt đường, chanh dây…

12-08-15_h1
Giá mủ cao su thấp kéo dài, một số nhà vườn ở huyện Tân Châu chặt bỏ để trồng sầu riêng xen với cam sành, quýt đường

Ông  Lê Việt ở ấp Suối Dầm, xã Tân Đông, huyện Tân Châu gần đây đã chặt bỏ 3ha cao su chục năm tuổi. Theo ông Việt, vài tháng trước, giá gỗ cao su lên cao (700 - 800 ngàn đồng/cây), giá mủ thấp, nên ông đã quyết định chặt bỏ 3ha cao su để trồng hết cam xoàn và quýt đường.

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, diện tích cây có múi trên địa bàn tỉnh đang tăng nhanh, lên gần 1.900ha (cây cam chiếm 332ha; cây quýt chiếm 280ha), được trồng tập trung nhiều nhất trên địa bàn các huyện Tân Biên, Dương Minh Châu, Tân Châu.

Do diện tích phát triển ồ ạt nên nguy cơ cung vượt cầu là rất lớn. Hơn nữa, cây cho trái có múi vốn đòi hỏi cao về điều kiện đất đai, thời tiết, kỹ thuật trồng và chăm sóc nhưng sản phẩm lại chủ yếu tiêu dùng nội địa.

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp nông dân chạy theo phong trào lại thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nên chất lượng trái không đạt, không mang lại hiệu quả cao. Đơn cử như ông Nguyễn Hồng Nam (ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) trồng 3ha quýt đường, với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, đến khi cây cho thu hoạch, chất lượng trái và năng suất không đạt nên thương lái thu mua với giá thấp (khoảng 7.000 đồng/kg). Cứ nghĩ vụ đầu cây chưa thích nghi với thổ nhưỡng, ông Nam tiếp tục đầu tư chăm sóc cho vụ tiếp theo. Thế nhưng, vụ này kết quả cũng không đạt về chất lượng và sản lượng, thương lái chê. Cuối cùng, ông Nam buộc phá bỏ toàn bộ diện tích quýt đường để chuyển sang cây trồng khác.

Tương tự, ông Trần Văn Hưng (ngụ ấp Ðông Hà, xã Tân Ðông) hiện đang trồng sầu riêng và măng cụt cho hay: Ban đầu, ông chặt bỏ 2ha cao su sang trồng chanh dây. Lúc này, giá chanh dây khoảng 15.000 đồng/kg, bình quân mỗi hecta sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận đến 500 triệu đồng/năm. Thấy chanh dây cho thu nhập “khủng”, ông tiếp tục đầu tư chuyển đổi 8ha cao su sang trồng hết chanh dây.

Tuy nhiên, bất ngờ hàng loạt diện tích chanh dây của một số người dân tại huyện Tân Châu, trong đó có 10ha của ông, bị nhiễm bệnh nặng không rõ lý do mà cũng không có thuốc đặc trị. Nhận thấy không thể tiếp tục mạo hiểm đầu tư, cuối cùng ông Hưng đành phá bỏ toàn bộ diện tích chanh dây, chuyển sang cây trồng khác.
 

Coi chừng... giống rởm!

Trước kia, sầu riêng được trồng chủ yếu ở vùng ĐBSCL và tỉnh Đồng Nai thì hiện nay, loại cây này đang có sự gia tăng diện tích mạnh mẽ tại tỉnh Tây Ninh, nơi vốn được xem là thủ phủ của mía, mì và cao su. Tại đây, cây sầu riêng đã tỏ ra thích nghi với vùng đất khi cho năng suất và chất lượng khá tốt.

12-08-15_h2
Để có sản phẩm cây ăn trái đạt chất lượng thì khâu chọn giống hết sức quan trọng và hiện nông dân đang tự nhân giống
“Để có sản phẩm cây ăn trái đạt chất lượng đưa ra thị trường, thì khâu chọn giống hết sức quan trọng. Do đó, nhà nước nên có phương án liên kết với các doanh nghiệp khảo sát từng vùng địa phương, phân tích đặc điểm thổ nhưỡng thích hợp với những loại cây trồng gì để định hướng cho người dân. Bên cạnh đó, nông dân đã trồng hay dự định trồng các loại cây ăn trái nên có kế hoạch và thực hiện theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương để tránh những rủi ro đáng tiếc” (bà Nguyễn Thị Thành, Phó Chủ tịch huyện Tân Châu).

Theo tính toán chỉ cần trồng xen 1ha sầu riêng với mật độ chừng 80 - 100 cây là mỗi năm cầm chắc lãi không dưới nửa tỷ đồng. Trong khi đó, cây mía, mì, cao su không còn hấp dẫn như trước nên nhiều hộ nông dân quyết chuyển đổi sang trồng sầu riêng.

Ông Trần Văn Tuấn ở ấp 5, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu vừa thu hoạch xong 1,5ha mía bán cho nhà máy giá 850.000 đồng/tấn, chữ đường bình quân chưa tới 9 CCS. “Giống, vật tư, công lao động cho cây mía cái gì cũng lên. Trong khi bà con chung quanh trồng sầu riêng thấy lời bắt ham, nên tôi quyết định phá hết trồng sầu riêng”, ông Tuấn nói.

Theo ông Lê Công Minh (Chủ tịch Hội nông dân xã Bàu Ðồn), trên địa bàn xã có hơn 400ha trồng sầu riêng, chủ yếu là các giống chất lượng cao như Ri-6, Monthong Thái Lan, tập trung chủ yếu tại ấp 2 và ấp 7. Trong thời gian tới, xã Bàu Ðồn sẽ quy hoạch vùng chuyên canh tập trung cây sầu riêng chất lượng cao với diện tích 100ha.

Những năm qua, sầu riêng là một trong những loại cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, trung bình lợi nhuận trên 800 triệu đồng/năm/ha, đã giúp nhiều hộ nông dân trong xã vươn lên làm giàu.

“Đúng là cây mía trong giai đoạn này khó ăn, nhưng bỏ mía trồng sầu riêng chạy theo lợi nhuận mà thiếu sự gắn kết với chế biến và tiêu thụ thì rất dễ dẫn đến nguy cơ rủi ro về thị trường tiêu thụ sau này. Vì thế, Hội nông dân đang tham mưu cho chính quyền các cấp thành lập tổ hợp tác liên kết trồng sầu riêng để tạo điều kiện cho nông dân trồng, chăm sóc cây đạt hiệu quả cao, tạo đầu ra ổn định…”, ông Minh nói.

Đặc điểm đất trồng ở địa phương tỏ ra thích hợp với cây sầu riêng, nhưng vấn đề là khâu giống. Ở đây, từng có trường hợp một nông dân mua 200 gốc sầu riêng tại một cơ sở sản xuất giống cây trồng ở miền Tây với chi phí đầu tư ban đầu khá lớn. Tuy nhiên, đến lúc cây cho trái thì chất lượng trái không đạt, sản phẩm không tìm được chỗ đứng trên thị trường, nhiều năm liền cây không cải thiện chất lượng trái, ông này đành phá bỏ toàn bộ vườn sầu riêng để trồng cây khác.

TS Nguyễn Văn Hòa (ảnh), Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam

12-02-52-2-ts-nguyen-vn-ho15120558

Nông dân ở nhiều nơi đang đổ xô trồng sầu riêng mà không quan tâm đến điều kiện tự nhiên, quy hoạch hay thổ nhưỡng của loại cây này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, đó là việc tăng nóng diện tích sầu riêng sẽ có nguy cơ khủng hoảng thừa do nguồn cung lớn. 

Đặc biệt ở những vùng mới trồng sầu riêng, nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật và chất lượng đất (dễ bị phèn). Để hỗ trợ cho nông dân, với vai trò nghiên cứu khoa học, chúng tôi đang chuẩn bị rất kỹ các mô hình hướng dẫn nông dân cắt tỉa thế nào cho đúng, không nên để cây phát triển cao, tránh gãy đổ. Chúng tôi cũng sẽ hướng dẫn bà con cách xử lý rải vụ để né thời điểm thu hoạch các vùng trồng khác, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp hợp tác thu mua sầu riêng cho nông dân.

MINH SÁNG

 

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.

Bình luận mới nhất