| Hotline: 0983.970.780

Chất lượng không khí ở Hà Nội ‘xấu’ và ‘rất xấu’

Thứ Bảy 14/12/2019 , 15:58 (GMT+7)

Hôm nay (14/12), tại các điểm quan trắc vẫn ghi nhận chất lượng không khí ở Hà Nội chủ yếu ở mức “xấu” và “rất xấu”. Trưa, chiều, chất lượng không khí sẽ không thay đổi nhiều.

Ghi nhận từ trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên vào lúc 10h sáng nay cho thấy kết quả chất lượng không khí (chỉ số AQI) lên đến 186, ở ngưỡng “đỏ” theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ và là ngưỡng “xấu” theo cách tính chỉ số AQI của Việt Nam.

Sáng nay, trên cổng thông tin quan trắc môi trường của thành phố Hà Nội cũng đưa ra cảnh báo màu “đỏ” và “tím” ở nhiều điểm quan trắc. Trong đó, có điểm chỉ số AQI lên tới trên 200. Đây là ngưỡng ô nhiễm “rất xấu” ảnh hưởng tới sức khỏe.

AQI tại Hà Nội đang ở mức xấu và rất xấu.

Chất lượng không khí xấu

Sáng 14/12, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đưa ra thông báo đánh giá mức độ ô nhiễm không khí trong tuần này (ngày 7-13/12) mức độ ô nhiễm không khí có xu hướng tăng hơn so với tuần trước (ngày 30/11-6/12). Đặc biệt là trong các ngày từ 10 - 13/12 chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu (giá trị từ 201-300).​

Giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 tại các thành phố từ đầu tháng 12 tới nay, nhìn chung, có xu hướng tăng. Trong các ngày từ 7/12 - 12/12, tại Hà Nội, Việt Trì, Phú Thọ, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép.

Riêng tại Hà Nội, có trạm đo được giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép gần 2-3 lần. Số liệu quan trắc tại các trạm ở Khánh Hòa và Đà Nẵng cũng có xu hướng tăng nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Kết quả tính toán AQI ngày cho thấy, tại Hà Nội, chất lượng không khí ở mức xấu trong các ngày từ 9 - 12/12, tại Việt Trì và Huế, chất lượng không khí đã chạm ngưỡng xấu trong ngày 12/12, còn tại Hạ Long, Hồ Chí Minh, chất lượng không khí cũng ở mức kém.

Tại Hà Nội, từ ngày 7 - 12/12, giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 liên tục vượt quá giới hạn cho phép tại tất cả các trạm. Số liệu đo tại một số trạm đặt tại Minh Khai, Đại sứ quán Pháp cho thấy giá trị vượt quá giới hạn cho phép trên 3 lần trong các ngày từ 11 - 12/12.

Kết quả tính toán AQI ngày tại các trạm cho thấy, từ ngày 8 - 12/12, chất lượng không khí liên tục ở mức xấu. Trong ngày 11/12 và 12/12, kết quả quan trắc tại một số trạm cho thấy AQI đã chạm ngưỡng rất xấu (AQI >200).

Kết quả tính toán AQI giờ (thông báo chất lượng không khí tức thời) cho thấy tại trạm đặt tại Đại sứ quán Mỹ, giá trị AQI đã lớn hơn 300 (mức nguy hại) vào thời điểm từ 3-6h sáng ngày 10/12 và 13/12. Đối với hầu hết các trạm khác, giá trị AQI đo được ở mức rất xấu (từ 201-300) trong khoảng thời gian từ 22 giờ đêm hôm trước đến 8 giờ sáng ngày hôm sau.

Sau 12 giờ trưa, AQI có giảm nhưng vẫn nằm ở mức kém. Trong các ngày từ 10/12 - 13/12, AQI giờ ở mức rất xấu (từ 201-300), chiếm đến 32,5% số giờ trong ngày. Diễn biến hàm lượng PM2.5 trong ngày cho thấy, hàm lượng PM2.5 thường cao hơn vào buổi đêm và sáng sớm.

Diễn biến chỉ số AQI ngày tại Hà Nội.

Trong tuần (từ ngày 7 - 13/12), chất lượng không khí đang có xu hướng xấu đi, đặc biệt, trong mấy ngày gần đây, chỉ số AQI giờ đo được tại một số trạm ở Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu.

Theo dự báo thời tiết, khoảng thứ 4 tuần sau (ngày 18/12) có thể có mưa, do đó, trong một vài ngày tới, chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức xấu. Mọi người kể cả học sinh nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM2 khi đi ra đường.

Ông Hoàng Dương Tùng (Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam) cho hay, sau nhiều ngày theo dõi đã nhận định đây là đợt ô nhiễm không khí lớn ở một số tỉnh miền Bắc và Hà Nội. Giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 tại các thành phố từ đầu tháng 12 tới nay nhìn chung có xu hướng tăng.

Người dân nên hạn chế ra đường

Điều kiện thời tiết là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí cho toàn khu vực miền Bắc trong giai đoạn này. Với tình hình khí tượng chung như khí áp tăng cao, trời lặng gió, không mưa, nhiệt độ thấp làm cho không khí bị tù hãm, chất ô nhiễm thải ra hàng ngày khó phát tán lên cao và bay ra xa. Điều này gây nên tình trạng tăng đột biến các hạt bụi lơ lửng có kích thước bé như PM2.5.

Nhiều người dân đang sinh sống ở Hà Nội đã chủ động đeo khẩu trang khi ra đường.

Sở TN-MT Hà Nội khuyến cáo tất cả người dân trên toàn thành phố Hà Nội hạn chế ra ngoài, nhóm nhạy cảm (người già, trẻ em và người mắc bệnh hô hấp) không nên ra khỏi nhà. Nên trang bị khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn.

Các trường học không cho các em học sinh tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời. Không ra ngoài tập thể dục vào buổi sáng sớm và chiều tối. Lưu thông trên đường bằng ô tô hoặc xe bus, đóng kín các cửa sổ trong nhà. Chủ động theo dõi chất lượng không khí tại các trang thông tin chính thống.

Giai đoạn ô nhiễm kéo dài trong thời gian khá dài, Sở TN-MT nhấn mạnh tất cả mọi người cần hạn chế tối đa nhất các hoạt động gây ô nhiễm không khí như không đốt rác, dừng đun nấu bếp than tổ ong, các xe vận chuyển phế thải xây dựng, bùn thải phải đảm bảo che chắn không phát tán ô nhiễm, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân… trong những ngày này.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.