| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 07/08/2014 , 08:15 (GMT+7)

08:15 - 07/08/2014

Chất và lượng công chức

Vấn đề số lượng - chất lượng của đội ngũ công chức của nước ta lại một lần nữa được xã hội quan tâm.

Đó là khi Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi các bộ, ngành và địa phương liên quan, thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo số lượng công chức trong các đơn vị công lập, đồng thời giao Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng trước 30/8/2014.

Công chức là bộ mặt của nền hành chính quốc gia. Nhưng chất lượng (trình độ, tính chuyên nghiệp, sự tận tụy, liêm khiết) của bộ máy công chức của ta hiện tại thế nào? Nhận định mới đây của một đại biểu Quốc hội đã khiến cả xã hội giật mình: “Chỉ những anh kém, dốt, học hành lởm khởm, mới tìm mọi cách để vào biên chế nhà nước”. Còn số lượng?

Dân số nước Mỹ hiện tại là 315 triệu người. Số công chức của họ là 2,1 triệu. Dân số Việt Nam hiện tại là 90 triệu, nhưng chúng ta đang có 2,8 triệu công chức. Điều chắc chắn là chất lượng của đội ngũ công chức Mỹ cao hơn ở ta rất nhiều. Và GDP của ta thì chỉ bằng vài phần nghìn GDP của Mỹ. Chỉ một vài con số đó thôi, đã nói lên rất nhiều điều.

Ngày 8/8/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/2007/NĐ-CP về tinh giản biên chế. Nhưng sau 5 năm thực hiện, năm 2012, con số do Bộ Nội vụ đưa ra đã gây “sốc” cho xã hội: Đến cuối năm 2012, tổng số cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện tăng 42.000 người, cán bộ công chức cấp xã tăng 14.000 người.

Tổng biên chế cả nước năm 2013 cũng tăng hơn năm 2012. Một số tỉnh có số lượng biên chế rất cao như Nghệ An 18.000 người; Thanh Hóa 17.300 người… Nói về sự phình to, cồng kềnh của bộ máy công chức ở ta, một tờ báo đã đưa ra dẫn chứng, như UBND phường Hồng Hải (TP Hạ Long, Quảng Ninh) có đến 475 cán bộ, công chức; UBND thị trấn Mạo Khê (huyện Đông Triều, Quảng Ninh) có đến 639 cán bộ, công chức hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách…

Thời gian qua thì như vậy, còn tới đây?

Vào đầu năm 2014 này, đề xuất của Bộ Nội vụ về đề án trong 6 năm tới (2014-2020) giảm 100.000 biên chế (để làm được việc đó, dự kiến ngân sách Nhà nước phải chi ra 8.000 tỷ đồng) đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của xã hội, đặc biệt là của tầng lớp “dân thường”, bởi họ đã quá sợ một đội ngũ công chức khổng lồ, cồng kềnh, nhưng khi có việc, thì dân đến cửa nào là gặp phiền toái, nhũng nhiễu cửa đó rồi.

Thế nhưng chỉ sau vài tháng, sự việc lại chìm đi. Chẳng biết năm “mở đầu” cho đề án (2014) này, Bộ Nội vụ sẽ giảm được bao nhiêu, hay là tổng biên chế lại… tăng hơn năm 2013?

Bởi hiện tại, không it bộ, ngành và địa phương vẫn có văn bản xin tăng thêm biên chế.

Chiếc bánh ngân sách bé tẹo, nhưng phải chia cho quá nhiều người.

Chính vì vậy mà trong kỳ tăng mức lương cơ bản cho cán bộ, công chức mới rồi, từ Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Chính phủ cho đến Quốc hội phải cân lên hạ xuống rất nhiều lần, mới thêm được 100.000 đồng nữa (từ 1.050.000 đồng lên 1.150.000 đồng). Và cũng chính vì vậy mà không ai lạ gì chuyện lương công chức của ta thấp nhất trong khu vực. Người xưa có câu “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”.

Cứ tình trạng chất và lượng của đội ngũ công chức như hiện nay, thì một nền hành chính tiên tiến, được vận hành bởi một đội ngũ công chức chuyên nghiệp, có trình độ cao và liêm khiết, còn lâu lắm mới đạt tới.

Bình luận mới nhất