| Hotline: 0983.970.780

Chất vấn Thủ tướng: ĐBQH đã hỏi đến cùng

Thứ Tư 24/11/2010 , 17:18 (GMT+7)

“Im lặng” từ ngày đầu chất vấn, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) dồn dập chất vấn các câu hỏi “nóng”. ĐB Thuyết khẳng khái: “Tôi xin thành thật nói với Thủ tướng là tôi không đồng tình với sự tự phê bình của Thủ tướng, Thủ tướng chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ”.

* ĐB Nguyễn Minh Thuyết: Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm như thế nào?

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Kiểm điểm trách nhiệm cụ thể ra sao chúng tôi sẽ công khai

“Tôi không đồng tình với sự tự phê bình của Thủ tướng”

Là người đầu tiên hỏi Thủ tướng trong phiên chất vấn cuối cùng của kỳ họp, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng: “Những ngày gần đây nhân dân cả nước chăm chú theo dõi việc Chính phủ đang nỗ lực tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin và đưa ra tuyên bố rằng Vinashin sẽ làm ăn có lãi và tự vay, tự trả. Làm được như vậy thì ĐBQH và cử tri rất mừng. Tuy nhiên, chúng tôi không biết Vinashin sẽ tự vay, tự trả bằng cách nào khi mà số tiền hàng năm trả lãi ngân hàng 15 ngàn tỷ đồng cho khoản nợ vay 86 ngàn tỷ?”

Cũng theo chất vấn của ĐB Loan thì sau 5 năm lãi mẹ đẻ lãi con, số vốn vay này sẽ tăng gấp đôi, tương đương 160 nghìn hoặc 170 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, kinh doanh với doanh thu năm 2010 của Vinashin chỉ 13-15 ngàn tỷ. Và số lỗ hoạt động kinh doanh là 1.100 tỷ đồng. “Theo tính toán của chúng tôi, kể cả sau khi tái cơ cấu Vinashin không thể tự trả được nợ nếu không được bơm vốn từ bên ngoài hoặc được bán bất động sản, đất đai để trả nợ”-ĐB Loan khẳng định.

“Vậy xin hỏi Thủ tướng có cách nào để Vinashin sẽ tự vay, tự trả các khoản nợ này? Nếu không trả được số nợ trên và cứ lãi mẹ đẻ lãi con thì xử lý thế nào? Nếu Chính phủ khoanh nợ mà không tính lãi thì ai chịu trách nhiệm về việc ngân hàng thua thiệt số tiền 15 ngàn tỷ đồng, số tiền “đóng băng” ảnh hưởng đến hệ thống tài chính cả nước?” 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của ĐBQH

Bà Loan cũng thẳng thắn hỏi: Với cương vị là đại diện chủ sở hữu quản lý Tập đoàn các TCty 91, Thủ tướng sẽ chịu trách nhiệm cụ thể thế nào? Vì lý do gì mà 50% ĐBQH không đồng ý để lại 3.500 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) nhưng Chính phủ vẫn cứ đề nghị cấp số tiền đó. Xin Thủ tướng cho biết cụ thể việc Tập đoàn này đầu tư 3,2 tỷ USD sang Venezuela trong thời điểm đất nước đang thiếu ngoại tệ?”.

“Im lặng” từ ngày đầu chất vấn, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) dồn dập chất vấn các câu hỏi “nóng”: “Về trách nhiệm của Vinashin, trong báo cáo đọc trước Quốc hội sáng 19/10 vừa qua, Thủ tướng thừa nhận có trách nhiệm của Chính phủ, của các Bộ liên quan. Và Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm. Chính phủ đã lần lượt giải trình và trả lời chất vấn trước QH nhưng chúng tôi thấy cả 2 báo cáo đều không chỉ rõ ngoài lãnh đạo Vinashin thì những ai phải chịu trách nhiệm cụ thể? Tất cả các thành viên Chính phủ trong giải trình và trong trả lời chất vấn đều không thừa nhận trách nhiệm của mình. Hôm nay Thủ tướng nói “là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém nêu trên của Chính phủ”. Nhưng tôi không hiểu Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm như thế nào?”

ĐB Thuyết khẳng khái: “Tôi xin thành thật nói với Thủ tướng là tôi không đồng tình với sự tự phê bình của Thủ tướng, Thủ tướng chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ”. ĐB này cho rằng: “Điều 33 Luật DN quy định Chủ tịch HĐQT không kiêm nhiệm chức vụ TGĐ công ty, nhưng Thủ tướng là người ký quyết địnhcho ông Phạm Thanh Bình vừa là Chủ tịch HĐQT, vừa là TGĐ là thế nào?” Và: “Tôi được biết Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên khác của Chính phủ đang kiểm điểm trước Uỷ ban Kiểm tra TƯ. Nhưng trước QH, chúng tôi mong sự tự phê bình mạnh mẽ hơn của Chính phủ”.

Nhân cuộc chất vấn này, ĐB Thuyết đã xin dẫn một câu của Bác Hồ: “Một Đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có những khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó, là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Và “Tôi chỉ mong các đồng chí trong Chính phủ sẽ kiểm điểm nghiêm túc theo đúng tinh thần của Bác Hồ và đúng pháp luật của Nhà nước”.

Tiếp tục chất vấn người đứng đầu Chính phủ, ĐB Nguyễn Minh Thuyết đề nghị: Thủ tướng cho biết ai đã chỉ đạo đăng tải một số bài công kích, “chụp mũ” ĐBQH ở trên website của Chính phủ. Là cơ quan chấp hành của QH, việc Chính phủ để đăng tải những ý kiến như vậy trên website của mình có phải là hành động “khôn ngoan”? Có để cho dân thắc mắc về thái độ tự phê bình Chính phủ không? Và có để người ngoài lợi dụng không?

“Để khỏi hiểu lầm tôi xin khẳng định, tôi cũng như các ĐBQH khác rất hoan nghênh ý kiến phê bình của cử tri đối với chúng tôi. Nhưng sự phê bình đó phải dựa trên hiểu biết pháp luật, hiểu biết về chức năng của QH, nhiệm vụ của ĐBQH và phải tranh luận cụ thể vào các vấn đề, chứ không thể phát biểu theo kiểu “chụp mũ”. Tôi cho rằng việc đăng những bài như thế trên website Chính phủ là không đúng chỗ”-ĐB Thuyết trần tình.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết

Người đứng đầu Chính phủ thừa nhận trách nhiệm

Trả lời các ĐB, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “Về đề án tái cơ cấu Vinashin, chúng tôi đã thành lập BCĐ liên ngành, cơ quan cùng với tập thể, HĐQT xây dựng đề án tái cơ cấu. Qua nhiều lần chỉ đạo, Thủ tướng đã phê duyệt đề án đó, và chúng tôi thấy đề án khả thi…

Về chuyện trách nhiệm như thế nào, tôi đã trình bày nghiêm túc trước QH. Tôi xin được nói lại. Việc cố ý làm trái của những lãnh đạo tập đoàn, các cơ quan chức năng xử lý theo đúng pháp luật. Còn Thủ tướng, Phó Thủ tướng có trách nhiệm trong quản lý của đại diện chủ sở hữu. Trách nhiệm đó là gì, chúng tôi cũng đã nói trong báo cáo. Là người đứng đầu, tôi nhận trách nhiệm đó. Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các bộ trưởng, các thành viên Chính phủ có liên quan quản lý nhà nước, quản đại diện chủ sở hữu thì vẫn đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm. Kết luận trách nhiệm cụ thể thế nào chúng tôi sẽ công khai.

Thủ tướng cũng thừa nhận, tuy Chính phủ có nhiều cố gắng để hoàn thiện thể chế nhưng quản lý Nhà nước với đầu tư, sử dụng vốn, thanh, kiểm tra còn bất cập, lúng túng và có nhiều kẽ hở.

Về việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT, theo ông Dũng: “Từ năm 1999, Thủ tướng Phan Văn Khải quyết định cho ông Phạm Thanh Bình làm Chủ tịch HĐQT và TGĐ. Khi thành lập tập đoàn, lúc đó tôi là Phó Thủ tướng, đã có nhiều công văn yêu cầu tìm TGĐ. Cơ quan chức năng cũng báo cáo với tôi là theo quy trình này kia chưa tìm được người làm TGĐ và người đó dự định là thuê, theo thí điểm là thuê, cho nên xin với Thủ tướng là nên tiếp tục bổ nhiệm anh này làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ đến khi có TGĐ mới. Việc này chính tôi và Ban cán sự Đảng, Chính phủ đồng ý và lúc đó tôi còn làm Phó Thủ tướng tôi cũng đồng ý đề nghị này”.

Về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN (PVN), Thủ tướng cho biết hiện nay vẫn đang làm ăn tốt. Nhưng hiện nay “Tôi đang yêu cầu các Tập đoàn phải rà soát, trong đó Dầu khí cũng đang thực hiện rà soát”. Về việc để lại tiền ngân sách 50% cho dầu khí, Chính phủ đã làm đúng theo chủ trương và pháp luật của nhà nước. Thủ tướng cho hay, PVN có liên doanh với Venezuela theo chủ trương của Chính phủ. “Chúng ta thiếu năng lượng nên phải tìm kiếm năng lượng, để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước…Việc thực hiện có hiệu quả hay không, chúng tôi sẽ cố gắng”.

Trả lời ĐB Nguyễn Minh Thuyết về “một số bài công kích, “chụp mũ” ĐBQH trên website của Chính phủ”, Thủ tướng nói: “Tôi không chỉ đạo trực tiếp hay quản lý trực tiếp một tờ báo nào. Còn website Chính phủ có chức năng là một tờ báo điện tử thuộc Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ đạo. Website Chính phủ là tờ báo điện tử, phải thực hiện đúng quy định của pháp luật Nhà nước, đúng chủ trương của Đảng. Cũng như mọi tờ báo khác nếu đăng tải sai pháp luật, sai chủ trương của Đảng thì phải chịu trách nhiệm về việc đăng tải của mình. Còn việc nói khôn ngoan hay không khôn ngoan, tôi không biết việc đó nên nói thế nào, tôi chỉ yêu cầu làm đúng pháp luật. Tôi cũng đề nghị đại biểu Thuyết xem xét theo đúng pháp luật hay không?”-Thủ tướng thẳng thắn.

 Chỉ tiếp tục dự án bauxite khi đảm bảo an toàn

Về vấn đề bauxite, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, tài nguyên bauxite để SX nhôm của VN là rất lớn, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên, có thể cung cấp lâu dài cho ngành công nghiệp nhôm.

“Ở đây tôi không thể trình bày cụ thể Vinashin làm chiếc tàu nào, lãi bao nhiêu, trả nợ năm nào? Tôi không làm được điều đó, xin các đồng chí thông cảm cho. Tóm lại, chúng tôi xây dựng đề án tái cơ cấu Vinashin nghiêm túc theo Kết luận của Bộ Chính trị”-Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Theo Thủ tướng, thực hiện Nghị quyết TƯ 7 đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đã được quan tâm nhiều hơn. Cụ thể dự toán năm 2011, tổng vốn đầu tư dự kiến bố trí cho lĩnh vực này là 98,5 nghìn tỷ đồng, bằng 50% tổng vốn từ NSNN và trái phiếu Chính phủ, tăng 12,9% so với năm 2010. Nếu năm 2012 và 2013, QH phê duyệt mức đầu tư bằng hoặc cao hơn năm 2011 thì sau 5 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 7 (2009 - 2013) sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra là “đảm bảo vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn 5 năm sau cao gấp hai lần 5 năm trước”.

Để triển khai chủ trương này, 2 nhiệm kỳ qua Chính phủ đã 2 lần báo cáo, 1 lần báo cáo với BCH TƯ Đảng, 1 lần báo cáo QH về việc khai thác chế biến bauxite sẽ phát triển kinh tế Tây Nguyên. Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng và Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) thẩm định, xây dựng, phân vùng quy hoạch thăm dò khác, với bước đi cụ thể.

Trên cơ sở kết quả điều tra mới nhất về bauxite và ý kiến của Bộ Chính trị cũng như các chuyên gia, nhà khoa học, Chính phủ đã giao Bộ Công thương hoàn chỉnh quy hoạch chung, lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, tập trung triển khai thí điểm dự án Tân Rai và Nhân Cơ, giao TKV làm chủ đầu tư.

Thủ tướng nhấn mạnh, 2 dự án bauxite ở Tây Nguyên do TKV làm chủ đầu tư và “không liên doanh với nước ngoài”. Tập đoàn nhôm Trung Quốc chỉ được thuê làm tổng thầu EPC, sau 2 năm sẽ chuyển giao lại cho TKV.

Việc đánh giá mức độ an toàn của hồ bùn đỏ sau khi xảy ra sự cố vỡ bùn đỏ Hunggary, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang xem xét và giao cho TKV và các chuyên gia đầu ngành tiến hành nghiên cứu tìm phương án khả thi. Ngoài ra, Chính phủ giao cho TKV nghiêm túc triển khai việc thuê tư vấn nước ngoài kiểm định đáng giá. Riêng hồ bùn đỏ tại Tân Rai được các chuyên gia đánh giá là “an toàn cao”. Tuy vậy, sau khi có kết luận thẩm định lại của tư vấn nước ngoài, Chính phủ sẽ xem xét quyết định và chỉ tiếp tục thực hiện dự án khi đảm bảo an toàn về môi trường.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm