| Hotline: 0983.970.780

Châu bản triều Nguyễn có giá trị kép

Thứ Năm 31/07/2014 , 10:08 (GMT+7)

Châu bản triều Nguyễn là di sản vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Châu bản triều Nguyễn đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại hội nghị toàn thể lần thứ 6 vừa diễn ra tại Quảng Châu, Trung Quốc.

Ngày 30/7, lễ đón nhận danh hiệu này đã được tổ chức long trọng tại Hà Nội. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS. Phan Huy Lê (ảnh), Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, về những giá trị nổi bật của di sản này.

nh-2161219518

Thưa GS, châu bản triều Nguyễn có giá trị nổi bật như thế nào?

Châu bản là văn bản có dấu châu phê do hoàng đế phê duyệt, kèm dấu ấn của vương triều, là tài liệu lưu trữ đặc biệt của vương triều.

Khi vinh danh hồ sơ này, UNESCO nhấn mạnh các giá trị của châu bản theo tiêu chí Tư liệu thế giới: tính xác thực, đặc biệt quí hiếm và ý nghĩa quốc tế.

Theo chế độ văn thư triều Nguyễn, các văn bản do Nội các trình lên hoàng đế phê duyệt, văn bản gốc lưu tại Nội các và “phụng sao” một số bản giao cho các bộ, cơ quan và địa phương liên quan chịu trách nhiệm thi hành.

Do đó châu bản là bản gốc và duy nhất, độc bản. Ngoài ra châu bản còn chứa đựng những thông tin trung thực để nghiên cứu về kỹ thuật làm giấy, chữ viết qua các giai đoạn, các loại ấn chương, bút tích của nhà vua…

Trước đây số lượng châu bản rất nhiều, nhưng trải qua chiến tranh và thời gian nên bị mất mát, hư hỏng nhiều, do văn bản viết trên giấy bản, lại không có phương pháp bảo quản.

Tuy số lượng châu bản không còn nguyên vẹn song tài liệu này lại có giá trị đặc biệt quan trọng ở nhiều phương diện: khoa học, lịch sử, văn hóa…

Việc UNESCO công nhận hồ sơ châu bản triều Nguyễn của Việt Nam là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới, là rất đáng mừng. Vì điều đó không chỉ tôn vinh một giá trị văn hóa của Việt Nam, mà còn góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa.

Xin GS nói rõ hơn về nội dung khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trong châu bản?

Chúng ta có đủ các căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định Việt Nam đã quản lý và thực thi chủ quyền liên tục hai quần đảo này ít nhất từ thế kỷ XVII.

Thời nhà Nguyễn, nhất là dưới triều vua Gia Long và Minh Mệnh, công việc quản lý và thực thi chủ quyền được tiến hành đều đặn và tổ chức rất chặt chẽ. Điều đó được ghi nhận qua nhiều loại tư liệu, trong đó châu bản là loại tư liệu đặc biệt có giá trị.

img-303916122084
Trưng bày châu bản triều Nguyễn

Trong 773 tập châu bản còn bảo tồn đến nay, có 19 tờ châu bản liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa. Phân tích riêng 19 tờ châu bản này, tôi rất mừng nó phản ảnh một cách hết sức rõ ràng về cách thức quản lý, chủ quyền của triều Nguyễn đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Có thể tóm tắt 1 số điểm theo kết quả nghiên cứu của tôi:

Triều Nguyễn đã có một nhận thức rất sâu sắc về vị trí Trường Sa, Hoàng Sa trong vị trí địa chiến lược của đất nước ta và khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là cương giới trên biển, và vị trí tối hiểm yếu, bảo vệ cả mạn Đông của đất nước.

Triều Nguyễn đã nâng tầm quản lý Trường Sa, Hoàng Sa lên vị trí cao nhất trong chế độ quân chủ tập quyền, không giao cho địa phương mà triều đình trực tiếp tổ chức và quản lý dưới sự chỉ đạo phê duyệt cuối cùng của các vua triều Nguyễn.

Điểm thứ ba, tôi rất thích thú về phương thức quản lý bao quát rất nhiều mặt. Hằng năm phái các đội thuyền ra Trường Sa, Hoàng Sa tiến hành đo đạc thủy trình, độ sâu cảng, mô tả từng hòn đảo, chỗ hiểm yếu… đặc biệt, vẽ bản đồ và viết nhật ký hải trình. Điểm cuối cùng, không phải chỉ thực hiện quyền, chủ quyền của mình trên Trường Sa, Hoàng Sa mà thực hiện quyền, nghĩa vụ cứu hộ khi các tàu, thuyền nước ngoài mắc cạn ở Trường Sa, Hoàng Sa.

Đây là văn bản hành chính quốc gia cao cấp, có giá trị lịch sử, pháp lý cao nhất không thể tranh cãi được về chủ quyền của chúng ta với Trường Sa, Hoàng Sa.

Khi châu bản triều Nguyễn được nhận danh hiệu này, GS có cảm xúc như thế nào, có khác với khi các di sản khác được công nhận danh hiệu?

Tôi rất vui mừng mỗi khi một di sản của chúng ta được thế giới công nhận. Riêng lần châu bản được công nhận là Di sản tư liệu, bên cạnh vui mừng về lịch sử văn hóa thì tôi có thêm vui mừng vì có thêm bằng chứng về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.

Bằng chứng này chúng ta có cả hệ thống chứ không chỉ có ở châu bản nhưng riêng châu bản có giá trị pháp lý rất cao. Khi được công nhận là di sản tư liệu thế giới thì điều đó có ý nghĩa là, di sản tư liệu này không nằm ở phạm vi quốc gia mà nó đã tỏa sáng để tôn vinh trên phạm vi nhân loại, giá trị đó cần được quảng bá và phát huy ra thế giới.

Xin cám ơn GS!

Xem thêm
Mỹ Tâm xin lỗi fan

Mỹ Tâm đã phải livestream xin lỗi khán giả sau khi hệ thống bán vé của concert 'My soul 1981' sập chỉ sau một vài phút mở bán.

Bayern Munich vs Arsenal: Hùm xám giành vé?

Trận tứ kết Champions League 2023/2024 giữa Bayern Munich vs Arsenal sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 18/04/2024 trên sân vận động Alianz Arena.

U23 Việt Nam thắng 3-1 U23 Kuwait: Càng đá càng hay

U23 Việt Nam đã có chiến thắng quan trọng mở màn chiến dịch VCK U23 Châu Á trước U23 Kuwait vởi tỷ số 3-1.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.