| Hotline: 0983.970.780

Cháu bé 7 tuổi nuôi mẹ bệnh AIDS giai đoạn cuối

Thứ Sáu 05/09/2008 , 08:00 (GMT+7)

Bé Cao Thị Tuyết Nhung năm nay mới 7 tuổi nhưng phải nuôi và chăm sóc người mẹ bị bệnh AIDS giai đoạn cuối.

Bé Nhung bên người mẹ bị AIDS giai đoạn cuối

Bé Cao Thị Tuyết Nhung ở ấp Đông Thạnh, xã Thạnh Đông B, Tân Hiệp, Kiên Giang năm nay mới 7 tuổi nhưng đang nuôi và chăm sóc người mẹ bị bệnh AIDS giai đoạn cuối.

Cha bị bệnh AIDS qua đời cách đây 3 năm, sau đó mẹ đi xét nghiệm và kết quả đã bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ. Những ngày mẹ trở bệnh nặng phải nằm viện, Nhung thường xuyên ở bên cạnh để chăm sóc, đi xin cơm từ thiện, giặt giũ quần áo cho mẹ.

Cách nay gần 10 năm, chị Nguyễn Thị Thanh C. (SN 1970) lập gia đình với anh H. Cũng như bao cô gái nông thôn khác, hàng ngày chị cùng chồng tảo tần mọi công việc đồng áng để chăm lo cho gia đình. Tuy không khá giả nhưng gia đình rất đầm ấm, hòa thuận. Và càng hạnh phúc hơn khi cô con gái Cao Thị Tuyết Nhung chào đời. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, đột nhiên anh H mắc phải chứng bệnh lạ, hay bị sốt, cơ thể suy nhược. Chẳng bao lâu anh H ra đi, chị sớm thành quả phụ khi đứa con gái đầu lòng mới vừa lên 4.

Sau khi anh qua đời, nhiều người cho rằng anh bị bệnh AIDS và khuyên chị nên đi xét nghiệm. Cầm tờ giấy kết quả xét nghiệm HIV dương tính, chị C. vô cùng hụt hẫng, không sao tin nổi tại sao cuộc sống của người nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời lại có kết cục bi thảm như vậy! Cái chết đã giải thoát cho anh nhưng đã để lại cho chị một nỗi đau quá lớn. Người thân, hàng xóm láng giềng, ai hiểu thì thương cảm và chia sẻ khó khăn cùng chị, ai không hiểu thì ghẻ lạnh, coi thường, xa lánh.

Đêm nào chị cũng khóc cho số phận bi thảm của mình và thương cho tương lai của cô con gái còn nhỏ dại. Rất may là kết quả xét nghiệm của bé Nhung không có dấu hiệu của HIV. Đây là niềm an ủi lớn nhất đối với chị. Vượt lên nghịch cảnh, chị vừa lo trị bệnh vừa làm để nuôi con với hy vọng cuối cùng là bé Nhung không phải sớm chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Nhưng thời gian gần đây, căn bệnh chuyển sang giai đoạn cuối đã vắt kiệt sức khỏe của chị. Trước đây chị nặng gần 60kg nay tiều tụy còn chưa đầy 40kg. Hiện nay, hai mẹ con chị  chỉ còn biết sống nhờ vào lòng hảo tâm của những người hàng xóm thông cảm. Nhìn cảnh bé Nhung mới lên 7 tuổi chăm sóc người mẹ bị bệnh ai cũng thấy chạnh lòng. Mặc dù đang tuổi ăn, tuổi học nhưng đôi bàn tay bé nhỏ của em đã sớm phải gánh nặng nỗi lo gia đình. Em cũng còn quá nhỏ để hiểu hết nỗi bất hạnh đã đổ xuống gia đình mình nên vẫn hồn nhiên hy vọng một ngày nào đó mẹ sẽ hết bệnh.

Rất mong các nhà hảo tâm, bạn đọc xa gần giúp đỡ để chị C. có tiền thuốc thang chống chọi với bệnh tật và bé Nhung có điều kiện đến trường. Mọi sự giúp đỡ xin quý vị gửi trực tiếp về cho gia đình  theo địa chỉ trên hoặc Văn phòng đại diện báo NNVN tại ĐBSCL, số 49 Lý Tự Trọng, Tp. Cần Thơ chúng tôi sẽ chuyển giúp.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm