| Hotline: 0983.970.780

Cháu bé bị mua bán ở chùa Bồ Đề đã chết

Thứ Ba 05/08/2014 , 11:16 (GMT+7)

Ngày 4-8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án “mua bán trẻ em” liên quan đến vụ việc một cháu bé bị bỏ rơi, được chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội) nhận nuôi dưỡng đã bị bán.


Nghi can Nguyễn Thị Thanh Trang tại cơ quan điều tra - Ảnh: M.T.

Cơ quan điều tra làm rõ Nguyễn Thị Thanh Trang, quản lý nhà mở nuôi dưỡng trẻ em ở chùa Bồ Đề, đã nhờ người giả làm chị dâu để xin con nuôi, sau đó bán với giá 35 triệu đồng.

Theo cơ quan điều tra, vụ việc đã được điều tra từ nhiều tháng nay và đến ngày 1-8-2014, anh Nguyễn Thành Long (trú tại quận Long Biên) có đơn tố cáo, cung cấp thêm một số manh mối nên cơ quan điều tra đã xác định được quá trình mua bán trẻ em.

Cơ quan điều tra bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Thanh Trang (36 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Phạm Thị Nguyệt (35 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Hành trình mua bán trẻ em

Theo cơ quan điều tra, khoảng tháng 10-2013, có một phụ nữ và một nam thanh niên đến chùa Bồ Đề tìm gặp ni sư Thích Đàm Lan để gửi một cháu bé khoảng bốn ngày tuổi, còn chưa rụng rốn nhưng không nhận là con mình.

Ni sư Thích Đàm Lan đã giao cho Nguyễn Thị Thanh Trang làm thủ tục cho đôi nam nữ này gửi lại cháu bé. 

Chưa xác định có sự liên quan đến chùa Bồ Đề

Theo trung tá Nguyễn Cao Khải - đội phó đội 12 Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Hà Nội, để xảy ra những vụ việc như trên là một cảnh báo về việc nuôi dưỡng trẻ em không tuân theo những quy định cụ thể.

Do đó, trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ phải làm việc với nhà chùa để ngăn chặn việc mua bán trẻ em có thể xảy ra tương tự vụ việc trên.

Trung tá Nguyễn Cao Khải cũng cho biết cho đến nay chưa xác định có sự liên quan của ni sư Thích Đàm Lan và nhà chùa đến vụ việc này.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm rõ.

Thực tế, cháu nhỏ này chính là con của đôi nam nữ này. Đó là Nguyễn Xuân T. (28 tuổi, quê quán tại Tuyên Quang, tạm trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Trần Thị Thu H. (25 tuổi, quê quán tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ).

Hai người có quan hệ yêu đương từ lâu và sau đó chị H. đã mang thai, dự sinh vào tháng 10-2013.

Đến ngày 26-10-2013, T. và H. đến thuê nhà nghỉ Nhuệ Giang trên đường Cầu Diễn để bàn bạc việc đưa H. đến bệnh viện sinh em bé và thống nhất sẽ mang vào chùa gửi con.

Đêm 26-10-2013, khi chưa kịp đến bệnh viện thì H. trở dạ sinh con ngay tại nhà nghỉ. Do không biết tắm cho em bé nên H. đã quấn khăn tắm bọc đứa bé lại, đưa cho T. bế ra ngoài và hôm sau đến chùa Bồ Đề gửi trẻ với mong muốn con mình sẽ được chăm nom, nuôi dưỡng tốt hơn.

Cả hai đã viết giấy gửi trẻ kèm theo bản photo chứng minh nhân dân. Sau đó, thỉnh thoảng H. có đến chùa Bồ Đề thăm con nhưng không đủ điều kiện nhận con về nuôi nên chỉ mua quà cáp, đường sữa rồi đứng nhìn con mà về.

Cùng thời gian này, một tập đoàn lớn đã đến chùa Bồ Đề làm từ thiện, trong đoàn có anh Nguyễn Thành Long rất quý cháu bé này và xin nhận làm cha đỡ đầu, đồng thời đặt tên cho cháu là Cù Nguyên Công.

Sau đó hơn một  tháng, bé Cù Nguyên Công bị ốm nên được nhà chùa cùng anh Long đưa đến chăm sóc tại Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội.

Tuy nhiên đến ngày 31-12-2013, anh Long được Trang yêu cầu đưa về chùa vì có đoàn kiểm tra đến.

Bốn ngày sau, ngày 4-1-2014, anh Long và vợ tìm đến chùa để hỏi thăm sức khỏe của bé Công thì cháu đã không còn được nuôi dưỡng ở chùa.

Hỏi Trang thì chỉ nhận được câu trả lời là mẹ đẻ của cháu đã đón về và không cung cấp thông tin gì khác.

Thực tế, việc cháu Công bị mua bán cũng diễn ra đúng vào thời điểm ngày 1-1-2014.

Nhờ người giả chị dâu để mua bán trẻ em

Trang có quen biết với Phạm Thị Nguyệt (35 tuổi, trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và được Nguyệt cho biết muốn tìm một đứa trẻ khỏe mạnh để Nguyệt nhận làm con nuôi.

Do đó, Trang đã có ý định cho Nguyệt nhận cháu Cù Nguyên Công về nuôi. Vì thế cuối tháng 12-2013, Trang đã nhờ một người bán hàng ở gần chùa Bồ Đề giả làm chị dâu của Trang đang đi tìm con nuôi. Theo đó, Trang hướng dẫn người này cách nói chuyện với mẹ cháu bé và bố trí gặp tại một quán cà phê ở quận Long Biên.

Tại đây, người giả làm chị dâu của Trang đã nói với chị H. rằng mình không có con nên muốn nhận con của chị H. đang được nuôi dưỡng ở chùa Bồ Đề về làm con nuôi và được H. đồng ý.

Ngày 1-1-2014, cháu Cù Nguyên Công đã được đưa ra khỏi chùa Bồ Đề với danh nghĩa cho con nuôi và được đưa đến nhà Phạm Thị Nguyệt nuôi dưỡng.

Trong phi vụ cho cháu bé Cù Nguyên Công làm con nuôi, Nguyễn Thị Thanh Trang đã được Phạm Thị Nguyệt chi cho 35 triệu đồng, trong đó theo thỏa thuận thì sẽ trả cho mẹ cháu bé 30 triệu đồng bù đắp công sinh nở. Tuy nhiên, Trang đã chiếm hưởng 25 triệu đồng, chỉ chuyển khoản cho chị H. 10 triệu đồng.

Quá trình Nguyệt nhận nuôi dưỡng, anh Nguyễn Thành Long có nhiều lần đến chùa tìm, Trang đã trốn tránh, không nói sự thật và cho biết mẹ đẻ cháu bé đã nhận về nuôi. Do anh Long không tin nên đã tìm hiểu và liên lạc với H.. Vì vậy, H. điện thoại cho Trang và được Trang chỉ đạo nói dối là đã trả con cho bố đẻ cháu.

Sau đó, Trang đã cho H. gặp Nguyệt để Nguyệt đứng ra giải quyết vấn đề cháu Cù Nguyên Công.

Khi gặp H., Nguyệt đã yêu cầu H. viết giấy tường trình với nội dung đã quan hệ bất chính với chồng của Nguyệt và có thai, nay gia đình biết nên đã bàn giao con lại cho gia đình Nguyệt nuôi dưỡng, chăm sóc.

Nguyệt cũng yêu cầu H. đưa chứng minh nhân dân để đi công chứng và còn hướng dẫn khi anh Long điện thoại hỏi thì cho số của Nguyệt để giải thích.

Quá trình Nguyệt nuôi dưỡng cháu Cù Nguyên Công đã đặt tên cho cháu là Phạm Gia Bảo.

Tuy nhiên đến khoảng tháng 5, tháng 6-2014, cháu bé bị bệnh sởi, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi trung ương nhưng không qua khỏi.

 Ngày 27-6-2014, cháu Phạm Gia Bảo (tức Cù Nguyên Công) đã qua đời tại khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Nhi trung ương, sau đó được Phạm Thị Nguyệt cùng gia đình đưa về chôn cất.

Quá trình điều tra, xác minh vụ việc, cơ quan điều tra còn phát hiện Phạm Thị Nguyệt nhận nuôi hai trẻ khác tại nhà đang thuê là cháu Nguyễn Gia Huy (2 tuổi), con một phụ nữ ở Khương Trung, Hà Nội và Trần Vũ Gia Hân (1 tuổi), con một phụ nữ quê tại Thái Bình. Hiện hai cháu bé này đã được đưa đến Trung tâm Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng. 

(tuoitre.vn)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm