| Hotline: 0983.970.780

Cháu cần 'uốn' chồng từ từ, sắt thép quá em sợ, mềm mại chưa đủ...

Thứ Hai 21/01/2019 , 06:50 (GMT+7)

Cháu có cảm giác mình đang sống với một cảnh sát chứ không phải người mà cháu từng ca ngợi. Sao anh ấy thay đổi nhanh vậy cô?

Cô kính mến!

Cháu yêu anh ấy 3 năm mới cưới. Không ngắn đúng không cô? Yêu nhau thắm thiết chứ đâu yêu vừa vừa. Cháu sống với ba mẹ và em gái, anh hay đến đón đi chơi, đi học thêm ngoại ngữ, đi ăn, đi tập cũng chịu khó đưa đón. Anh đi làm sớm, anh giỏi, thu nhập cao, quãng thời gian đó thật dễ chịu cô ạ.

Khi cưới, anh đã xoay xở được căn hộ riêng, nhỏ, nhưng ấm cúng, hiện đại. Ba mẹ anh ở ngoài miền Trung, anh tự lập vươn lên vậy là đáng nể. Ba mẹ cháu mừng lắm. Nói em gái cháu nữa cũng chỉ mong kiếm được người có phân nửa phẩm hạnh của anh là tốt rồi.

Đám cưới gói gọn, nhà trai nhà gái chia sẻ nhau, không tốn kém mấy. Ba mẹ cháu cũng chỉ mong như vậy thôi. Nhưng sau cưới không lâu anh như người khác hẳn.

Anh kể rằng anh mang nợ, anh phải chu cấp cho ba mẹ anh hàng tháng, tiền bạc phải có sổ sách như kế toán, anh chỉ cháu cách kế toán và anh sẽ xem qua để biết cháu có căn cơ không. Cháu bảo nếu không thì sao? Anh thản nhiên, thì anh sẽ là tay hòm chìa khóa!

Không chỉ việc tiền nong cô ơi, anh còn không giúp vợ gì cả. Anh chủ trương chồng việc chồng, vợ ra vợ, chồng kiếm tiền, vợ nội trợ dù vợ có đi làm chăng nữa. Vậy là không đưa đón gì nữa nhé, không ăn ngoài, không mua sắm ngẫu hứng, không gym, không gì cả, để tiết kiệm cho việc xong nợ căn hộ. Việc đẻ con, khi nào kinh tế khá, hãy đẻ. Và anh chủ động rất bài bản trong việc gần gũi vợ chồng cô ạ.

Cháu có cảm giác mình đang sống với một cảnh sát chứ không phải người mà cháu từng ca ngợi. Sao anh ấy thay đổi nhanh vậy cô? Hay là đa số con trai miền Bắc miền Trung khi đã thành đàn ông thì đều khác như vậy để bắt đầu vai trò ông chủ gia đình và cũng để ra uy?

Mẹ cháu an ủi nói dạy vợ dạy thuở bơ vơ mới về, dân miền Trung can cường kỹ càng lắm, họ cơ cực quen rồi. Chưa gì mà cháu chán quá cô.

---------------------

Cháu thân mến!

Lại chuyện khác nhau vùng miền ư? Để cô kể chuyện đàn ông miền Nam cho cháu nghe. Gia tộc cô có một đám rể toàn miền Nam. Một đứa khi còn cưa cẩm, đã cầm chổi quét sân nhà vợ tương lai, khi biết chuyện đó, mẹ của cậu ấy cười muốn bể bụng, nói sự kiện ấy là “sự kiện của năm”, có thể đưa vào Chuyện lạ Việt Nam được.

Một đứa ngày xưa không đến nỗi “nịnh” vậy nhưng giờ, khi đã có hai con, cậu ta cũng không biết nước mắm để đâu, hộp đường để đâu. Một đứa nữa, tiền xài hàng nắm, vợ không phải sắm gì, chồng sắm cho hết nhưng vợ muốn đi gym hay đi học ngoại ngữ thêm hả, đừng hòng! Một đứa khác làm ăn hoành tráng nhưng nợ hết đợt này đến đợt khác, lên bờ rồi xuống ruộng hoài, có lần vợ không chịu phá sổ tiết kiệm cho mượn đã mày tao với vợ.

Vậy đó. Bắc Trung Nam gì cũng có mẫu số chung là khi yêu thì nhún, khi cưới về biết tay ngay! Có đặc điểm chung phổ biến, dễ thấy là gia trưởng, ra cái vẻ ông chủ gia đình, cả ghen, cần thì rất chi li và muốn vợ hy sinh, nghiêng đối xử về phía nhà chồng… Văn hóa Khổng giáo vẫn chi phối, thêm văn hóa ỷ mạnh, nam quyền, thêm nữa, ích kỷ, áp đặt, nhưng lười việc nhà giúp vợ, vẫn luận điệu đàn ông phải làm việc lớn.

Có chán thì cũng mới hôn nhân, đã thấm gì so với thâm niên mà ai cũng mong muốn là ba mươi, bốn mươi, năm mươi năm. Nên tìm hiểu xem chồng nói mang nợ mua nhà khi cưới để các cháu có căn hộ là nói sự thật hay nói lố lên. Và khi đã đúng như vậy thì nên chia sẻ với chồng, nợ trước hay sau cũng để cho các cháu tự do, độc lập.

Sau nữa, việc phụng dưỡng bố mẹ, người có hiếu mình nể nhưng không vì chữ hiếu mà độc đoán, không đếm xỉa đến ý kiến hay vui buồn của vợ. Rất nên tôn trọng cái nếp con cái khi đã trưởng thành nên nghĩ đến bố mẹ hàng ngày, hàng tháng, hàng năm.

Việc chi tiêu có sổ sách là tốt, để biết thu nhập cả năm, xài phí mỗi tháng và cân đối. Gia đình nào cũng nên có các quỹ: hàng tháng, du lịch, ba mẹ hai bên, ngoại giao cư xử, mua sắm khấu hao…

Liệu cơm gắp mắm nhưng phải có điều độ, điều tiết, để dành, phòng thân và tích lũy cho con cái. Không quá khắc nghiệt đâu, có lẽ cậu ấy muốn gò cháu vào nếp sống mà cậu ấy từ đó được sinh ra, trưởng thành và thành đạt.

Riêng chuyện sinh con, nếu chồng chỉ vì kế hoạch bởi kinh tế, nên ủng hộ. Xem chừng cậu này lý trí dữ. Cháu cần “uốn” chồng từ từ, sắt thép quá em sợ, mềm mại chưa đủ, còn ga-lăng nữa để có sức hấp dẫn của tài hoa, quyến rũ. Uốn chồng là cả nghệ thuật và cần nhiều thâm niên cháu nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm