| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 06/03/2019 , 09:09 (GMT+7)

09:09 - 06/03/2019

Chạy chức: Ai chạy? Chạy ai?

Chống chạy chức, chạy quyền, không dùng những người chạy chức, chạy quyền. Kỉ luật những ai tiếp tay cho việc chạy chức chạy quyền. Nói thì dễ, nhưng còn làm, thì sao?

Chiều ngày 4/3/2019, tại hội nghị giao ban trực tuyến ngành tổ chức xây dựng đảng tháng 3/2019, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã khẳng định: Phải chống cho được nạn chạy chức, chạy quyền và hành vi tiếp tay cho việc chạy chức chạy quyền. Những ai chạy chức, chạy quyền, dứt khoát không dùng. Và ai tiếp tay phải kỉ luật. Lời khẳng định đó được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Vậy, chạy chức, chạy quyền là gì? Và ai chạy? Chạy ai?

Ảnh minh họa

Chạy chức, chạy quyền, nói thẳng ra, là bỏ tiền mua một chức vụ nào đó trong hệ thống đảng hoặc chính quyền. Kèm theo chức vụ là quyền hạn. Và sau khi mua được rồi thì dùng quyền đó vơ vét của công để thu hồi số tiền đã bỏ ra mua chức, rồi kiếm chác.

Những người thực sự có tài, có năng lực, không bao giờ chạy chức. Bởi ở cương vị nào họ cũng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Bổ nhiệm họ, bầu họ vào một chức vụ nào đó thì họ làm. Họ coi đó là nhiệm vụ và nghĩa vụ, chứ không coi đó là phương tiện để kiếm chác.

Vậy thì chỉ những kẻ bất tài, không có năng lực, mới chính là những kẻ bỏ tiền ra chạy chức chạy quyền, chúng coi đó là một vụ kinh doanh. Công tác cán bộ của chúng ta có một quy trình hết sức chặt chẽ, bài bản. Một cán bộ, muốn lên được một chức vụ nào đó, phải trải qua một quá trình kéo dài hàng chục năm. Vì vậy, bọn chạy chức chạy quyền thường tiến hành buôn chức từ rất sớm. Nào chạy để được quy hoạch, chạy để được luân chuyển và cuối cùng mới là chạy để được đề bạt, bổ nhiệm.

Chúng chạy ai?

Tất nhiên, là chạy những người có chức vụ lớn, có quyền chỉ đạo cả một hệ thống từ quy hoạch ai? Ai được quy hoạch? Đến bổ nhiệm những ai dần dần vào những nấc thang chức vụ. Chạy chức là những thương vụ trong bóng tối, ngoài người đưa tiền và người nhận tiền, không một ai biết. Kẻ chạy chức không bao giờ hở môi rằng chức này tôi mua hết bao nhiêu. Kẻ bán chức cũng không bao giờ hở môi rằng tôi bán cho thằng A, thằng B... chức này chức nọ bao nhiêu tiền, mà ngược lại chúng còn luôn miệng rao giảng về sự trong sáng, về liêm khiết, về đạo đức...

Nhưng việc mua chức, bán chức đó nhiều khi có dấu hiệu khá rõ, thậm chí là trắng trợn. Chẳng hạn việc một số ông quan có chức vụ, quyền hạn lớn, trước lúc về hưu chỉ vài ba tháng, đã ký đề bạt, bổ nhiệm hàng chục người vào chức này chức nọ. Việc đó đã khiến dư luận dậy sóng một thời. Nhưng rồi tất cả đều chìm xuồng. Không có ai ký đề bạt “cấp tập” hàng chục người đó bị kỉ luật cả. Và những người được đề bạt kiểu đó, đến nay vẫn cứ ung dung tại chức. Không có một quyết định bổ nhiệm, đề bạt nào bị thu hồi.

Chống chạy chức, chạy quyền, không dùng những người chạy chức, chạy quyền. Kỉ luật những ai tiếp tay cho việc chạy chức chạy quyền. Nói thì dễ, nhưng còn làm, thì sao?