| Hotline: 0983.970.780

Chạy “hộ nghèo” ở phố

Thứ Tư 22/12/2010 , 10:54 (GMT+7)

Tưởng chỉ ở quê nghèo khó mới tranh nhau xin làm hộ nghèo. Hóa ra ở phố xá người ta đấu nhau làm hộ nghèo còn kinh khủng hơn.

Nhà một hộ nghèo ở Thái Bình
NNVN vừa đăng loạt bài: "Náo loạn tranh suất hộ nghèo". Tưởng chỉ ở quê nghèo khó mới tranh nhau xin làm hộ nghèo. Hóa ra ở phố xá người ta đấu nhau làm hộ nghèo còn kinh khủng hơn. 

>> Hỗn chiến tranh suất hộ nghèo
>> Náo loạn tranh suất hộ nghèo

Những lần về Thái Bình, tôi thường lấy nhà anh Đặng, nhà chuyên nghiên cứu văn hóa làng (anh là Hội viên Hội Văn hóa dân gian Việt Nam) ở thành phố, làm nơi tá túc. Vì về đấy, khi cần viết về bất cứ làng xã nào trong tỉnh, tôi có thể tra cứu tỷ mỷ về lịch sử làng xã ấy từ cuốn “từ điển sống” là anh.

Cách đây mươi hôm, về thấy anh đang nhăn mặt nhăn mày giữa một đống ngổn ngang giấy má. Cầm một tờ lên xem, tôi mới hay đó là tờ “phiếu thu thập đặc điểm hộ nghèo và hộ cận nghèo năm 2010”. Đáp lại ánh mắt ngạc nhiên của tôi, anh bảo:

- Tôi mới được “lên” chức tổ phó tổ dân phố. Tôi đã chối mãi rằng công việc của tôi rất bận, hơn nữa lại không phải đảng viên. Nhưng bà con cứ bầu. Khổ thế. Cuối năm, tôi phải đi điều tra, thu thập thông tin để xác định trong tổ có bao nhiêu hộ nghèo và hộ cận nghèo, rồi tổ chức họp tổ để bình xét.

- Người đời vẫn bảo: "Giầu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố" cơ mà? Nghèo ở phố căn cứ vào những tiêu chí nào?

- Quê có cái nghèo của quê, phố có cái nghèo của phố. Theo chuẩn mới, thì hộ nghèo nông thôn là hộ có thu nhập dưới 400 ngàn đồng/người/tháng. Thành phố, nghèo là những hộ có thu nhập từ 500 ngàn trở xuống/người/tháng. Cận nghèo từ 500 ngàn đến 600 ngàn/người/tháng. Ngoài ra còn rất nhiều tiêu chí khác như tiện nghi thiếu thốn, nhà tạm, không nhà, nhà tường xiêu vách đổ, không có lao động chính hay không có khả năng lao động, mất sức nhưng không được hưởng chế độ nào…

- Tôi từng đi rất nhiều vùng nông thôn, thấy mỗi lần bình xét hộ nghèo là mỗi lần làng xóm xôn xao, bức xúc vì chuyện nhà được, nhà không trong khi mức sống, thu nhập thì như nhau. Thành phố có vậy không?

- Còn hơn thế nữa kia. Nhà quê, dẫu có bức xúc thì nhiều khi người ta cũng không muốn nói, không nỡ nói, vì đều là “trong họ ngoài làng”. Thành phố không có cái quan hệ ấy, nên thiếu công bằng một cái là họ “phang” luôn, mất mặn mất nhạt…

Đẩy chén trà sang phía tôi, nâng chén trà của mình làm một ngụm, anh nhặt một tờ đã ghi tên một hộ lên, chìa cho tôi xem:

- Thành phố, khi bình xét, có những chuyện còn phức tạp hơn nhà quê rất nhiều. Như hộ Nguyễn Thị T. này chẳng hạn. 42 tuổi, chồng chết đã 10 năm. Chẳng có nghề gì, bán vé xổ số, mỗi ngày được vài ba chục ngàn, mà ngày có ngày không, một mình nuôi 2 con học ở Hà Nội, một Đại học một Cao đẳng. Tính ra thu nhập mỗi người không nổi 300 ngàn/tháng. Nhà thì đi thuê. Thế là nghèo chứ còn gì nữa. Nhưng đưa ra bình, nhiều người phản đối: "Đúng là chị ta đi bán vé số chỉ được mỗi tháng dăm bẩy trăm ngàn, nhưng mà còn hai thằng bồ nó bao, chưa kể những lần chị ta đi… bán lẻ nữa, tính ra mỗi tháng sáu bẩy triệu bạc. Không thế, thì thuê làm sao nổi nhà, nuôi làm sao được hai con học ở Hà Nội, lại còn xe máy, son phấn, ăn diện ngất trời. Nghèo mà như thế thì… cả thành phố này nghèo”. Ông bảo chúng tôi “ăn làm sao, nói làm sao” được với họ?

Đúng là với dăm bẩy trăm ngàn thì không thể thuê được nhà, không đủ cho chị ta ăn chứ đừng nói nuôi con ăn học. Chuyện chị ta bồ bịch, ai cũng biết. Nhưng mà chẳng ai biết được cái khoản “thu nhập” kia là bao nhiêu, mà cũng chẳng ai dám đưa cái khoản ấy vào… thu nhập cả. Đành phải căn cứ vào mức thu nhập từ bán vé số mà đưa chị ta vào danh sách hộ nghèo. Không đưa, thì chị ta gửi đơn đi khắp nơi khiếu kiện ngay. Đành phải ra sức thuyết phục bà con “biểu quyết” cho chị ta. Biểu quyết rồi, nhiều anh còn cười khẩy: "Chắc tổ trưởng, tổ phó được con T. nó chiêu đãi bằng…vốn tự có rồi”.

Có hộ chồng xe ôm, vợ buôn gà ở chợ Bo. Mới hôm nào bầu tổ phó tổ dân phố, mọi người giới thiệu anh chồng, anh ta tuyên bố thẳng: "Tổ phó mỗi tháng ba trăm ngàn phụ cấp, chỉ bằng một ngày xe ôm gặp may, ôm rơm làm gì cho dặm bụng” rồi bỏ về. Còn chị vợ, tôi đã đến tận nhà điều tra. Mỗi con gà mua sống về làm lông, mổ ruột bày lên bán, lãi ít nhất 10 ngàn, chưa kể lòng, đầu, chân bán riêng. Hai vợ chồng với 2 đứa con, nhà cửa cũng đàng hoàng. Mỗi ngày chị ta bán bình quân 10 con. Thế mà khi họp tổ, anh ta cứ nằng nặc đòi phải đưa hộ anh ta vào danh sách hộ nghèo. Tôi nhắc lại câu nói hôm nào của anh ta, và đưa ra mức thu nhập của chị vợ mà tôi đã điều tra. Anh ta lý luận: "Đúng là có ngày tôi kiếm trăm bạc thật. Nhưng mà mật ít ruồi nhiều, một ngày được thì ba bốn ngày không, dắt xe ra lại dắt xe về, lỗ cả tiền xăng. Tính ra bình quân mỗi ngày tôi chỉ kiếm được… vài chục. Còn vợ tôi bán gà, cứ mua dăm bẩy con gà sống về thì lại có một hai con rù chết, phải đem chôn, có lần gặp dịch chết cả đàn. Mỗi con gà chết là chôn theo hơn trăm ngàn, thì lãi ở chỗ nào?”.

Đến khi bà con biểu quyết, thấy mình không trúng vào danh sách hộ nghèo, anh ta làm ầm ĩ lên, suýt nữa thì phải gọi công an. Có người, nếu chỉ nhìn bề ngoài thì thấy họ có vẻ rất giầu. Như vợ chồng ông B. chẳng hạn. Nhà ba tầng to vật vã ở ngách 33, trong nhà có ti vi, có sa lông… nhà cũng chỉ có 2 vợ chồng, đều trên 70 cả. Nhưng mà sống rất khổ, vì nhà ấy là ông bà làm từ thời trẻ. Bây giờ già yếu rồi, buôn bán tự do nên chẳng được chế độ gì cả.

Tích cóp được tý nào dốc hết ra gây dựng cho con. Con cái ba đứa, đứa Hà Nội đứa Quảng Ninh đứa Hải Phòng, đều có của ăn của để. Những năm trước, tháng nào chúng nó cũng gửi cho ông bà đứa dăm bẩy trăm, đứa một triệu, thì sống ung dung. Nhưng mấy năm nay từ ngày chúng nó gạ ông bà bán nhà, chia tiền cho chúng nó rồi chúng nó lần lượt nuôi. Ông bà không đồng ý thì nó cắt tiền gửi. Giờ, nguồn sống duy nhất của ông bà là cái hàng nước nhỏ trong hẻm. Tôi đã đến ngồi đấy cả ngày để điều tra thu nhập, thấy mỗi ngày không nổi hai chục ngàn, mà ông bà thì ốm đau luôn. Thế mà hôm đưa ra tổ bình xét, bà con ồ cả lên: "Nhà to hơn cả nhà chủ tịch thành phố. Ông bà ấy mà nghèo, thì ai giầu ở cái thành phố này…”. Lại phải kiên trì thuyết phục bà con…

Năm ngoái, được tin Chính phủ hỗ trợ hộ nghèo mỗi khẩu 200 ngàn ăn Tết, nhiều địa phương đã để xẩy ra rất nhiều chuyện lộn xộn trong việc “bình xét” hộ nghèo: người nghèo thật thì không được hay bị bớt xén tiêu chuẩn, ngược lại, nhiều người nứt đố đổ vách bỗng chốc “biến” thành nghèo, lĩnh tiền hỗ trợ về mổ lợn ăn mừng. Năm nay, chưa biết Chính phủ có cho không, nhưng mà chuyện “bình xét” ở nhiều nơi cũng đã rất căng, và cũng đã xuất hiện không ít chuyện hài hước rồi. Anh Đặng bảo:

- Chuyện cấp trên hỗ trợ ăn Tết thì năm có, năm không. Nhưng không chỉ ở chuyện đó. Được vào danh sách hộ nghèo, được cấp sổ, có nghĩa là được vay vốn ưu đãi, con cái đi học được miễn, giảm học phí… Những chuyện đó, xét cho cùng thì cũng là một nguồn… thu nhập. Thế nên mới xuất hiện cái chuyện “chạy nghèo”.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.