| Hotline: 0983.970.780

Chảy máu chất xám

Thứ Năm 23/02/2012 , 13:17 (GMT+7)

Tại Bình Định, không một hoạt động nào liên quan đến sản xuất nông nghiệp mà không có KNVCS. Công việc ngập đầu là thế, nhưng 1 tháng làm việc của họ chỉ bằng nông dân bán 1 buồng chuối.

Tại Bình Định, không một hoạt động nào liên quan đến sản xuất nông nghiệp mà không có KNVCS. Công việc ngập đầu là thế, nhưng 1 tháng làm việc của  họ chỉ bằng nông dân bán 1 buồng chuối.

>> Cơ chế khuyến nông có “chiêu hiền đãi sĩ”?
>> Lương thấp, tự an ủi mình

>> Kiêm nhiệm cả sinh đẻ có kế hoạch

Nhờ KNVCS hướng dẫn, anh Năm ở Tiên Hòa- Nhơn Hưng- An Nhơn) nuôi thành công gà Hmông

Lương cao nhất cũng không đủ tiền xăng

Từ năm 2011 trở về trước, khoản tiền phụ cấp mà những KNV ở Bình Định được hưởng nghe mà cứ bị sốc: Mức cao nhất 400.000 đ/người/tháng, mức thấp nhất 80.000 đ/người/tháng. Năm 2011 vừa qua, mức phụ cấp của KNV ở địa phương này đã có cải thiện đáng kể nhờ Quyết định số 22/2010/QĐ-UB (ngày 8/9/2010) của UBND tỉnh Bình Định về việc: “Ban hành quy định chức danh, số lượng; 1 số chế độ chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở các cấp cơ sở”, thế nhưng xem ra mức lương đó vẫn còn rất “bèo bọt” so với thực tế cuộc sống.

Ông Nguyễn Xuân Thưởng- GĐ Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Bình Định cho biết: “Hiện KNV trên địa bàn tỉnh Bình Định đang được hưởng những mức phụ cấp khác nhau. Mức cao nhất là 830.000 đ/người/tháng, mức thấp nhất 300.000 đ/người/tháng.

Cũng theo ông Thưởng, do mức phụ cấp cho KNV hiện được trả từ nhiều nguồn, nhiều cấp nên mới có sự khập khiễng. Ông Thưởng đơn cử: “Sau năm 2010, huyện Vĩnh Thạnh nhờ có nguồn vốn từ Chương trình 30a của Chính phủ nên KNV cấp xã ở địa phương này được trả 830.000 đ/người/tháng. Cộng tác viên khuyến nông ở thôn, bản được trả 350.000 đ/người/tháng. Những địa phương trả phụ cấp từ ngân sách huyện như: Phù Mỹ, Phù Cát và An Nhơn trả theo hệ số 1 được 830.000 đ/người/tháng. Huyện Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn trả 0,9 theo hệ số 1 là 748.000 đ/người/tháng. “Hẻo” nhất là huyện An Lão và Hoài Ân, KNV chỉ được nhận 300.000 đ/người/tháng". 

“Nông dân bây giờ không còn bức xúc về cái ăn, cái mặc nữa. Điều họ cần nhất là các tiến bộ KHKT trong SXNN để ứng dụng vào thực tế, không bị lạc hậu, nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững. Bởi vậy, lực lượng KNV cần được Nhà nước quan tâm”, ông Nguyễn Trọng Hường-Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh.

 Liên hệ những con số nói trên với thời giá hiện nay, chúng ta có thể hiểu cuộc sống của những người đang hoạt động trong hệ thống khuyến nông cơ sở khó khăn đến dường nào. Ông Thưởng nói: “Ngay cả những người được hưởng mức cao nhất cũng không đủ tiền đổ xăng xe máy đi công tác. Trong khi công việc của họ liền chân, liền tay”.

 Anh Lê Thanh Long- KNV xã Ân Nghĩa (Hoài Ân) than thở: “Ngày công lao động phổ thông hiện cũng đã được từ 100.000- 120.000 đ/người/ngày. Trong khi làm việc cả tháng chúng tôi chỉ nhận được 300.000 đồng, mới đủ mua hơn 10 lít xăng. 1 người chạy xe ôm chở heo ở Hoài Ân làm 1 ngày bằng tui làm 1 tháng. 1 buồng chuối thu hoạch ở rẫy vợ tui bán tại chợ quê cũng được 300.000 đ”.

Thu nhập là vậy, nhưng công việc của KNV là bề bề. Ngoài công tác khuyến nông, ở cơ sở, KNV nào cũng phải kiêm thêm 1 nhiệm vụ khác như: Cán bộ BVTV, cán bộ nông nghiệp xã hoặc Hội nông dân xã. Trong khi chỉ riêng việc của khuyến nông thôi cũng đã ngập đầu.

“KNVCS phải tham gia hầu hết các chương trình khuyến nông- khuyến ngư ở địa phương để tham mưu cho các cấp trên; tiếp nhận triển khai các mô hình trọng điểm của cấp trên giao; tiếp thu và chuyển giao tiến bộ KHKT vào thực tiễn SX; tham mưu cho địa phương trong công tác tổ chức phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; tổ chức tập huấn kỹ thuật đầu vụ cho nông dân trước khi bước vào vụ SX mới…”, ông Nguyễn Văn Hòa, Trạm trưởng Trạm KN- KN huyện Hoài Ân bộc bạch.

KNV xã Ân Nghĩa (Hoài Ân) Lê Văn Long tâm sự: “Ở các huyện miền núi, nếu các thôn, bản mà không có cộng tác viên thì công việc của bọn tui càng “dày”. Nếu dốc sức đi hết ngày này qua ngày kia nhiều khi làm cũng không hết việc. Chỉ nhận được mỗi tháng có 300.000 đồng, bà vợ tui cứ nhăn nhó, bảo tui bỏ việc miết nhưng thú thiệt nếu tui nghỉ thì chẳng ai đảm nhận công việc này. Tui đã nhiều lần đề nghị ủy ban xã trả thêm phụ cấp nhưng lãnh đạo xã bảo “bó tay”, không có nguồn nào để trả thêm”.

1/3 KNV chưa được đào tạo

Thực tế trên đã khiến hệ thống khuyến nông trên địa bàn Bình Định không có sức thu hút nhân lực. Hiện tỉnh này có lực lượng KNV phủ kín các xã, phường, thị trấn có SXNN. Thế nhưng chất lượng chuyên môn của lực lượng này vẫn còn là “lỗ hổng” to tướng. Ông Nguyễn Xuân Thưởng cho biết thêm: Toàn tỉnh Bình Định có 152 KNVCS, trong đó 50 người qua đại học, 68 người trung cấp và 34 người còn lại chỉ qua sơ cấp và các lớp huấn luyện.

KNV phường Bình Định (TX An Nhơn) thăm đồng kiểm tra sâu bệnh hại lúa ĐX

Lực lượng này có 12 người là nữ và 3 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 152 KNV có 84 người được đào tạo ngành trồng trọt, 13 người đào tạo chăn nuôi, 3 người đào tạo lâm nghiệp, 2 người đào tạo thủy sản và 50 người kể như là “tay ngang” không được đào tạo chuyên ngành gì.

“Ngay cả chuyên ngành đào tạo của mỗi KNV khi áp dụng vào thực tế cũng rất nhiều bất cập. Ví dụ, người chỉ được đào tạo về thủy sản, thế nhưng khi đứng chân trên địa bàn phải “ôm” luôn chuyện từ cây trồng đến vật nuôi thì không lấy đâu ra kiến thức mà làm. Thế nhưng có người làm là quý lắm rồi. Thu nhập ít mà việc thì nhiều nên nếu ai có điều kiện xin được việc khác thì họ “bức” ra ngay. Do đó, hệ thống khuyến nông luôn đứng trước thực tế thiếu cán bộ có chuyên môn tốt”, ông Thưởng bộc bạch.

Có thể đơn cử như ở huyện Vân Canh, nơi chưa hề thu hút được KNV có trình độ ĐH. “Trong số 7 KNV cấp xã hầu hết chỉ qua trung cấp nhưng có chuyên môn rất yếu, còn lại là 48 CTV khuyến nông thôn bản chỉ được qua huấn luyện hoặc làm từ kinh nghiệm”, ông Lê Văn Cẩn- Trưởng trạm KN- KN Vân Canh nói. Hoặc như ở huyện Hoài Ân, hệ thống KNV gồm 15 người, trước đây có 5 người học qua ĐH, thế nhưng bây giờ chỉ còn 5 người có trình độ trung cấp, còn lại là sơ cấp.

Những người không chấp nhận mức lương ĐH chỉ 300.000 đ/tháng đã chuyển công tác khác. Cụ thể anh Lê Văn Đạt (hiện đang công tác tại Trung tâm giáo dục-hướng nghiệp huyện), hoặc như anh Trần Tuấn đã chuyển sang công tác tại Dự án trồng rừng Việt- Đức. Trong khi đó, theo điều 16 của Nghị định 02/2010/NĐ-CP (ngày 8/1/2010) của Chính phủ có quy định chế độ, chính sách của người làm công tác khuyên nông cơ sở như sau “KNV cấp xã được xem là công chức xã, được hưởng lương theo trình độ đào tạo. Nếu không thuộc công chức xã thì được hưởng chế độ phụ cấp hoặc lương theo trình độ đào tạo do chủ tịch tỉnh quy định”.

Ông Thưởng khẳng định: “Địa phương nào còn SXNN là còn cần KNVCS bởi họ là cầu nối giữa nông dân với chính quyền các cấp, và là cầu nối giữa nông dân với các tiến bộ KHKT. Muốn củng cố lực lượng này nhằm đáp ứng được yêu cầu của công việc, cần phải thực hiện NĐ 02 của Chính phủ là phải đưa đội ngũ KNVCS vào hệ thống công chức xã, trả lương theo trình độ đào tạo mới thu hút được nhân lực có trình độ”.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm