| Hotline: 0983.970.780

'Chạy nước rút' sửa chữa hồ Núi Một!

Thứ Tư 30/05/2018 , 08:25 (GMT+7)

Vừa qua, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cùng đoàn công tác đã về kiểm tra tiến độ thi công sửa chữa, nâng cấp hồ Núi Một nằm trên địa bàn xã Nhơn Tân (TX An Nhơn, Bình Định). 

07-06-20_1
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tỉnh (bìa trái) kiểm tra tiến độ thi công sửa chữa hồ Núi Một. Ảnh: NT

Trước tình trạng thi công chậm so với kế hoạch, lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi đã chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư và nhà thầu phải “chạy nước rút” để công trình được hoàn thành vào cuối tháng 3/2019 theo kế hoạch!

Ông Phan Xuân Hải, Trưởng Ban quản lý Dự án Quản lý thiên tai (BQLDA QLTT) thuộc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết công trình nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước Núi Một (dung tích chứa 110 triệu m3) được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt thiết kế cuối tháng 5/2017, do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Tổng vốn đầu tư các hạng mục công trình trên 74 tỉ đồng, trong đó vốn ODA trên 70 tỉ đồng, vốn đối ứng hơn 4,2 tỉ đồng, chia làm 4 gói thầu.

Khởi công vào cuối tháng 10/2017, từ đó đến nay thời gian đã trôi qua 212 ngày, nhưng thực tế số ngày thi công sửa chữa hồ Núi Một chỉ có 129 ngày. Nguyên nhân do cuối năm 2017 mưa lũ liên tục xảy ra, mực nước hồ luôn ở mức cao nên việc thi công bị gián đoạn. Tính đến thời điểm này, các hạng mục đã và đang được thi công gồm: Đắp đê quai đợt 1, đào cửa vào, đào kênh dẫn hạ lưu và hầm van côn, đào móng tràn xả lũ số 2, kho chứa vật liệu nổ và nhà quản lý.

“Tình hình thi công chậm so với kế hoạch. Thời gian đã hết 41% mà giá trị công việc mới chỉ đạt 22%. Hiện nay, thời tiết đang khô nắng, mực nước hồ hạ thấp, ngành chức năng bám sát hiện trường đốc thúc nhà thầu thi công tăng tốc để công trình được hoàn thành theo kế hoạch là cuối tháng 3/2019”, ông Hải thừa nhận.

Ông Đặng Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Xây dựng cơ bản thuộc Tổng cục Thủy lợi, đánh giá: “Tiến độ thi công sửa chữa hồ Núi Một cho đến lúc này là rất chậm so với kế hoạch đặt ra. Khối lượng công việc còn rất nhiều. BQLDA QLTT tỉnh cần phải xây dựng lại kế hoạch thực hiện chi tiết khối lượng từng hạng mục, từng tuần, từng tháng để vạch ra khối lượng phải thực hiện hàng ngày hết sức cụ thể thì may ra mới hoàn thành theo kế hoạch”.

Theo ông Tân, BQLDA phải tranh thủ thời tiết thuận lợi, chỉ đạo cho nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị máy móc thi công tăng tốc. Trong thời gian này, đơn vị giám sát thi công và giám sát tác giả cũng phải thường xuyên có mặt tại hiện trường để chất lượng công trình được đảm bảo. Trong đó, lưu ý đến giám sát kỹ thuật, cả về cơ khí và cơ điện.

Dù thúc đẩy tiến độ thi công, nhưng ông Tân đặc biệt lưu ý đến công tác an toàn lao động, nhất là khi thi công hạng mục có nổ mìn, thi công trong đường hầm, thi công phần cửa vào ở độ sâu.

07-06-20_2
Hồ Núi Một được xây dựng thêm 1 tràn tự do bên cạnh cửa tràn xả sâu. Ảnh: NT

“Mặc dù năm nay chưa thấy lũ tiểu mãn, lũ thường niên phải đầu tháng 10 mới xuất hiện, nhưng không vì thế mà ngành chức năng nảy sinh tâm lý chủ quan, cần phải xây dựng biện pháp an toàn công trình trong quá trình thi công, để đối phó với mưa lũ cực đoan trái quy luật. Đồng thời cần phải xây dựng phương án đảm bảo an toàn, thông tin cảnh báo cho người dân vùng hạ du trong mùa mưa bão”, ông Tân đề nghị.

Ông Trần Văn Trung, Phó TGĐ Cty CP Xây dựng và nhân lực Việt Nam, đơn vị thi công sửa chữa hồ Núi Một, cho biết: “Hiện nay, tranh thủ thời tiết nắng ráo, để đẩy nhanh tiến độ thi công, công nhân của công ty chia nhau làm việc 3 ca 24/24 đối với việc đào hầm và đào cửa vào, đảm bảo tiến độ đến ngày 1/7 là đổ bể tông cửa nhận nước, đến 30/9 sẽ hoàn thành cơ bản cửa nhận nước, hầm van côn để công trình được đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão 2018”.

Theo ông Phan Xuân Hải, Trưởng BQLDA QLTT, hiện mực nước hồ đang ở cao trình 36.80m, để có thể thi công kênh dẫn thượng lưu xong trước ngày 10/8, hoành triệt cống cũ trước ngày 30/9, cần phải hạ mực nước tới cao trình 30.00 vào cuối tháng 7, hạ tiếp cao trình xuống còn 25.00 trước ngày 20/9.

“Trước đây, Cty TNHH KTCTTL Bình Định xả trên 8m3/giây, nhưng do phải giữ nước để phục vụ SX vụ hè thu nên hiện lưu lượng xả giảm xuống 4,5m3/giây. Theo đó, trong 1 ngày đêm mực nước hồ chỉ hạ được 6cm. Như vậy, để hạ đến cao trình 30.00 phải mất 90 ngày (cuối tháng 8), kế hoạch thi công vượt lũ sẽ không đạt”, ông Hải lo lắng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Cty TNHH KTCTTL Bình Định, tính toán: “Cao trình 30.00 tương ứng 8,2 triệu m3 nước, trừ dung tích chết 2 triệu m3, như vậy chỉ còn 6 triệu m3 nước cung ứng cho SX, sẽ không đảm bảo tưới. Bởi vụ hè thu 2018 ít nhất phải đến 25/8 mới kết thúc tưới. Qua tính toán, để đủ nước tưới đến thời điểm này, mực nước hồ tối thiểu phải có 10 triệu m3 nước, tương ứng cao trình 30.7, cao trình này vẫn đáp ứng được yêu cầu của việc thi công”.

07-06-20_3
Cửa nhận nước hồ Núi Một đang được thi công. Ảnh: DL
“Đề nghị chủ đầu tư và đơn vị thi công phải xây dựng kế hoạch thật chi tiết. Trước tiên phải đáp ứng được nước tưới cho vụ hè thu và phải ứng phó được tình hình thời tiết trong mọi tình huống. Các đơn vị phải phối hợp với nhau thật chặt chẽ, khi cần xử lý phát sinh tại hiện trường, thì từ chủ đầu tư đến tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công phải họp ngay tại hiện trường, xử lý ngay”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh, đề nghị.

 

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.