| Hotline: 0983.970.780

Chạy nước rút trước giờ G

Thứ Sáu 21/08/2015 , 07:30 (GMT+7)

Ngày 20/8, cuộc chạy đua xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường ĐH-CĐ kết thúc. Ba tuần vừa qua, không khí căng thẳng bao trùm khiến những người làm công tác tuyển sinh, thí sinh (TS) và phụ huynh mệt mỏi./ Xét tuyển vào đại học 'tăng nhiệt' trước giờ G

Như chơi chứng khoán

Ba tuần qua, TS và phụ huynh thực sự mệt mỏi, nhất là mấy ngày nước rút trước giờ G, nhiều gia đình, cả bố và mẹ phải nghỉ việc để theo dõi thông tin điểm thi trên mạng, rồi nghiên cứu nộp hồ sơ vào trường nào, rút rồi nộp sang đâu.

Sáng 19/8, trường ĐH Ngoại thương Hà Nội nhận được 48 hồ sơ mới, có 150 hồ sơ rút ra và hơn 100 TS điều chỉnh nguyện vọng từ ngành điểm cao sang ngành có điểm thấp hơn.

Ngày 18/8, trường  ĐH Luật Hà Nội nhận được 5.090 hồ sơ (tổng chỉ tiêu 2.395), đã rút ra 1.647 hồ sơ; trong đó riêng khối C có 2.904 hồ sơ nộp vào và 1.499 hồ sơ rút ra.

Đến 10h sáng ngày 19/8, đã có 90 hồ sơ nộp mới. Số đăng ký rút ra cũng rất nhiều, chủ yếu là khối C. Đến sáng 20/8, TS và phụ huynh tập trung tại khu vực đăng ký có “quá tải”, nhiều TS phải “mượn”… sàn nhà, bậc cầu thang làm ghế! Ai nấy đều rất khẩn trương, căng thẳng và mệt mỏi.

Đáng lưu ý là, điểm số các ngành, các khoa thay đổi như chơi chứng khoán. Vì thế, nhiều bậc phụ huynh và TS trở tay không kịp.

Trường ĐH Luật Hà Nội nhận hồ sơ từ 15 điểm, có TS cao hơn 7-8 điểm nên yên tâm sẽ thừa điểm đỗ. Nhưng có TS đăng ký ngành Luật Kinh tế, điểm trúng tuyển dự kiến hôm trước là 21,5 điểm, sáng hôm sau đã nhảy lên tới 23,25... Vì vậy, nhiều TS hôm trước còn ung dung đỗ, hôm sau đã sấp ngửa chuyển hồ sơ gấp rút.

Kiên trì đến phút chót

Tại Học viện Hành chính quốc gia, sáng 19/8, số lượng TS tới nộp hồ sơ cao gấp đôi so với ngày trước đó. Trong 2-3 ngày gần đây, số hồ sơ nộp vào trường ĐH Thủy lợi tăng nhanh, trung bình mỗi ngày nhận 300 đến 500 hồ sơ, số lượng TS rút hồ sơ không nhiều. Còn tại trường ĐH Giao thông Vận tải đã có khoảng 600 hồ sơ được rút khỏi trường song dự kiến có nhiều TS tới nộp trong ngày cuối cùng...

Thực trạng điều chỉnh nguyện vọng nhiều TS và phụ huynh vẫn đợi ngày cuối cùng mới nộp, cho nên điểm trúng tuyển dự kiến của các trường sẽ tăng hơn so với cuối ngày hôm trước.

Vì đa số những TS nộp hồ sơ vào đều có mức điểm cao hơn so với điểm trúng tuyển dự kiến. Thậm chí, sáng 19/8, tại ĐH Ngoại thương Hà Nội có TS đạt 27 điểm (khối A1) mới đến nộp hồ sơ.

Tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, lượng TS đến làm thủ tục rút nộp hồ sơ rất đông. Ngày 18/8, trường nhận được 230 hồ sơ nộp vào và khoảng 210 hồ sơ rút ra. Sáng 19/8, số lượng người đến rút và nộp càng đông hơn, chỉ từ 8 - 9 giờ đã có 50 hồ sơ nhập, 80 hồ sơ rút. Trong ngày cuối cùng, 20/8, lượng TS về nhà D1 để luân chuyển hồ sơ vẫn đông.

“Em thi được 25 điểm khối C, muốn đăng ký nguyện vọng vào khoa Ngữ văn, nhưng điểm chuẩn dự kiến đã là 26,5 nên em sẽ chuyển sang khoa Giáo dục Công dân”, một thí sinh nộp hồ sơ tại trường ĐHSP Hà Nội cho biết.

Thậm chí, có phụ huynh và TS quyết tâm đợi đến giờ chót mới nộp hồ sơ. “Con tôi được 24,75 điểm, tôi chưa nộp ngay, đến 15h chiều nay – 20/8 – tôi mới cho cháu nộp hồ sơ”, một phụ huynh chia sẻ.

Điểm dự kiến chưa phải... chuẩn

Việc luân chuyển hồ sơ ở các trường trong ngày chót luôn biến động nên rất khó nói trước điểm trúng tuyển. Hiện nhiều trường đang cố gắng cập nhật điểm trúng tuyển dự kiến theo số TS đã nộp hồ sơ trong từng buổi.

Đến hết sáng 19/8, điểm trúng tuyển dự kiến của trường ĐH Luật Hà Nội như sau: ngành Luật, khối A (Toán, Vật lý, Hóa học) là 22,75; khối C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) là 26; khối D1 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) là 20,25. Tương tự với ngành Luật Kinh tế là 24,75 điểm, 27,50 điểm và 23,25 điểm. Ngành Luật Thương mại quốc tế khối D1 là 29,25 điểm; ngành Ngôn ngữ Anh khối D1 là 25 điểm (ngành Luật Thương mại quốc tế và ngành Ngôn ngữ Anh môn Tiếng Anh đã nhân hệ số 2).

Độ chênh lệch về điểm của trường liên tục có sự dao động, vì thế, những người làm công tác tuyển sinh tại các trường ĐH-CĐ không thể có dự báo chính xác. Thời hạn cuối cùng cho việc nộp, rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng đăng ký theo quy định của Bộ GD-ĐT đến 17 giờ ngày 20/8.

Do đó, mức điểm dự kiến trúng tuyển theo từng ngày có thể khác nhau. Điều này được PGS.TS Nguyễn Văn Trào – Phó Hiệu trưởng ĐHSP Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi chưa dám khẳng định điểm dự kiến đã phải là điểm chuẩn hay chưa. Đến hết 17h ngày 20/8, thời điểm khóa sổ của TS nộp hồ sơ, chúng tôi mới có thể sơ bộ tính toán điểm cuối cùng”. Sau 2-3 ngày, ĐHSP Hà Nội mới có thể công bố điểm chuẩn chính thức.

Còn nhiều điều cần rút kinh nghiệm

“Kỳ thi THPT quốc gia mới được tổ chức năm đầu tiên nên rõ ràng còn nhiều điều cần rút kinh nghiệm để những năm sau tổ chức tốt hơn. 

Mặt khác những năm tới thí sinh cũng sẽ quen dần với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu từ đăng ký dự thi đến xét tuyển để giảm nhẹ áp lực công tác xét tuyển. Năm nay không nhiều thí sinh lựa chọn các giải pháp này.

Những giải pháp kỹ thuật áp dụng trong tuyển sinh năm nay đã được thảo luận, tính toán kỹ càng. Các phương án cũng đã được đưa ra thảo luận rộng rãi để chọn được phương án phù hợp nhất đưa ra áp dụng”.

(Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga)

 

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.