| Hotline: 0983.970.780

Chế biến dược liệu Tây Bắc, tạo sinh kế bền vững

Thứ Ba 15/08/2023 , 15:44 (GMT+7)

Cây thuốc nam, dược liệu quý được bà con dân tộc thiểu số đúc kết từ nhiều đời nay, giờ đây được chế biến thành sản phẩm OCOP, mang tới tay người tiêu dùng.

Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương đầu tư máy móc chế biến sản phẩm dược liệu thay cho cách làm truyền thống. Ảnh: Hải Đăng.

Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương đầu tư máy móc chế biến sản phẩm dược liệu thay cho cách làm truyền thống. Ảnh: Hải Đăng.

Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương tại xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), là một trong số ít đơn vị đi đầu trong việc bảo tồn, chế biến dược liệu quý của đồng bào Tây Bắc thành sản phẩm OCOP.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, người dân tộc Giáy cũng là giám đốc hợp tác xã cho biết, từ khi còn nhỏ ông đã theo mẹ vào rừng tìm kiếm, hái lá thuốc. Ông được mẹ truyền dạy về những tác dụng của từng loại lá, loại cây rừng có thể hỗ trợ chữa bệnh, mang lại sức khỏe nên những kiến thức ấy ngấm vào ông từ lúc nào không hay. Cho đến nay, ông tiếp tục kế thừa, phát huy và nhân rộng những giá trị được đúc kết từ tri thức của ông cha. Qua đó, chế biến những dược liệu quý của vùng Tây Bắc thành sản phẩm OCOP để nhiều người biết đến và có thể sử dụng.

Sau thời gian nung nấu ý tưởng, năm 2016, Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương đã ra đời với 7 thành viên với mục tiêu sản xuất, khai thác, chế biến và kinh doanh các sản phẩm dược liệu và một số mặt hàng nông sản đặc hữu vùng Tây Bắc. Cho đến nay, hợp tác xã đã xây dựng được vùng nguyên liệu rộng 5ha đồng thời cùng người dân địa phương trồng và thu mua nông sản, dược liệu thô, sơ chế thành các sản phẩm giá trị: Bột tam thất, bột và viên hà thủ ô, viên trinh nữ hoàng cung, bột và viên tinh bột nghệ, bột sắn dây… 

Bà Đỗ Thị Chung ở thôn Phú Xuân, xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) cho biết, “chúng tôi trồng cây cà gai leo, trồng sắn dây và trồng nghệ để cung cấp nguồn nguyên liệu cho hợp tác xã từ đó có thu nhập ổn định. Các cây dược liệu chăm sóc đúng quy trình, không sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật mà chăm bón theo hướng hữu cơ và chặt chẽ từ khâu trồng tới thu hái".

Đặc biệt, hợp tác xã hiện đã phát triển sản phẩm tạo sức đề kháng, hỗ trợ những người mắc bệnh gan được chế biến từ 40 vị thảo dược tự nhiên và trồng bảo tồn ở vùng núi Tây Bắc. Sản phẩm được chiết xuất và cô đặc thành dạng cao, đóng vào lọ thủy tinh gắn nhãn hiệu xuất xứ để người tiêu dùng dễ nhận biết, thay cho cách làm thủ công như trước đây. 

“Hợp tác xã mong muốn đóng góp cho sự phát triển và bảo tồn vùng nông sản, dược liệu sạch của tỉnh Lào Cai. Một mặt, để mở rộng vùng nguyên liệu sạch cho hợp tác xã, cung cấp cho thị trường nguồn dược liệu đảm bảo chất lượng đồng thời tạo việc làm ổn định cho người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương”, ông Nguyễn Tiến Mạnh nói.

Cho đến nay, hợp tác xã đã phát triển được 5 sản phẩm OCOP, tuy nhiên việc tiếp cận thị trường tiềm năng còn nhiều hạn chế.

“Chúng tôi không thuê đơn vị tư vấn mà thực hiện theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT và các đơn vị chức năng để hoàn thiện các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Tuy nhiên, để người nông dân có trình độ để làm được hồ sơ cũng có những khó khăn nhất định. Chúng tôi tích cực đi trưng bày tại các hội nghị, hội chợ, tiếp cận Sở NN-PTNT và Sở Công thương để tiếp cận thị trường và người tiêu dùng”, ông Nguyễn Tiến Mạnh cho biết thêm. 

Huyện Bảo Thắng (Lào Cai) ngày càng phát triển nhờ chiến lược đúng hướng về nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Thanh Nga.

Huyện Bảo Thắng (Lào Cai) ngày càng phát triển nhờ chiến lược đúng hướng về nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Đỗ Hồng Quân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bảo Thắng (Lào Cai) cho biết, huyện có tiềm năng, lợi thế về đất đai và khát khao xóa nghèo của bà con thiểu số đã giúp chương trình mỗi xã một sảm phẩm của huyện tạo được sự chuyển biến lớn trong xây dựng nông thôn mới. Huyện Bảo Thắng hiện có 27 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, trong đó có 14 sản phẩm OCOP đã lên sàn thương mại điện tử.

Các sản phẩm hầu hết đều do các hợp tác xã, tổ hợp tác là chủ thể. Với mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025 sẽ có trên 40 sản phẩm đạt sao OCOP. Đây là một trong những điểm nhấn nổi bật trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện Bảo Thắng với mục tiêu thu hút đầu tư chế biến nông lâm sản, phát triển các sản phẩm chủ lực, xây dựng các sản phẩm OCOP. 

Năm 2023, huyện phấn đấu thu nhập bình quân của người dân đạt 72 triệu đồng; giá trị sản phẩm trên 1ha đất canh tác đạt 110 triệu đồng và có thêm ít nhất 5 sản phẩm OCOP...

Việc được công nhận sản phẩm OCOP, công nhận thương hiệu, nhãn hiệu của sản phẩm sẽ khích lệ các hợp tác xã tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo; giúp những sản phẩm tiếp cận được người tiêu dùng, gia tăng giá trị, mang lại nguồn thu cho các hợp tác xã và người nông dân.  

Hợp tác xã Mạnh Hương được UBND tỉnh Lào Cai chứng nhận OCOP đạt 3 sao cho 5 sản phẩm. Bên cạnh đó, Cục Công thương địa phương chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2022 cho sản phẩm Tinh bột nghệ viên mật ong Mạnh Hương... 

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng.