| Hotline: 0983.970.780

"Chê" cầu Cần Thơ, nhiều người dân đi đò lậu

Thứ Tư 28/07/2010 , 09:15 (GMT+7)

Vị khách bặm môi đẩy xe máy lên khoang ghe rồi len vào đám đông tìm một chỗ ngồi. Lái đò nhấc tấm ván làm lối lên xuống bờ rồi nổ máy, ghe chòng chành tiến ra giữa sông Hậu mênh mông.

Vị khách bặm môi đẩy xe máy lên khoang ghe rồi len vào đám đông tìm một chỗ ngồi. Lái đò nhấc tấm ván làm lối lên xuống bờ rồi nổ máy, ghe chòng chành tiến ra giữa sông Hậu mênh mông.

Vùng sông nước miền Tây vốn là xứ của ghe thuyền, vỏ lãi, tắc ráng (thuyền nhỏ gắn máy). Ở sông Hậu, từ khi phà Cần Thơ được "nghỉ hưu" để nhường nhiệm vụ vận chuyển cho cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á, tình trạng đò ngang đò dọc chở khách dọc hai bên bờ Hậu Giang càng bùng phát nhiều hơn nữa. Đặc biệt ở phía bờ tỉnh Vĩnh Long, đò hoạt động mạnh do nhu cầu của nhiều người vùng này phải sang bờ Cần Thơ để làm việc, học tập.

Anh Ngô Hồng Thanh ở quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, nói: “Có cầu Cần Thơ tôi mừng lắm nhưng không đi được vì xa quá. Muốn qua cầu phải vòng hàng chục cây số trong khi đi đò ngang chỉ mất vài phút, tiết kiệm được cả thời gian và tiền bạc”.  

Nhiều người dân hai bên bờ sông có quan niệm tương tự, chọn đò ngang thay vì đi cầu. Bà Nguyễn Thị Mới, ngụ ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, cho biết, trước đây đi Vĩnh Long sang Cần Thơ làm việc, buôn bán chỉ tốn 2.000 đồng tiền phà. Còn hiện nay từ bến phà cũ bên phía Vĩnh Long theo đường dẫn, qua cầu đến Cần Thơ phải trên 20 km, đi bằng xe gắn máy thì mỗi ngày đi về tốn hơn một lít xăng, mất ít nhất 20.000 đồng. "Dân lao động nghèo chúng tôi không đủ chi phí, trong khi đi đò chỉ tốn 3.000 đồng”, bà Mới nói.

Những chuyến đò chở đông đảo khách qua sông Hậu phần lớn không đăng ký

Phần lớn đò đưa khách qua sông Hậu đều thuộc dạng “nhiều không”: không đăng ký, người điều khiển không bằng lái, không trang bị an toàn, chở quá hành khách… Chiếc ghe nhỏ thô sơ, mỏng manh như chiếc lá chòng chành giữa sóng nước, do đó là một ẩn họa rình rập đối với hành khách.

Tại bến đò Cô Bắc, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, có nhiều đò ngang hoạt động, chiếc nào cũng nêm chặt người, nặng nề lắc lư trên sóng nước. Ông Bùi Văn Mau, một chủ đò hoạt động tại bến này phân trần: "Vì miếng cơm manh áo thôi, chở ít khách thì bọn tôi không đủ chi phí xăng dầu”. Đò của ông có trọng tải cho phép chở 45 người nhưng lúc nào cũng hơn 60 người cùng hàng chục xe gắn máy.

Phòng cảnh sát giao thông đường thủy thành phố Cần Thơ cho biết, chỉ trong hơn một tháng kể từ khi phà Cần Thơ ngưng hoạt động, lực lượng tuần tra đã phát hiện và xử lý 292 trường hợp vi phạm, tạm giữ 12 phương tiện chở khách trên sông Hậu. Tuy nhiên, số lượng này là quá ít so với thực tế.

Mới đây, Sở Giao thông vận tải Cần Thơ đề nghị UBND thành phố kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép phà trên sông Hậu Giang hoạt động trở lại. Ông Lê Tấn Học, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cần Thơ cho biết, tái lập phà Hậu Giang (còn gọi là phà Cần Thơ) là giải pháp tình thế trong mùa mưa bão, nhằm giúp bà con hai bên bờ sông Hậu qua lại dễ dàng hơn và ngăn chặn tình trạng bùng phát hoạt động đò ngang trái phép.

Trước đó, Công ty cổ phần bến xe tàu Cần Thơ có văn bản gửi UBND và Sở Giao thông vận tải Cần Thơ, xin đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác bến phà tại vị trí bến phà cũ, với tổng kinh phí xây dựng khoảng 40 tỷ đồng. Nếu được chấp thuận, công ty sẽ đưa vào khai thác loại phà từ 40 đến 60 tấn để vận chuyển hành khách và ôtô trọng tải dưới 3,5 tấn từ phía bờ Vĩnh Long sang Cần Thơ và ngược lại.

Một cựu cán bộ của Cụm phà Hậu Giang trước đây phân tích: Việc hoạt động của những chuyến phà không đơn giản, vì chỉ có khách bộ hành và phương tiện nhỏ lưu thông, trong khi các loại xe trọng tải lớn vẫn đi qua cầu Cần Thơ. Trước đây, trong thời gian chờ lệnh ngưng hoạt động, bến Cần Thơ phải bù lỗ hàng chục triệu đồng một ngày tiền nhiêu liệu chạy phà.

“Việc cho hoạt động lại phà làm mất đi nhiều ý nghĩa của cầu Cần Thơ, vốn đã mất nhiều công sức, tiền bạc và cả máu để xây dựng nên công trình mong ước nhiều năm. Việc khôi phục các chuyến phà là không cần thiết”, cán bộ này nói. Theo ông, việc cần làm là tuyên truyền ý thức của người dân tránh lưu thông bằng những chuyến đò không an toàn.

Sở Giao thông vận tải Cần Thơ dự kiến phối hợp với Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Long mở tuyến xe buýt từ phía bờ Vĩnh Long qua cầu Cần Thơ đến trung tâm thành phố Cần Thơ, phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân, nhất là sinh viên và công nhân viên chức.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất