| Hotline: 0983.970.780

Chè sạch lên ngôi: Bất ngờ chè Phú Cường

Thứ Ba 25/08/2015 , 07:35 (GMT+7)

Sản phẩm chè của Phú Cường bỗng chốc lên ngôi, làm thay đổi tư duy, biến đổi đời sống của những người dân một nắng hai sương, quen đi mót than thổ phỉ thuở nào./ Ấn tượng chè La Bằng

Xã Phú Cường nằm ở phía tây bắc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Nói đến Phú Cường, người ta nghĩ ngay về một miền quê nghèo khó, điêu linh. Ấy vậy mà sản phẩm chè của Phú Cường bỗng chốc lên ngôi, làm thay đổi tư duy, biến đổi đời sống của những người dân một nắng hai sương, quen đi mót than thổ phỉ thuở nào.

Đổi thay nhờ VietGAP

HTX chè Phú Cường Bắc (xã Phú Cường) được thành lập tháng 12/2013 với 42 xã viên thuộc 2 xóm Chiềng và Khuân Thông.

Tổng diện tích chè của HTX có 12 ha, chủ yếu là các giống chất lượng cao Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Long Vân. Chính vì cơ cấu giống hợp lý mà các hộ trong HTX đã tích cực tìm tòi sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm trà theo hướng đa dạng hóa sản phẩm.

Sản xuất chè ô long theo công nghệ Đài Loan là một trong những sản phẩm mới được các thành viên trong HTX chú trọng.

Chè hái khi trời nắng, sau đó hong héo từ 8 đến 10 giờ đồng hồ, cứ khoảng 2 giờ lại đảo một lần sau đó cho vào ốp, vò, làm ráo nhựa rồi để hồi ẩm từ 4 đến 6 giờ và công đoạn cuối cùng là cho vào máy sấy, sấy khoảng từ 3 đến 4 tiếng tùy vào việc điều chỉnh nhiệt độ của người chế biến chè.

Không chỉ đòi hỏi kỹ thuật trong khâu chế biến, để làm ra sản phẩm chè ô long, người trồng chè ở Phú Cường phải tuân thủ nghiêm ngặt các khâu trong quá trình chăm sóc.

Chè phải được bón bằng phân khoáng hữu cơ, phân chuồng ủ và dùng các loại thuốc từ chế phẩm sinh học, thảo mộc để phun cho chè với thời gian cách ly hợp lý. Sự cần cù chịu khó của người làm chè đã đưa chè ô long Phú Cường chiếm lĩnh thị trường và ổn định đầu ra.

Xuất phát từ thực tế canh tác sản xuất nói trên, năm 2013, Phòng NN-PTNT huyện Đại Từ chọn HTX chè Phú Cường để xây dựng mô hình sản xuất chè VietGAP.

Ông Hoàng Đình Chiến (Giám đốc HTX) cho biết, cán bộ về hướng dẫn cho người dân ghi chép sổ sách, nhật ký đồng ruộng. Ban đầu, mọi người còn nghi ngờ về tính khả thi, hiệu quả của mô hình nhưng càng làm càng thấy hay.

Đơn giản như trước đây bà con chỉ sử dụng phân bón hóa học thì nay đã chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ. Phân hóa học dễ làm, dễ sử dụng, tác dụng trông thấy. Phân hữu cơ thì phải ủ, nhà nào chăn nuôi được đã đành, những hộ không có gia súc, gia cầm thì lấy đâu ra nguồn phân?

Cán bộ lại hướng dẫn mua chế phẩm về ủ phân bà con mới tin, mới nghe để áp dụng. Qua sử dụng, 10 người như một đều khẳng định, phân hữu cơ cho năng suất, chất lượng chè cao hơn hẳn. Vậy là những hộ dân trong HTX đi thu mua phân hữu cơ ở các xã kế bên về để ủ.

Ngoài sử dụng phân hữu cơ, việc phun thuốc BVTV, sử dụng phân bón hóa học cũng được người làm chè thực hiện đúng các quy định của VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Kiểm (xóm Khuân Thông) cho biết, trước đây, bà con bón phân, phun thuốc cảm tính nhưng giờ phải có liều lượng rõ ràng, ví dụ bón phân phải theo công thức 2-1-1 hay 3-1-1 (2, hoặc 3 đạm, tương ứng 1 lân, 1 ka li), bón phân hay phun thuốc phải thực hiện cách ly đủ 15 ngày trước khi thu hoạch.

Người dân đã thay đổi tư duy, theo đó, làm chè an toàn phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt về cách trồng, chăm sóc và chế biến.

Ông Kiểm kể, khi thu hái không được để lâu chè sẽ bị ban, bị ôi; khi sao sấy không được để lẫn nước, tránh chè bị dập búp, việc bảo quản chè nguyên liệu cũng như chè thành phẩm phải đúng quy chuẩn...

Để thực hiện các yêu cầu đó, các xã viên đã họp, bàn bạc và thống nhất, các thành viên tự góp vốn đối ứng cùng với sự hỗ trợ của huyện, mua máy sao vò gang ga, máy đóng gói, máy hút chân không, máy ủ hương để sản xuất, bảo quản chè.

Nỗ lực và tự giác thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, tháng 11/2014, HTX chè Phú Cường Bắc đã được Trung tâm kiểm định chất lượng giống và hàng hóa vật tư nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên cấp chứng nhận sản xuất chè đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Khẳng định giá trị, vị thế

Bà Nguyễn Thị Hằng (xóm Khuân Thông, xã Phú Cường, một thành viên năng động, hăng hái của tổ sản xuất chè VietGAP) cho biết, sản phẩm chè của HTX được cấp chứng nhận VietGAP, đến gần Tết, các thành viên của tổ sản xuất đã bán hết sạch chè. Nhiều hộ dân trước đây còn hoài nghi về hiệu quả mô hình nay đồng loạt làm đơn đề nghị xin gia nhập tổ sản xuất.

Tuy vậy, để được tham gia thì lại phải thực hiện đầy đủ các quy trình, phải thẩm định kỹ càng về điều kiện sản xuất cũng như phương tiện sao sấy, bảo quản... và đặc biệt là kỹ thuật làm chè. Theo bà Hằng, giá bán bình quân trước đây của chè Phú Cường tại chợ chỉ khoảng 130-150 ngàn đồng/kg. Từ khi được cấp chứng nhận, giá chè VietGAP tăng lên đạt 250-300 ngàn đồng/kg.

Bà Hứa Thị Oanh (xã viên HTX chè Phú Cường) cho biết, làm chè VietGAP được mùa, được giá, lại không phải mang ra chợ bán như trước đây nữa. Bây giờ chỉ cần hái chè nguyên liệu về là Ban quản trị HTX sẽ thu mua để chế biến và tiêu thụ cho bà con.

Nhờ vậy, bà con càng hăng say sản xuất, tự giác thực hiện đúng quy trình mà không cần phải kiểm tra, giám sát. Bà con tập trung chuyên tâm vào làm chè có thu nhập tốt nên cũng đỡ khổ hơn so với cảnh lầm lụi đi mót than thổ phỉ trước đây, đã vi phạm pháp luật lại nguy hiểm đến bản thân.

Ông Nguyễn Kim Chinh, Chủ tịch UBND xã Phú Cường, cho hay, chè VietGAP đã thay đổi quan niệm trước đây của nhiều người về vùng chè Phú Cường. Có VietGAP, chẳng những uy tín, vị thế của sản phẩm chè Phú Cường nâng cao mà bản thân người làm chè ở địa phương thay đổi hẳn nhận thức.

Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đại Từ: UBND huyện hỗ trợ kinh phí tập huấn quy trình sản xuất chè an toàn, tạo điều kiện để các HTX, làng nghề đầu tư nâng cấp hạ tầng vùng chè và phát triển làng nghề chè. 

Hơn 3 năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo trồng mới, trồng thay thế trên 1.800 ha chè bằng các giống có năng suất, chất lượng cao như LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… nâng tổng diện tích chè giống mới của huyện lên trên 3.500ha/6.300ha, chiếm 56% tổng diện tích. 

Huyện cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn, các hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân trồng chè áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Tính đến nay, diện tích sản xuất chè an toàn được chứng nhận và công bố sản xuất theo quy trình VietGAP là 195,2 ha, tăng 186,2 ha so với năm 2011. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng công tác đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư xây dựng công trình hỗ trợ chăm sóc chè. T

ừ năm 2012 đến nay, các đơn vị, cơ quan chuyên môn của huyện đã tổ chức 135 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP, kỹ thuật bảo quản, chế biến nông sản cho trên 6.700 lượt người; tổ chức 12 lớp đào tạo nghề sản xuất chè cho 360 học viên trên địa bàn huyện.

 

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Phía sau mặt cỏ xanh của Sân vận động Thiên Trường

Thiên Trường, sân nhà CLB Bóng đá Thép Xanh Nam Định gần đây được đánh giá có chất lượng mặt cỏ top đầu V-League, vậy điều gì đã làm nên màu xanh tươi mới này?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm