| Hotline: 0983.970.780

Chè sạch Thái Nguyên, danh bất hư truyền

Thứ Năm 17/05/2012 , 10:35 (GMT+7)

Những đồi chè thẳng hàng, thẳng lối, búp tủa kín mặt tán. Một mùa bội thu lại về trên vùng đất “đệ nhất danh trà”.

Về xóm Gò Pháo, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên xem nông dân SX chè an toàn khi trời sớm tinh mơ, nhưng trên các bãi chè đã ríu ran tiếng người. Những đồi chè thẳng hàng, thẳng lối, búp tủa kín mặt tán. Một mùa bội thu lại về trên vùng đất “đệ nhất danh trà”.


Ông Mai Viết Ái cùng các thành viên CLB thu hái chè đặc sản

Thay đổi nếp làm

Đang mải nhìn ngắm những nương chè, tôi chợt giật mình khi có một bàn tay vỗ nhẹ lên vai. Ái - Mai Viết Ái, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) chè an toàn của xóm Gò Pháo. Anh vẫn thế, chân chất, mộc mạc và hồn nhiên với nụ cười hiếu khách. Lần đầu gặp vào tháng 6/2010, anh làm “tân Chủ nhiệm CLB chè an toàn Gò Pháo”. Lần gặp này, anh vẫn “ở cương vị Chủ nhiệm CLB”, nhưng đĩnh đạc, kinh nghiệm hơn.

Anh cho biết: Ngày đầu thành lập, CLB chè an toàn chỉ có 15 hộ tham gia SX 40.000 m2, trong đó 3.000 m2 chè cành, còn lại là chè trung du. Đến nay, sau gần 2 năm CLB đi vào hoạt động, số thành viên đã phát triển lên 27 hộ, trong đó hộ ông Đặng Văn Hoà, Chi hội trưởng Chi hội nông dân xóm Nhà Thờ và hộ ông Đỗ Đức Minh, Chi hội trưởng Chi hội nông dân xóm Nam Đồng. Tham gia CLB, người trồng chè có điều kiện gần gũi, trao đổi với nhau về kinh nghiệm SX, chế biến chè an toàn, đặc biệt là khâu bao tiêu sản phẩm.

Ông Lương Văn Hoà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Cương tâm sự: Do trước đây thiếu cán bộ khoa học, thiếu người hướng dẫn nên nông dân khắc nghĩ, khắc làm mà không có cơ quan kiểm định chất lượng nào quan tâm tới sản phẩm chè của họ. Đây là lí do vì sao chè Gò Pháo chưa đạt được chất lượng, cũng như giá trị đích thực.

Do vậy, việc thành lập CLB chè an toàn ở xóm Gò Pháo là việc làm hết sức cần thiết, nhằm trang bị cho người trồng chè những kiến thức cơ bản đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Trong 5 tháng đầu mới thành lập CLB (từ tháng 6 đến tháng 10/2010), mỗi tháng có 6 buổi cán bộ khuyến nông thành phố về hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến chè an toàn.

Các buổi tập huấn, hướng dẫn được làm trực tiếp tại nhà của thành viên CLB, hoặc thực hành trên cây chè ngoài thực địa, vì thế nông dân dễ tiếp thu bài giảng và thực hành có hiệu quả ngay trên vườn chè của gia đình. Cách làm này đã tạo được một nếp làm, nếp nghĩ đối với người trồng chè ở Gò Pháo, giúp người trồng chè thay đổi được tư duy trong SX, đó là cách hợp tác SX để hướng tới một thị trường lớn hơn.

Nâng cao kiến thức

Ông Nguyễn Đức Cường, hộ có hơn 5.000 m2 chè cho biết thêm, tham gia CLB, người trồng chè được nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật về SX, chế biến chè an toàn, cách quảng bá thương hiệu sản phẩm. Đơn giản như việc cân đối giữa các loại phân bón lân, ka li, đạm… để bón cho cây chè phát triển phù hợp với từng giai đoạn.

"Trước đây người trồng chè chúng tôi SX, chế biến theo kinh nghiệm, cứ áng chừng thấy cây chè có “triệu chứng” lá xấu, búp gầy, nhiều lá loăn xoăn thì sử dụng phân bón, hoặc thuốc trừ sâu, rất lãng phí vì mình chưa có ai dạy cho cách làm", ông Cường tâm sự.

Còn ông Nguyễn Văn Tuấn, một trong những thành viên CLB trồng hơn 5.000 m2 chè, cho biết: "Tham gia CLB, chúng tôi được hướng dẫn cách tận dụng rơm, rác, lá cây độn với phân chuồng và sử dụng chế phẩm IM phun xử lý. Cách làm này tiết kiệm được 30.000 đồng/sào/lứa hái, trong khi đó cây chè vẫn cho năng suất ổn định, thậm chí gặp thời tiết thuận lợi, có lứa chè còn cho năng suất cao hơn".

Với tổng diện tích gần 100.000 m2 chè của toàn CLB (tương đương với 277 sào), theo cách bón phân cân đối và tận dụng phân chuồng, rác, cây xanh… mỗi lứa chè các thành viên tiết kiệm được 8,3 triệu đồng tiền phân bón, trung bình 6 lứa thu hoạch/năm, tiết kiệm được gần 50 triệu đồng.
Tham gia CLB, các thành viên có điều kiện trao đổi kinh nghiệm SX, chế biến và tìm đối tác để giao bán sản phẩm. Vào vụ, các thành viên có điều kiện tham gia thu hái đổi công, cùng nhau bảo quản chè sau thu hái và chế biến bảo đảm chất lượng. Đặc biệt khi CLB này được thành lập, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ cho một số thành viên khó khăn về máy móc chế biến, phân bón, với tổng số 9 máy tôn quay, 11 máy vò chè và hơn 10 tấn phân bón các loại. Nhờ vậy, CLB như được tiếp thêm sức cho SX chè an toàn.

Trong khu nhà bảo quản chè rộng hơn 200 m2 của gia đình anh Ái, tôi thấy những búp chè xanh được tãi mỏng, đều trên tấm bạt lớn. Trong quá trình chế biến, chè được cho ra nong, kê trên giàn, sạch sẽ… Nhấp chén trà, anh Ái thở phào, bảo với tôi: Nhờ làm chè theo kỹ thuật an toàn, cây chè được chăm bón đúng kỹ thuật, đồng thời sử dụng thuốc thảo mộc sinh học phun phòng, trù sâu bệnh hại, nên tuổi thọ của cây dài hơn, chè làm ra có chất lượng hơn, giá bán cũng cao hơn, được 200.000 đồng/kg, cao hơn so với trước đó 50.000 đồng/kg.

Trong CLB đã có một số hộ tự đầu tư vốn mua máy đóng gói, bảo quản sản phẩm chè khi xuất bán ra thị trường, nhất là với các khách hàng ở Hà Nội, Huế và TP HCM, vì thế quá trình vận chuyển chè không bị ẩm mốc, hương vị được giữ nguyên.

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất