| Hotline: 0983.970.780

Chè sạch trên đất Thủ đô

Thứ Sáu 30/11/2012 , 09:41 (GMT+7)

Trong năm 2012, Trung tâm Phát triển cây trồng (PTCT) Hà Nội đã tiến hành xây dựng thí điểm mô hình SX và tiêu thụ chè an toàn tại các xã Thuần Mỹ, Yên Bài (Ba Vì) và Bắc Sơn (Sóc Sơn).

Người dân sử dụng máy đốn chè hiện đại của Nhật Bản

Trong năm 2012, Trung tâm Phát triển cây trồng (PTCT) Hà Nội đã tiến hành xây dựng thí điểm mô hình SX và tiêu thụ chè an toàn tại các xã Thuần Mỹ, Yên Bài (Ba Vì) và Bắc Sơn (Sóc Sơn). Hiện nay, mô hình này mở rộng đạt 155 ha với 322 hộ tham gia, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng chè.

Nhắc tới cây chè ở nước ta, mọi người sẽ nghĩ ngay đến các địa phương gắn liền với những loại chè hảo hạng như Tân Cương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La), Bảo Lộc (Lâm Đồng). Với sự đa dạng, phong phú về chủng loại, chè Việt Nam đang dần khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường quốc tế.

Tại Thủ đô Hà Nội, lâu nay đã có nhiều vùng chè truyền thống năng suất, chất lượng cao, tập trung chủ yếu ở các huyện như Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất… Ngoài dòng chè truyền thống PH1, vài năm trở lại đây, nhiều giống chè mới cũng đã du nhập về như LDP1, LDP2, PH9, Shan, Phúc Vân Tinh hay Kim Tuyên… Đây là những giống chè năng suất cao, chất lượng tốt, đang rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, diện tích chè mới này còn khá hạn chế, chỉ đạt từ 1 - 2% tổng diện tích đất trồng chè của Thủ đô.

Trên thực tế, SX chè của Hà Nội còn rất manh mún, tự phát, chưa hình thành được các vùng SX tập trung với quy mô lớn. Bên cạnh đó, người trồng chè cũng chưa xác định được đâu mới là giống chè mang tính chiến lược. Như ở xã Yên Bài, diện tích đất chè được xé lẻ theo số hộ gia đình. Diện tích nhỏ lại bị trồng nhiều cây tạp xen kẽ khiến cây chè không thể phát triển và sinh trưởng tốt. Công đoạn chế biến, bảo quản chè sau khi thu hoạch chủ yếu diễn ra ngay tại các hộ gia đình với máy móc, kĩ thuật thô sơ khiến cho chất lượng đầu ra của chè thành phẩm không đảm bảo. Chính vì vậy, công tác hỗ trợ phát triển các mô hình SX, chế biến và tiêu thụ chè an toàn tại Hà Nội là một việc làm hết sức đúng đắn. Đây là một trong những giải pháp tốt nhằm nâng cao thu nhập của người trồng chè, từ đó nhân rộng và gây dựng một thương hiệu chè sạch riêng của mảnh đất Thủ đô.

Ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc Trung tâm PTCT Hà Nội, cho biết, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các phòng kinh tế 2 huyện Ba Vì và Sóc Sơn tiến hành rà soát chọn địa điểm để triển khai mô hình, tiến hành điều tra tình hình SX, tiêu thụ chè tại từng địa phương. Trung tâm đã phối hợp với một số Cty tiêu thụ chè, các HTX tổ chức được 6 lớp tập huấn cho 480 cán bộ, xã viên về công tác quản lí, quy trình kĩ thuật thâm canh chè an toàn, thâm canh chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh những giống chè truyền thống, Trung tâm giới thiệu và phổ biến kĩ thuật chăm sóc nhiều giống chè mới có năng suất, chất lượng tốt. Ngoài ra, việc áp dụng kĩ thuật cơ giới hóa vào SX, chế biến, bảo quản và tiêu thụ chè cũng được đưa vào các buổi tập huấn. Riêng tại xã Yên Bài, mô hình trồng chè theo phương thức mới này đã thu hút được 112 hộ xã viên tham gia. Anh Nguyễn Hoàng Vững cho biết, nhà anh đã tham gia trồng 6.200 m2 chè theo công nghệ SX chè sạch. Toàn bộ giống cây chè mà anh đang chăm sóc thuộc giống PH1. “Khi tham gia vào mô hình này, chúng tôi được Trung tâm hỗ trợ 100% giống, 30% thuốc BVTV lại được tập huấn kĩ thuật chăm sóc khá kĩ nên mọi người rất yên tâm”, anh Vững chia sẻ.

Ngoài các buổi tập huấn, các hộ xã viên được đi tham quan thực tế tại đất chè nổi tiếng như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ…

Trong khối mô hình của Trung tâm PTCT Hà Nội xây dựng lại được chia nhỏ thành các mô hình nhỏ gồm: Mô hình trồng chè mới; mô hình thâm canh chè an toàn; mô hình thâm canh chè VietGAP; mô hình cơ giới hóa.

Tổng kết năm 2012, mô hình trồng chè mới đã khoanh vùng được 25 ha: Tại thôn Phú Yên của xã Yên Bài là 10 ha; xóm 7 xã Thuần Mỹ cũng 10ha; hai thôn Đô Lương và Phúc Xuân của xã Bắc Sơn đạt 5 ha. Diện tích giống chè mới chủ yếu là LDP1, LDP2 và Phúc Vân Tiên. Đây là những giống chè có hiệu quả kinh tế cao, tỉ lệ sống luôn đạt trên 96%. Với mô hình thâm canh chè an toàn, diện tích thực hiện năm 2012 là 90 ha, tập trung trên cả ba xã Yên Bài, Thuần Mỹ và Bắc Sơn. Việc thâm canh chè an toàn giúp cho năng suất và chất lượng cây chè tăng lên, đồng thời giảm được chi phí SX. Nhưng yếu tố quyết định của mô hình này đó là giảm được số lần sử dụng thuốc BVTV từ 2 - 3 lần/ năm, đảm bảo an toàn chất lượng cho chè thành phẩm.

Chúng tôi đến thăm nhà anh Trần Văn Dũng (HTX Yên Bài) đúng lúc anh đang tiến hành công đoạn đốn chè trên đồi. Anh Dũng hồ hởi cho biết, từ khi áp dụng mô hình cơ giới hóa vào trồng chè, gia đình anh đã tiết kiệm được một khoản kha khá trong việc hái, đốn hay phun thuốc cho cây chè. Một chiếc máy đốn chè xuất xứ từ Nhật Bản có giá khoảng 17 triệu đồng có thể thay thế sức lao động của hàng chục người. Việc đốn chè bằng máy còn giúp cho công đoạn diệt sâu bọ dễ dàng hơn, không gây ảnh hưởng tới cây chè mà còn giúp chúng nâng cao được độ phục hồi. Hiện anh Dũng đang áp dụng mô hình thâm canh chè VietGAP cho 6.500 m2 chè PH1 của gia đình. Tại Yên Bài, còn rất nhiều hộ gia đình đã tham gia mô hình của Trung tâm PTCT Hà Nội đem lại hiệu quả kinh tế cao như hộ anh Nguyễn Văn Hải (5.000 m2 chè an toàn), anh Phan Văn Minh và Phan Văn Hòa (12.000 m2 chè VietGAP).

Trong vòng một năm qua, tổng diện tích chè được trồng theo các mô hình mới đạt 155 ha, thu hút được 322 hộ tham gia. So với tập quán SX chè địa phương, hiệu quả kinh tế mà các mô hình mới đem lại thực sự là một bước ngoặt đối với người trồng chè ở Hà Nội. Cụ thể: Mô hình trồng chè an toàn tạo ra chênh lệch lợi nhuận là 14,4 triệu đồng/ha; mô hình trồng chè VietGAP chênh lệch xấp xỉ 13 triệu đồng/ha; mô hình cơ giới hóa giúp người trồng chè tiết kiệm đến gần 40 triệu đồng/ha.

Với những gì đã làm được trong năm 2012, ông Nguyễn Bá Sướng khẳng định, năm tới sẽ tiếp tục mở rộng các mô hình, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu chè sạch, an toàn Hà Nội định hướng đến năm 2016.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.