| Hotline: 0983.970.780

Chế tác đá cảnh Suối Giàng

Thứ Sáu 01/10/2010 , 10:01 (GMT+7)

Khoảng 4 năm nay, một làng nghề chế tác đá cảnh đang hình thành quanh xã Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái).

Khoảng 4 năm nay một làng nghề chế tác đá cảnh đang hình thành quanh xã Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) và một số cơ sở chế tác nhỏ lẻ bám dọc đường Yên Bái - Nghĩa Lộ.

Theo Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam: Khu vực khoáng sản đá vôi mỹ nghệ Suối Giàng, có hai loại đá vôi hoa hoá, có cấu tạo vân dải, màu sắc sặc sỡ phân bố trên diện tích 15km2, qui mô lớn, chất lượng tốt. Đá có đủ loại màu sắc thiên nhiên, biến chất thành các màu: Lục xanh, ánh ngọc, vàng lục…

Sự phối màu của tự nhiên càng khiến cho đá có màu sắc rực rỡ, tạo cho vân đá như mây vờn, rồng lượn. Mỗi viên đá có màu sắc khác nhau, vân màu khác nhau, tuỳ theo trí tưởng tượng của mỗi người mà đá không còn là đá, trở thành một thực thể sống có cuộc đời riêng. Một số người chơi đá cảnh trong Nam, ngoài Bắc đã lần mò lên tận Yên Bái để tìm những viên đá ưa thích.

Hiện Bộ TN- MT và tỉnh Yên Bái chưa cấp phép cho bất cứ một DN nào khai thác, chế biến. Việc khai thác lén lút của người dân vẫn diễn ra, khi rầm rộ, khi âm thầm. Một làng nghề chế tác đá cảnh Suối Giàng đã hình thành do nhu cầu của những người chơi đá cảnh. Theo quan sát của PV NNVN thì số hộ tham gia chế tác đá xã Sơn Thịnh và quanh khu vực xã Suối Giàng có khoảng gần hai chục nhà.

Những hộ này thu mua đá của những người khai thác nhỏ lẻ về chế tác ra những bộ bàn ghế đá, sập đá, hòn non bộ… vẫn ở dạng thô sơ, chưa có sản phẩm cao cấp. Làng nghề chế tác đá ở đây chưa phát triển được, do nguyên liệu đá cảnh đều phải mua từ những người khai thác đá tự do, điều này là phi pháp. Vì thế, nhiều hộ muốn đầu tư máy móc, mở rộng cơ sở chế biến, thuê chuyên gia và lao động có tay nghề cao đều không thể thực hiện được.

Đá cảnh Suối Giàng là loại đá vôi sợi dài, độ mịn cao, phiến lớn lẫn ít tạp chất, nếu được khai thác công nghiệp sẽ có nhiều sản phẩm có giá trị cho kiến trúc, xây dựng, thoả mãn nhu cầu sử dụng và thẩm mỹ của những người đam mê đá cảnh. Nhiều viên đá có giá từ vài chục triệu đến cả tỷ đồng, tuỳ theo kích thước, vân đá và màu sắc. Anh Lê Quang Tùng, quản đốc Xí nghiệp chế biến chè Suối Giàng được mọi người đặt cho biệt danh “Kỳ nhân mê gỗ, đá”. Trong nhà anh tại xã Suối Giàng có hàng trăm viên đá, mỗi viên đều có hình thù riêng, lóng lánh vân màu mà ở đó đều thoả sức cho trí tưởng tượng của mỗi người.

Một dạo, những người chơi đá cảnh nổi tiếng ở Hà Nội, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh… đổ xô lên Suối Giàng tìm kiếm mua bán đá cảnh. Họ thuê người địa phương lên núi đào bới, tìm kiếm đá cảnh, có ngày 200-250 người. Điều bất ngờ cơn sốt đá cảnh lại bắt nguồn từ thú chơi đá cảnh của Tùng. Anh kể: Người dân Văn Thi ở thị trấn Sơn Thịnh vốn chỉ chơi đá cảnh theo kiểu xếp đá hình non bộ, khi lên Suối Giàng thấy những phiến đá cảnh của em có vân tựa những bức tranh thuỷ mạc với rất nhiều hình dáng, màu sắc đã khiến họ mê.

Thế là tạo ra một cơn sốt đá cảnh, những phiến đá to bằng nửa gian nhà được dân cửu vạn dùng búa, chòng đục thủ công tách ra thành những phiến mỏng vận chuyển xuống Sơn Thịnh, TX. Nghĩa Lộ chế tác thành bàn uống nước, những bộ sập đá với rất nhiều hoa văn như rồng bay, phượng múa.

Trao đổi với một số chủ cơ sở chế tác đá cảnh Suối Giàng, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: Đá cảnh Suối Giàng lộ thiên, có hàng vạn khối, nhưng do cấm khai thác, nên các chủ cơ sở chế tác đều phải mua chui lủi, nếu bị cán bộ quản lý thị trường hỏi thăm thì hết vốn. Vì thế, nghề chế tác đá cảnh Suối Giàng ở đây khó mà phát triển thành một làng nghề qui mô, thu hút nhiều lao động và vốn lớn được. Do vậy, làng nghề chế tác đá cảnh Suối Giàng chưa thể cất cánh vươn xa…
Vợ chồng Lê Quang Tùng đều mê đá, mê đến nỗi kiếm được đồng nào đều bỏ ra mua đá về ngắm. Anh bảo: Vợ chồng em muốn xây dựng một bảo tàng đá cảnh Suối Giàng, thấy người ta mua đá ở đây rồi khuân đi mất nhìn mà tiếc. Những viên đá đẹp là sự kết tinh của trời đất cả triệu triệu năm, bán đi tiếc lắm...

Đá cảnh Suối Giàng đã có mặt ở khắp các thành phố lớn trong nước, nhiều người chơi đá cảnh đều đặt chân lên Suối Giàng. Tại cửa hàng đá quí thị trấn Yên Thế (Lục Yên) có chiếc sập chế tác từ đá cảnh Suối Giàng, có người đã trả 350 triệu đồng nhưng chủ nhân chưa bán. Một “sếp” lớn ở Yên Bái hiện đang sở hữu một bộ sập đá màu ngọc bích, lời đồn chiếc sập đá đó trị giá cả tỷ bạc.

Xem thêm
Sản xuất tôm giống nước lợ đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi

NINH THUẬN Năm 2023, cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, sản lượng đạt 153 tỷ con, đáp ứng đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.