| Hotline: 0983.970.780

Chênh lệch giàu, nghèo đã thu hẹp dần

Thứ Năm 19/07/2018 , 08:44 (GMT+7)

Sau 10 năm BCH Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết 26-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã áp dụng Nghị quyết một cách có hiệu quả vào thực tiễn địa phương, tạo những bước chuyển mạnh mẽ trên các lĩnh vực SX, đời sống, góp phần nâng cao thu nhập nông dân, xây dựng thành công nông thôn mới (NTM).

Báo NNVN có cuộc trao đổi với ông Lê Trường Lưu, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế xung quanh vấn đề này.

09-43-04_luu_1
Ông Lê Trường Lưu


Nhìn lại để đi tiếp

Nhìn lại thực tế bức tranh tam nông Thừa Thiên- Huế trước khi có Nghị quyết 26, ông thấy nổi lên những vấn đề gì?

Trước năm 2008, bức tranh “tam nông” của tỉnh có những điểm sáng, nhưng chưa nhiều. Cơ cấu nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành thủy sản, giảm tỷ trọng nông nghiệp; giá trị kim ngạch XK toàn ngành đạt trên 35 triệu USD.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư; tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình kiên cố hóa kênh mương, nhựa hóa tỉnh lộ, bê tông hóa giao thông, chương trình nước sạch nông thôn. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng được hệ thống cầu vượt phá Tam Giang, chấm dứt sự chia cắt giữa đồng bằng và ven biển.

Tuy vậy, nhìn tổng thể thì bức tranh "tam nông" Thừa Thiên Huế trước đây vẫn còn nhiều yếu kém. Nông nghiệp phổ biến vẫn SX nhỏ, chưa bền vững; sức cạnh tranh thấp, không có sản phẩm chủ lực. Công nghiệp và dịch vụ nông thôn phát triển chậm, chưa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn.

Nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, ngành nghề SX và các vùng SX lớn còn ít, chậm hình thành, kết cấu hạ tầng chưa tương xứng, môi trường bị ô nhiễm. Đời sống của một bộ phận nông dân thấp kém; tỷ lệ hộ nghèo 18%, chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị khá lớn; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trên 19%; nhiều vấn đề bức xúc phát sinh ở nông thôn chậm được khắc phục.
 

4 điểm sáng nổi bật

Sau khi có Nghị quyết 26, Thừa Thiên- Huế đã có những đột phá gì trong một thập kỷ qua?

Một là, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ theo hướng ưu tiên phát triển SX, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, bảo đảm an sinh xã hội gắn với phòng, tránh thiên tai.

Trong đó, tỉnh đầu tư hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi gồm hồ chứa nước Tả Trạch; công trình thuỷ lợi Tây Nam Hương Trà; hồ chứa nước Thuỷ Yên, Thuỷ Cam. Hệ thống tưới tiêu cho vùng cát các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang. Nâng cấp các hồ chứa nhỏ, xây dựng các trạm bơm công suất lớn, kiên cố hóa 410 km kênh mương. Đến nay, diện tích đất nông nghiệp tưới chủ động đạt trên 95%; diện tích tiêu đạt 41%.

Nhiều công trình giao thông nông thôn được kiên cố hóa, hoàn thành một số tuyến giao thông quan trọng. Đó là xây mới cầu Tam Giang; tuyến đường Phong Điền - Điền Lộc, Thủy Phù - Vinh Thanh; nâng cấp tỉnh lộ 4, tỉnh lộ 10 C, D. Đã xây mới, mở rộng hơn 1.200 km đường nông thôn. Các tuyến đường trục xã, liên xã được trải nhựa hoặc bê tông hóa, hiện đã có 100% xã đường ô tô đến thẳng trung tâm.

Cơ sở vật chất trường học được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học, tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng đào tạo. 100% số xã có trạm y tế. 105/105 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng nông thôn tốt hơn.

Hai là, đời sống vật chất và tinh thần nâng lên rõ rệt. Các phương tiện nghe, nhìn, xe máy và tỷ lệ sử dụng internet ở nông thôn tăng cao. Chênh lệch giàu, nghèo; chênh lệch đời sống giữa thành thị và nông thôn thu hẹp đáng kể.

Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt trên 25 triệu đồng/năm. Không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 8,7%. Tỷ lệ dân số nông thôn dùng nước sạch trên 80%, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 57%; trên 80% rác thải được thu gom xử lý; tỷ lệ sử dụng điện đạt 99,98%.

Ba là, đã xuất hiện nhiều mô hình làm giàu, gắn kết SX với chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, liên kết SX nông nghiệp hữu cơ giữa các DN với nông dân để trồng lúa, rau quả hữu cơ, chăn nuôi heo, gia cầm, nuôi tôm thẻ chân trắng đã giúp nâng cao giá trị SX nông nghiệp, ổn định SX, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình và HTX nông nghiệp.

09-43-04_luu_2
Phát triển rau công nghệ cao ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang

Đồng thời, liên kết với các DN giúp dần hình thành các mô hình ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP với 1.200 ha lúa, 88 ha rau các loại, 12 ha bưởi thanh trà...

Bốn là, hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, kiện toàn. Đội ngũ cán bộ xã, thôn trưởng thành về nhiều mặt. Tập trung chỉ đạo quyết liệt Chương trình MTQG xây dựng NTM, huy động tối đa nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Hiện toàn tỉnh có 31 xã đạt chuẩn NTM. An ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; không có khiếu kiện đông người; không có các tụ điểm ma túy, cờ bạc và tệ nạn xã hội khác.
 

Nông dân là trung tâm phát triển

Nhìn lại, tỉnh đã rút ra được bài học kinh nghiệm gì trong quá trình thực hiện Nghị quyết 26, thưa ông?

Nghị quyết 26 đã được cụ thể hóa bằng Chương trình MTQG gia xây dựng NTM. Vì vậy, trong quá trình triển khai, tỉnh luôn gắn việc thực hiện Nghị quyết “Tam nông” với xây dựng NTM, đó là:

Chăm lo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; phát huy mạnh mẽ vai trò các đoàn thể. Chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm người dân về phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng NTM; khai thác tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả tài nguyên (đất đai, rừng, biển, đầm phá) gắn với giữ vững cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp.

Quá trình triển khai, phải xem nông dân là chủ thể, là trung tâm của sự phát triển để phát huy tính cần cù, sáng tạo của họ; nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện; khắc phục tâm lý tự ti, ỷ lại, không dám vươn lên làm giàu.

Tăng cường ứng dụng KHKT vào SX nông nghiệp; đặc biệt, chú trọng hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học, các chương trình khuyến nông, khuyến ngư để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị trên đơn vị diện tích.

Đẩy mạnh liên kết “5 nhà”, nhất là đội ngũ các nhà khoa học ở Đại học Huế và các DN để thúc đẩy liên kết SX, chế biến gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Chú trọng đào tạo nghề cho nông dân; nâng cao chất lượng cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn; nâng cao dân trí, chăm lo sức khỏe cho nông dân..
 

Tăng trưởng xanh và bền vững

Vậy theo ông, mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh thời gian đây là gì?

Với tiềm năng và lợi thế riêng về đa dạng sinh học và văn hóa, Thừa Thiên- Huế luôn kiên trì mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững, trọng tâm là:

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo mô hình “Đô thị trung tâm và chùm đô thị vệ tinh” để giảm áp lực về giao thông; về ô nhiễm môi trường sống, đất ở đô thị và các hệ lụy về xã hội khác. Kết nối giữa các đô thị là hệ thống giao thông, cảnh quan thiên nhiên và cây xanh, nông nghiệp công nghệ cao.

09-43-04_luu_3
Khai thác thủy hải sản là thế mạnh của nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên- Huế

Phát huy lợi thế TP Huế là vùng đất có 5 di sản; có nhiều loại hình nghệ thuật, lễ hội truyền thống và nhiều làng nghề, nhiều di tích lịch sử, cách mạng; kết hợp hài hoà cảnh quan thiên nhiên; môi trường sống trong lành, an toàn và thân thiện để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn.

Ưu tiên phát triển công nghiệp theo hướng thân thiện môi trường, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao.

Trân trọng xin cảm ơn ông!

“Đầu tư, phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM. Phát huy lợi thế bờ biển dài 128 km và 22 nghìn ha đầm phá để nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản; phát triển du lịch nhằm từng bước nâng cao thu nhập cũng như chất lượng cuộc sống người dân ven biển, vùng đầm phá. Phát triển kinh tế gò đồi; quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo vệ rừng, từng bước xây dựng đời sống khá giả, đồng đều giữa các vùng trong tỉnh”, ông Lê Trường Lưu- Bí thư tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.