| Hotline: 0983.970.780

Chết vì Tổ quốc chết vinh quang

Thứ Hai 10/02/2014 , 10:07 (GMT+7)

Nhà thơ cộng sản Pháp Louis Aragon đã viết: Yên Bái / Đây là điều nhắc nhở chúng ta rằng / Không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm cong của đao phủ...

Cách nay 84 năm, đêm 9 rạng ngày 10/2/1930, Cuộc khởi nghĩa Yên Bái nổ ra dưới sự chỉ huy của những đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ) chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp.

Cuộc khởi nghĩa thất bại đã bị dìm trong biển máu, hàng trăm đảng viên VNQDĐ và những người yêu nước bị bắt bớ, tù đày và bị giết. Nhưng bè lũ thực dân không thể tiêu diệt được lòng yêu nước của người Việt Nam. Nhà thơ cộng sản Pháp Louis Aragon đã viết: Yên Bái / Đây là điều nhắc nhở chúng ta rằng / Không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm cong của đao phủ...

I. Lãnh tụ VNQDĐ Nguyễn Thái Học sinh ngày 1/12/1902 tại Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là người yêu nước ngay từ khi còn ngồi trên ghế của nhà trường thực dân, ông đã gửi thư cho Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne là đảng viên Đảng Xã hội Pháp, kêu gọi tiến hành cải cách xã hội ở Việt Nam. Vị Toàn quyền Đông Dương ấy không thèm quan tâm tới những điều mà Nguyễn Thái Học đề nghị.


Khu tưởng niệm cuộc Khởi nghĩa Yên Bái

Ngày 25/12/1927, Nguyễn Thái Học và các đồng sự tổ chức thành lập VNQDĐ, ông được bầu làm Chủ tịch đảng. Theo chương trình hành động mà VNQDĐ vạch ra phải trải qua ba thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất là thời phôi thai: Tập trung tổ chức chi bộ, phát triển đảng viên, xây dựng các cơ sở đảng. Thời kỳ thứ hai: Tổ chức các hội quần chúng xung quanh đảng, thành lập các cơ quan tuyên truyền bán công khai, cử người ra nước ngoài học về quân sự để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa và xây dựng lực lượng vũ trang sau khi giành được chính quyền. Thời kỳ thứ ba: Công khai hoạt động, tổ chức khởi nghĩa, phối hợp với những đảng viên trong quân đội Pháp nổi dậy đánh chiếm các đồn bốt tiến tới giải phóng dân tộc, “khôi phục giang sơn”...

Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Thái Học, VNQDĐ phát triển nhanh chóng, chỉ trong vòng 2 năm, tới cuối năm 1929 VNQDĐ đã tổ chức được 120 chi bộ tại Bắc kỳ với khoảng 1.500 đảng viên đủ các tầng lớp trong xã hội: Giáo viên, nông dân, binh sĩ, công chức... mục đích là dùng bạo động lật đổ chính quyền thực dân Pháp, thành lập một chế độ cộng hòa dân chủ độc lập ở Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương.

Sau vụ ám sát trùm mộ phu đồn điền Bazin ngày 9/2/1929, thực dân Pháp tăng cường đàn áp, nhiều đảng viên VNQDĐ bị bắt bớ, giết hại. Trước nguy cơ VNQDĐ bị tan vỡ, ngày 1/7/1929 VNQDĐ tổ chức Hội nghị Lạc Đạo, chủ trương khởi nghĩa vũ trang đã được Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu quyết định với phương châm “không thành công cũng thành nhân”.

Theo sự phân công, Nguyễn Thái Học chịu trách nhiệm chỉ huy những cuộc khởi nghĩa các tỉnh miền xuôi: Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Phả Lại... Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy những cuộc khởi nghĩa ở các tỉnh miền núi: Yên Bái, Phú Thọ... Phó Đức Chính chỉ huy đánh đồn Thông, một căn cứ quân sự lớn của Pháp đóng ở Sơn Tây.

Chiều 9/2/1930, quân khởi nghĩa đã tập trung ở Yên Bái, họ cải trang thành những thương nhân, người đi trẩy hội đền Tuần Quán, vũ khí được giấu dưới các thúng bánh. Do đang là ngày Tết, binh sĩ trong các đồn được ra ngoài, nên việc chắp nối thông tin giữa bên ngoài và bên trong khá thuận lợi. Tối 9/2 một hội nghị quân sự được tổ chức bí mật tại đồi Sơn bên cạnh tỉnh lỵ Yên Bái, có khoảng 40 người tham gia, bao gồm cả binh lính và thường dân.

Đúng 1 giờ sáng ngày 10/2/1930, Cuộc khởi nghĩa Yên Bái bùng nổ, nghĩa quân chia làm 3 toán: Toán thứ nhất phối hợp với số binh lính khổ đỏ đánh chiếm đồn Dưới, nơi đóng quân của hai cơ thứ 5, thứ 6, giết hết chỉ huy tại nhà riêng và chiếm kho vũ khí. Toán thứ hai đánh đồn Cao, nơi đóng quân của cơ thứ 7 và thứ 8, giết chỉ huy và cướp trại. Toán thứ ba đánh vào nhà bọn sĩ quan chỉ huy nằm giữa hai trại lính.

Việc tiêu diệt bọn sĩ quan Pháp tại nhà riêng diễn ra khá nhanh gọn, nghĩa quân mang súng lục, dao găm và bom tự chế đến gõ cửa từng nhà nói có mật lệnh của trung tá Tacon rồi bất ngờ hạ sát tại chỗ. Các sĩ quan, quan ba Jourdan, quan một Robert bị tiêu diệt ngay, quan ba Gainza, quan hai Reul bị thương nặng. Sĩ quan ở đồn Dưới tên quản Damour, Bouhier bị giết ngay, trên đồn Cao nghĩa quân giết chết tên quản Cunéo, bóp cổ chết tên đội Sevalier. Trung tá tư lệnh Tacon khi nghe tiếng súng nổ đã chạy xuống hầm trú ẩn, vì vậy đã thoát chết.

Sau khi chiếm được đồn Dưới, một đại biểu của VNQDĐ đọc bài hịch khởi nghĩa rồi hô vang các khẩu hiệu: “Đuổi giặc Pháp về nước Pháp”, “Đem nước Nam trả người Nam”... Nghĩa quân chia nhau đi chiếm nhà ga và một số cơ quan cắm cờ khởi nghĩa, hô hào dân chúng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa.

Toán quân đánh đồn Cao mới chỉ chiếm được trại cơ thứ 7, đa số binh lính trại cơ thứ 7 không hưởng ứng khởi nghĩa chạy sang trại cơ thứ 8 cùng với số lính ở trại số 5, số 6 chạy lên chống lại sự phản công của nghĩa quân nổi dậy dưới sự chỉ huy của Tacon.

Với lực lượng ít ỏi, nghĩa quân nhiều lần tấn công lên đồn Cao nhưng đều bị đánh bật trở lại. Khi nghe tin Tacon còn sống, đồn Cao không bị hạ trại lính khố xanh không tham gia vào lực lượng khởi nghĩa, nghĩa quân khởi nghĩa trở nên cô lập. Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Trần Văn Liên, Nguyễn Văn Khôi đều lần lượt rút lui, hoặc bỏ trốn, số binh sĩ không biết làm gì, bắn súng lung tung lên đồn Cao, tình trạng vô tổ chức rất hỗn loạn. Sau khi tập hợp lực lượng Tacon tổ chức ba mũi phản công, chỉ trong 15 phút quân của Tacon đã chiếm lại được đồn Dưới bắt những người lính khởi nghĩa nhốt lại. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái hoàn toàn thất bại.


Bà Nguyễn Thị Thúc, con gái của nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu thắp hương bên khu mộ Nguyễn Thái Học

Ngày 15/2/1930, Nguyễn Thái Học tổ chức khởi nghĩa ở Vĩnh Bảo, Phụ Dực, nghĩa quân đã đánh chiếm được huyện lỵ Vĩnh Bảo, giết chết tên tri huyện Hoàng Gia Mô. Nhưng với sự phản công quyết liệt của quân Pháp với đầy đủ vũ khí quân khởi nghĩa nhanh chóng bị tiêu diệt, khởi nghĩa thất bại. Nguyễn Thái Học và một số đảng viên VNQDĐ trốn thoát. Cùng với những đảng viên tiêu biểu còn lại, Nguyễn Thái Học dự định cải tổ lại đảng và thay đổi phương hướng chiến lược và hoạt động của đảng. Chủ trương này vừa khởi động thì ngày 20/2/1930 ông bị bắt tại ấp Cổ Vịt (Chí Linh, Hải Dương), ngày 23/3/1930 ông bị kết án tử hình.

Khởi nghĩa Yên Bái đã làm rung chuyển nước Pháp. Xúc động trước sự hy sinh lẫm liệt của những người yêu nước, nhà thơ cộng sản Pháp Louis Aragon đã viết:

Yên Bái / Đây là điều nhắc nhở chúng ta rằng / Không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm cong của đao phủ...


Câu thơ của Louis Aragon được khắc trên bia đá dựng trong khu tưởng niệm

Sáng 17/6/1930, Pháp đưa Nguyễn Thái Học cùng 12 chiến sĩ của VNQDĐ từ nhà tù Hỏa Lò lên Yên Bái để hành hình. Bước lên đoạn đầu đài, Nguyễn Thái Học đọc thơ bằng tiếng Pháp: “Chết vì Tổ quốc / Chết vinh quang / Lòng ta sung sướng / Chí ta nhẹ nhàng”.

Trước khi đưa đầu vào máy chém ông hô lớn: "Việt Nam vạn tuế!" Những người chứng kiến cuộc hành hình ở Yên Bái kể lại rằng: Khi đầu ông bị lưỡi dao máy chém cắt đứt văng ra pháp trường, máu phun đỏ rực bầu trời, mắt ông vẫn mở trừng trừng sáng quắc nhìn lũ giặc.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất