| Hotline: 0983.970.780

"Chi" cho tham nhũng, lãng phí bao nhiêu?

Thứ Tư 02/06/2010 , 10:03 (GMT+7)

Quốc dân đồng bào cũng cần được biết tham nhũng, lãng phí bao nhiêu tiền thuế của dân đóng góp, tiền quốc gia đi vay nợ.

Trao đổi với NNVN, ĐBQH cho rằng, chúng ta đang tích cực chống tham nhũng lãng phí, quốc dân đồng bào rất quan tâm và ủng hộ công cuộc này. Nhưng quốc dân đồng bào cũng cần được biết tham nhũng, lãng phí bao nhiêu tiền thuế của dân đóng góp, tiền quốc gia đi vay nợ.  

ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An): "Chi" cho tham nhũng là bao nhiêu?

Nhiều ĐBQH cho rằng việc chi tiền ngân sách quá tay đã đến mức báo động và ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) gọi đó là bệnh “chi hoành tráng”. Trao đổi với NNVN, ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) cho rằng Chính phủ và QH cần làm rõ một vấn đề mà cử chi và dư luận rất quan tâm là trong những khoản chi “hoành tráng” đó thì  tham nhũng, lãng phí là bao nhiêu?

“Chúng ta hô hào chống tham nhũng, nhưng chúng ta không nói trong tổng chi thì phải chi cho tham nhũng là bao nhiêu? Quốc dân đồng bào phải biết trong số chi đó chi cho tham nhũng mất bao nhiêu trăm tỷ, bao nhiêu nghìn tỷ chứ. Trong một lần tôi đi cùng một cháu bé 17 tuổi  trên xe. Có người bảo chỗ này đẹp thế giờ phá đi làm gì, cháu nói cũng phải phá đi các ông mới có công ăn việc làm, cháu bé hiểu như thế là tham nhũng. Cho nên chi cho những công trình bất hợp lý như thế phải có trong báo cáo rõ ràng, chúng ta mạnh dạn báo cáo với quốc dân đồng bào biết. Không sợ gì cả”- ĐB Hồng nói.

ĐB Nguyễn Minh Hồng còn đề nghị Chính phủ công bố chi cho trách nhiệm, các TGĐ, các cơ quan, các Bộ…đề ra chương trình, dự án này kia nhưng cuối cùng thất bại, để hư hỏng lãng phí, như sập cầu, tốn hết bao nhiêu cũng phải cho dân biết. Và cũng để những người “sáng lập” ra những đề án đó phải chịu trách nhiệm về vấn đề làm thua thiệt của nhà nước. Chi phí công tác cho cán bộ các địa phương cũng cần phải báo cáo bởi có những chi phí bất hợp lý. Có những trường hợp chi phí cho tiếp khách mỗi tiêu chuẩn được chừng ấy thôi, nhưng các cán bộ cao cấp về, vì lý do này, lý do nọ thì những bữa tiệc, xe ôtô đưa đón, tháp tùng...Những khoản chi đó là bất hợp lý cũng phải tổng kết lại, tỉnh nào chi nhiều, tỉnh nào chi ít để quốc dân đồng bào biết, QH biết tìm cách ngăn chặn lại. Rồi chi thiếu khoa học trong các công trình nghiên cứu khoa học, có những cái đưa ra cuối cùng thất bại, để trong tủ thì dân cũng phải biết.

“Tóm lại, tất cả những khoản tham nhũng, chi bất hợp lý QH cần phải biết, dân phải biết để rút kinh nghiệm, để chúng ta ngăn chặn chi hoành tráng, tham nhũng, lãng phí. Nên nêu đích danh cả cá nhân”- ĐB Hồng nói.

Theo ĐB Nguyễn Minh Hồng mình đang chống tham nhũng, quốc dân đồng bào cả nước rất ủng hộ, dư luận ủng hộ, nhưng mình không biết mình mất bao nhiêu để chống cả. Nếu biết thì QH giật mình, nhân dân giật mình và như thế công cuộc chống tham nhũng của chúng ta sẽ tốt hơn lên, dân cũng phải lo, Đảng cũng phải lo, chính quyền cũng phải lo, mà cũng đỡ kêu sao tham nhũng nhiều thế.

“Rõ ràng điều này Chính phủ biết, chứ không phải không biết, nhưng Chính phủ chưa tổng kết được. Nói là tham nhũng chỗ này chỗ kia nhưng cũng chưa quan tâm tổng kết. Biết mà không nói. Bây giờ ngành tài chính, kiểm toán phải tổng kết để đưa ra số liệu cụ thể vụ này vụ kia tham nhũng ngần này, một năm tham nhũng mất bao nhiêu. Còn tất nhiên thằng tham nhũng là thằng ăn trộm, nó lấy bao nhiêu của nhà nước, của chỗ này chỗ khác bao nhiêu cũng khó biết. Nhưng biết đến đâu mình công bố để dân biết đến đó”- ĐB Hồng nói.   

ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh): Phải xử lý trách nhiệm

ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của ngân sách là xem tiền đóng góp của dân thông qua thuế, tiền vay trong nước, vay nước ngoài được sử dụng như thế nào. Vậy thì phải xem tiền đó có thất thoát không, có bị tham ô không, có sử dụng sai mục đích không trong khi cả nước đang chắt chiu từng đồng để đầu tư phát triển. QH chúng ta, các ĐB không phải là những chuyên gia về tài chính, cho nên hiểu vấn đề tài chính cũng rất hạn hẹp, nếu không được cơ quan kiểm toán báo cáo thì rõ ràng không chỉ ra được những tồn tại, những hạn chế trong quá trình điều hành và sử dụng ngân sách nhà nước.

“Nhưng tôi nghĩ rằng, được dân tín nhiệm bầu ra để làm việc này thì QH, ngoài việc thẩm tra của Ủy ban Tài chính - ngân sách, chúng ta cần có những cơ chế mới, phải đổi mới về hoạt động này, để biết được “chân tơ kẽ tóc”, để làm thế nào cho việc chi của quốc gia phải thật rõ ràng, phải công khai và minh bạch, để QH xử lý những trách nhiệm đối với việc sử dụng vốn kém hiệu quả. Phải xử lý rõ trách nhiệm của từng địa phương, từng ngành, chứ không thể như hiện nay được”- ĐB Mai đề nghị.

Theo ĐB Mai, sau mỗi vụ việc, kiểm toán đều đề nghị thu hồi, rồi kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân, những đơn vị có khuyết điểm, những sai phạm về sử dụng vốn như thế nào, nhưng hàng năm chúng ta có kiểm điểm ai? Đơn vị nào? Trách nhiệm ra sao? Tôi đề nghị phải làm rõ để chúng ta lập lại trật tự kỷ cương trong vấn đề quản lý và sử dụng tiền thuế của dân, tiền quốc gia đi vay nợ, không thể để như hiện nay, để ai muốn làm sao cũng được, làm sai cũng được mà không bị làm rõ trách nhiệm, bị xử lý.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.