| Hotline: 0983.970.780

Chỉ chuyển đổi khi nắm chắc thị trường

Thứ Tư 07/05/2014 , 07:01 (GMT+7)

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định việc chuyển đổi từ trồng lúa, nhất là những vụ mùa có thời tiết không thuận lợi như xuân hè, hè thu sang các loại cây trồng khác là việc làm cần thiết.

* Sớm lập BCĐ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ĐBSCL

Sáng qua 6/5, tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô (bắp), đỗ tương (đậu nành) và cây trồng khác tại ĐBSCL. Bộ trưởng Cao Đức phát chủ trì hội nghị.

Hội nghị thu hút gần 150 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp (DN) cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm đến từ các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Mục đích chính của hội nghị là bàn các giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng cạn khác, giúp mang lại nguồn thu nhập cao hơn.

17-23-33_nh-1-bo-truong-co-duc-pht
Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu chỉ đạo Hội nghị 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng việc chuyển đổi từ trồng lúa, nhất là những vụ mùa có thời tiết không thuận lợi như xuân hè (XH), hè thu (HT) sang các loại cây trồng khác là việc làm cần thiết, cần thực hiện sớm để giảm áp lực trong tình hình tiêu thụ lúa gạo năm 2014 đang gặp nhiều khó khăn. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ nông dân để thực hiện việc chuyển đổi này.

Vì vậy, chúng ta cần phải bàn kỹ về giải pháp thực hiện, phân tích những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ. Cụ thể, từng địa phương phải chỉ ra được lợi thế của mình khi chuyển đổi, trong nhóm các cây trồng cạn thì cây gì có thể thay thế cây lúa mà mang lại thu nhập tốt hơn cho nông dân. Khi chuyển đổi thì khâu tổ chức SX thực hiện như thế nào, thị trường tiêu thụ ở đâu, các giải pháp kỹ thuật giúp dân chuyển đổi để mang lại hiệu quả cao.

Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho rằng, khó khăn khi bắt tay chuyển đổi hiện nay là do nông dân đã quá quen với tập quán canh tác cây lúa nước, cơ sở hạ tầng cho cây trồng cạn chưa được đầu tư, một số nơi có mô hình chuyển đổi nhưng chỉ mang tính tự phát, chưa có quy hoạch bài bản…

 Hơn nữa, phần lớn nông dân có tư tưởng trồng lúa vẫn dễ tiêu thụ hơn các loại cây trồng khác, khi thị trường đầu ra gặp khó khăn có thể tạm trữ lại chờ giá... Tuy nhiên, lợi thế là thị trường Việt Nam đang rất cần 2 loại nông sản là ngô và đỗ tương, nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Năm qua chúng ta phải nhập khẩu tới 2,2 triệu tấn ngô, 3,3 triệu tấn đỗ tương, trong khi lúa gạo lại đang khó khăn về đầu ra.

Thực tế nhiều địa phương đã thực hiện chuyển đổi từ cây lúa sang cây trồng khác mang lại hiệu quả cao hơn hẳn. Chẳng hạn Đồng Tháp có mô hình: lúa – ngô lai hoặc đỗ tương; mè (vừng); sen. Trong đó, mô hình lúa - mè và lúa - sen được đánh giá là cho hiệu quả cao nhất. Cần Thơ có mô hình: lúa – mè – ngô giúp nông dân tăng thêm 20% lợi nhuận so với chỉ độc canh cây lúa.

 Tương tự, tại Kiên Giang, có 2 dạng mô hình 2 lúa – 1 màu. Trong đó, mô hình lúa ĐX + màu (HT) + lúa TĐ đạt lợi nhuận trên 42 triệu đ/ha; lúa ĐX + màu (XH) + lúa HT đạt lợi nhuận 38 triệu đ/ha. Nổi bật là ở Bạc Liêu có một số mô hình: 1 lúa – 1 màu, 1 lúa – màu, 2 lúa – 1 màu lợi nhuận cao nhất lên đến 76 triệu đ/ha.

Mục tiêu từ nay đến năm 2020, toàn vùng ĐBSCL sẽ chuyển đổi 204 ngàn ha lúa sang cây trồng khác, chủ yếu là giảm diện tích vụ XH và HT, vì đây là 2 vụ SX có chi phí cao nhưng năng suất lại thấp.

 Cụ thể diện chuyển đổi sang ngô là 53 ngàn ha (chiếm 26%); đậu tương 13 ngàn ha (6%); dưa, rau, hoa là 60 ngàn ha (29%); lúa kết hợp thủy sản 32 ngàn ha (16%); cây thức ăn gia súc 18 ngàn ha (9%); mè, đậu phộng (lạc) 14 ngàn ha (7%); cây khác 14 ngàn ha (7%)... Thực tế thời gian qua cho thấy, ngô đang là cây trồng được chuyển đổi nhanh nhất, mục tiêu đến năm 2015 là 30 ngàn ha nhưng đến nay đã đạt khoảng 42 ngàn ha.

Theo ông Dư, để chuyển đổi được hiệu quả thì cần sớm triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ, hoàn chỉnh quy hoạch, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi, KHCN, cơ giới hóa cho cây trồng cạn. Trong quy hoạch phát triển SX phải gắn với thị trường tiêu thụ, hướng đến hình thành cánh đồng lớn…

17-23-33_nh-2-chuyen-doi-cy-lu
Ngô trồng trên đất lúa vụ HT 2014 tại Giang Thành, Kiên Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Tương tự, PGS.TS Trịnh Khắc Quang, PGĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cũng cho rằng, các địa phương cần phải đẩy mạnh đầu tư cho KHCN, cơ giới hóa để giảm giá thành thì kế hoạch chuyển đổi mới thành công. Về công nghệ cần phải chú trọng khâu SX giống, kỹ thuật thâm canh, cơ giới hóa khâu làm đất, gieo hạt, thu hoạch, tách hạt, sấy khô… Về tổ chức SX và tiêu thụ sản phẩm cần chú trọng vai trò liên kết 4 nhà, nhất là giữa DN và nông dân và phải có chính sách điều hòa lợi ích trong chuỗi giá trị SX.

Về phía địa phương, PGĐ Sở NN-PTNT Tiền Giang Cao Văn Hóa, cho biết, thực tế nông dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau màu đều mang lại lợi nhuận cao hơn gấp 2-3 lần. Một lợi thế khác là trồng màu thời gian canh tác ngắn hơn. Trong năm nay, tỉnh có kế hoạch chuyển đổi khoảng 3.800 ha đất lúa sang luân canh rau màu và dự kiến giảm diện tích đất lúa từ 83.000 ha hiện nay xuống còn 78.000 ha vào năm 2030.

 Để làm được việc này, ông Hóa kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí để địa phương đầu tư hệ thống thủy lợi, đưa cơ giới hóa vào phục vụ cho cây trồng cạn, từ đó có thể bỏ hẳn vụ lúa HT. Đồng thời, cho phép mở rộng mô hình trồng giống biến đổi gen để tăng năng suất, giảm giá thành mới có thể cạnh tranh được với giá gạo các nước trên thế giới.

Tỉnh Long An cũng có kế hoạch chuyển đổi 20.000 ha từ đất lúa sang trồng thanh long và cây chanh. Ông Nguyễn Thanh Truyền, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh này cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh các mô hình chuyển đổi, hướng dẫn học tập các mô hình, xúc tiến thương mại để giải quyết đầu ra. Khó khăn là hiện nay khâu cơ giới hóa trong SX cây trồng cạn còn rất ít, khiến nông dân ngại chuyển đổi. Ông Truyền kiến nghị nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư về kỹ thuật, máy móc và giống tốt để thuận lợi cho việc chuyển đổi.

Ông Trần Trương Tấn Tài, GĐ bán hàng khu vực phía Nam, Cty Dekalb Việt Nam cho biết, theo thống kê toàn vùng ĐBSCL hiện mới chỉ có khoảng 6 ngàn ha trồng ngô, chủ yếu ở An Giang, Đồng Tháp, Long An và Cần Thơ… Đây là con số khá khiêm tốn. Cty Dekalb hiện đang là đơn vị đi đầu để đưa các giống ngô lai có năng suất cao vào khu vực này. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là khâu cơ giới hóa còn hạn chế, dẫn đến nông dân chưa mạnh dạn chuyển đổi.

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Phải quyết tâm cao, chỉ đạo sâu sát mới thành công

ĐBSCL có nhiều lợi thế để chuyển đổi từ lúa sang trồng ngô với năng suất cao nhất nước, một số mô hình đạt tới 9-10 tấn/ha. Ngô cũng là loại nông sản có thị trường tiêu thụ rất lớn và ổn định.

Ngoài dùng ăn tươi (ngô nếp), ngô (giống lai) còn được dùng để chế biến thức ăn gia súc, thủy sản và một lượng lớn để SX nhiên liệu sinh học (Ethanol).

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là cần thay đổi nhận thức của cán bộ nông nghiệp và của người dân, vì họ đã quá quen với canh tác lúa. Hơn nữa, lúa là loại cây tương đối dễ canh tác, vẫn có hiệu quả kinh tế, lại ít gặp rủi ro hơn các cây trồng khác.

Bởi thế, một bộ phận cán bộ nông nghiệp địa phương và nông dân vẫn đang nặng nợ với cây lúa.

Trước hết phải làm rõ về nhận thức trong một bộ phận cán bộ nông nghiệp, sau đó phổ biến, tuyên truyền rộng rãi cho nông dân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa.

Tôi nhất trí với các ý kiến về việc phải thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở ĐBSCL để thường xuyên nắm chắc tình hình, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đề xuất kịp thời các chính sách…

Chúng ta phải có quyết tâm cao, chỉ đạo sâu sát thì mới thành công được. Cục Trồng trọt phải sớm hoàn chỉnh quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở ĐBSCL. Trong khi đó, các tỉnh cũng nên sớm có kế hoạch cụ thể về công việc này trên địa bàn. Quy hoạch không chỉ cho chúng ta mà phải phổ biến rộng rãi để nông dân biết mà hưởng ứng, DN biết để tham gia.

Hiện nay có nhiều cây trồng có hiệu quả kinh tế trên nền đất lúa, nhưng các địa phương chỉ nên hướng dẫn cho nông dân chuyển sang loại cây nào đó khi đã nắm chắc về thị trường của cây ấy. Nên tập trung chuyển lúa sang ngô là cây đang có thị trường ổn định.

Các địa phương cần đẩy nhanh triển khai chính sách hỗ trợ cho nông dân khi chuyển đổi từ lúa sang cây trồng cạn trong các vụ XH, HT 2014 và ĐX 2014-2015 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để khuyến khích, đẩy nhanh việc chuyển đổi.

 

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm