| Hotline: 0983.970.780

Chỉ dạy nghề theo nhu cầu

Thứ Năm 27/12/2012 , 12:42 (GMT+7)

Năm 2013 các trường nghề sẽ tiếp tục gặp khó khăn về tuyển sinh. Tuy nhiên không vì thế mà tuyển tràn lan, chỉ dạy nghề theo nhu cầu.

“Năm 2013 các trường nghề sẽ tiếp tục gặp khó khăn về tuyển sinh. Tuy nhiên không vì thế mà tuyển tràn lan, chỉ dạy nghề theo nhu cầu. Tổng cục Dạy nghề sẽ tăng cường giám sát chất lượng đào tạo nghề và xử phạt mạnh tay, đóng cửa cơ sở dạy nghề không làm đúng quy định”.

Đó là khẳng định của ông Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) tại Hội nghị đánh giá công tác tuyển sinh học nghề năm 2012 và lấy ý kiến sửa đổi Luật Dạy nghề” do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hôm qua, 26/12.

Khó tuyển

Ông Phạm Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề cho biết, tính đến hết ngày 15/12 có gần 1,5 triệu học sinh đăng ký vào học nghề, trong đó cao đẳng nghề (CĐN) 84.381 người (tăng 6% so với năm 2011); Trung cấp nghề (TCN) 123.000 người (giảm 9% so với cùng kỳ); còn lại là Sơ cấp nghề (SCN) và dạy nghề dưới 3 tháng xấp xỉ 1,3 triệu người... Trên 80% HS-SV sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng nghề và có thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, ông Thắng e ngại vấn đề đào tạo nghề trong năm tới gặp nhiều khó khăn hơn bởi vẫn còn một bộ phận khá lớn vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của việc học nghề và dạy nghề. Trong năm 2012, nhiều DN có quy mô lớn, thu hút hàng ngàn người lao động đã bị phá sản nên đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động và tâm lý người học nghề.

Khó khăn là vậy nhưng hiện nay, vẫn chưa có cơ chế, chính sách có tính bắt buộc để DN phối hợp chặt chẽ với cơ sở dạy nghề trong quá trình đào tạo và tuyển dụng lao động. Thêm vào đó, quy định đối tượng tốt nghiệp THCS muốn học TCN thì phải học bổ sung kiến thức 1 năm dẫn đến thời gian đào tạo kéo dài đã gây ra tâm lý ngại học đối với HS-SV muốn theo trường nghề.


Ngành Kỹ thuật đang “hot” trong các trường nghề

Ông Hà Thanh Hùng, GĐ Sở LĐ-TB%XH tỉnh Bến Tre cho biết công tác tuyển sinh năm 2012 gặp nhiều khó khăn, không đạt đủ chỉ tiêu. Xu hướng đăng ký tuyển sinh vào nghề văn phòng, sửa chữa máy tính, nhưng nghề kỹ thuật, cơ khí rất ít (trong khi đây là những nghề Bến Tre đang rất thiếu). Do tâm lý phân biệt bằng cấp, nhiều phụ huynh không muốn con em vào trường nghề. Phân luồng học sinh chưa đạt hiệu quả, ngành giáo dục chưa thực sự vào cuộc ảnh hưởng đến công tác dạy nghề.

Cũng theo ông Hùng, dẫu biết còn nhiều khó khăn nhưng năm 2013, Bến Tre vẫn tăng cường tổ chức nhiều buổi tư vấn, tuyên truyền miễn phí tại các truờng THCS, THPT. Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH dự báo thị trường lao động để tỉnh có thêm định hướng đào tạo, tuyển sinh. Mỗi cơ sở dạy nghề phải có một nghề là thế mạnh, để HS-SV ra trường có ngay việc làm.

Hiệu trưởng trường CĐN Cơ điện Hà Nội Trần Văn Đông chia sẻ, công tác tuyển sinh ngày càng gặp khó khăn, từ tháng 5/2012 đến nay mới có 1.250 HS-SV (CĐN 1.000; TCN và SCN 250). Ngành Kế toán DN, Quản trị DN “ế” quá, chỉ với 4 lớp, trong khi các năm trước mở trên 10 lớp. Các em chủ yếu xin vào ngành Kỹ thuật. Khó khăn này sẽ ngày càng chồng chất bởi chưa xóa bỏ được kỳ thị bằng cấp.

Những ngành Nông - lâm - thủy - sản ngày càng ít và khó tuyển, ảnh hưởng nhiều đến các trường trong việc lên kế hoạch đào tạo, gây tốn kém (có khoa chỉ tuyển 6 em nhưng vẫn phải tổ chức đào tạo). Thêm vào đó, chủ trương đào tạo liên thông từ CĐ lên ĐH quy định quá khắt khe, tưởng chừng bị “bịt chặt” hơn. 

Chỉ dạy theo nhu cầu

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Ngọc Phi: “Tâm của người thày, phương pháp cách làm của hiệu trưởng các trường có vị trí cực kỳ quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo, gắn với nhu cầu của DN thì sẽ thu hút được đông HS-SV”.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, hạn chế những khó khăn trong công tác tuyển sinh trong các trường nghề, ông Đông hiến kế, phải lấy HS-SV của trường để tuyên truyền, thu hút HS khác, kèm ít chế độ. Trường cũng đổi mới khâu tuyển sinh trực tuyến, mỗi ngày có 400 - 500 lượt truy cập. Trường cũng có 2 loại giấy nhập học (trắng là trực tuyến; hồ sơ đẹp là nhập học trực tiếp nhưng cũng chỉ đạt 10% chỉ tiêu).

Ông Đông kiến nghị, Tổng cục Dạy nghề không nên cho phép các trường ĐH Sư phạm kỹ thuật được đào tạo nghề bởi chất lượng còn nhiều vấn đề. Cần có sự phân luồng và chính sách hỗ trợ cho người đi học nghề, có chính sách ưu tiên những nghề khó tuyển sinh, nghề độc hại.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Dương Đức Lân ghi nhận các ý kiến và cho biết, năm 2013 Tổng cục sẽ kiến nghị Chính phủ có chính sách đặc thù dành cho các trường nghề như hỗ trợ kinh phí độc hại cho HS-SV. Đồng thời yêu cầu các tỉnh chỉ dạy nghề theo nhu cầu, không theo số lượng và nên có sự phân luồng HS-SV...

Xem thêm
Tôm hùm bông chết tại Vạn Ninh, Cục Thủy sản đề nghị tăng cường quản lý

Cục Thủy sản đề nghị Cục Thú y hỗ trợ, hướng dẫn địa phương tìm tác nhân để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng tôm hùm chết ở Khánh Hòa.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.