| Hotline: 0983.970.780

Chị em chung bóng

Thứ Hai 06/06/2011 , 09:22 (GMT+7)

Với đồng bào La Hủ cuối trời Tây Bắc như Pa Vệ Sủ, hình ảnh hai búp măng bé nhỏ luôn chung một bóng như chị em Xó - De là biểu tượng cho tinh thần thật lớn lao.

Ngày nào cũng vậy, bất kể nắng hay mưa, mùa hè nắng gắt đến đông giá rét, Ly Lỳ De luôn cõng chị gái Ly Giò Xó trên lưng cuốc bộ gần một cây số trên con đường dốc từ bản Phí Chi A đến Trường Tiểu học xã Pa Vệ Sủ (Mường Tè - Lai Châu) học cái chữ. Với đồng bào La Hủ cuối trời Tây Bắc như Pa Vệ Sủ, hình ảnh hai búp măng bé nhỏ luôn chung một bóng như chị em Xó là biểu tượng cho tinh thần thật lớn lao.

Bốn năm tới trường trên lưng em

Sáng sớm tinh mơ, chúng tôi có mặt tại nhà De, Xó trước khi hai chị em tới trường. Đang gói cơm nếp vào chiếc lá dong cho hai con ăn trưa trước khi lên nương làm rẫy, chị Giàng Xé Xo, mẹ hai đứa trẻ, ngậm ngùi cho biết: Lúc mới sinh ra, Xó cũng khỏe mạnh “ăn đất ăn cát” lớn lên bình thường như bao đứa trẻ người La Hủ khác. Nhưng, khi bạn bè cùng trang lứa chập chững đi thì Xó vẫn chỉ đặt đâu ngồi đó. Vợ chồng chị Xo lo lắng đưa Xó tới bệnh viện huyện khám thì được các bác sĩ cho biết Xó bị dị tật bẩm sinh, không thể đi được. Vậy là từ ngày đó Xó đành phải chấp nhận cảnh ngồi một chỗ, không lê đi đâu quá nhà được vài bước chân.

Bị dị tật bẩm sinh nhưng Xó vẫn phát triển bình thường, chỉ có đôi chân là ngày càng teo quắt. Ngày Xó đến tuổi đi mẫu giáo, vợ chồng chị Xo vẫn cố gắng chở con đến lớp học cùng bè bạn. Nhưng bước sang lớp 1, chị Xo nghĩ hoàn cảnh con vậy chắc đi học cũng chẳng để làm gì, nuôi được con khôn lớn như vậy đã là tốt lắm rồi. Song, mỗi buổi sáng chứng kiến anh trai đi học, Xó thường ngồi tựa bậc cửa mục nát rơm rớm nước mắt nhìn theo. Và khi mọi người đã đi làm hết, Xó lại một tay vịn tường, tay kia cầm thanh củi tập đi trong đau đớn, cực nhọc.

Nhiều lần đứng nấp một chỗ nhìn con đứng lên lại ngã xuống, chị Xo chỉ biết cắn môi mà không biết làm gì giúp con. Chị bảo, Xó rất kiên trì, chân tay bầm dập vì bị ngã nhưng chưa khi nào chị thấy con bỏ cuộc. Và cuối cùng, sự nỗ lực không mệt mỏi đã giúp Xó tự chống gậy đi lại trên con đường bằng phẳng, dù quãng đường đi được chỉ là vài mét ngắn ngủi. "Một tối, mình đang ngủ thì cái Xó nó quay sang ôm mình thì thầm bảo: Mẹ ơi cho con đi học nhé! Thấy con nói vậy, đêm đó mình thức trắng suy nghĩ nhưng chẳng biết làm thế nào để con mình được đi học. Phải đến khi các thầy cô giáo vào vận động thì cái Xó mới bắt đầu đến trường”, chị Xo nhớ lại.

Ngồi trên giường nãy giờ nghe mẹ kể chuyện với khách, Xó ngượng nghịu đỏ mặt ôm cặp lên ngực giục cô em Ly Lỳ De đã đến giờ đi học. Cao hơn chị hẳn một cái đầu, De nhanh nhẹn đưa chị xách cặp rồi thuần thục xốc chị lên lưng phăm phăm xuôi dốc hướng về ngôi trường cấp 1 Pa Vệ Sủ cách đó gần 1km. Nếu tính tháng thì De chưa đầy 10 tuổi nhưng De chững chạc không khác gì một người trưởng thành. Chúng tôi ngỏ ý muốn cõng Xó giúp em nhưng De bảo cõng chị 4 năm trời nên quen rồi.

Thấy bóng hai chị em Xó, các bạn cùng lớp ùa ra tíu tít hỏi chuyện. Cô Vàng Thị Hai, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A, nơi hai chị em Xó đang theo học, tâm sự rằng trong đời làm giáo viên cô Hai chưa khi nào thấy được tình máu mủ ruột thịt và tinh thần hiếu học lại mạnh mẽ, khao khát như chị em Xó. “Có hôm tôi quay ra cửa thấy hai chị em Xó quần áo lấm lem bùn đất khoanh tay xin vào lớp, dù các em đi muộn nhưng tôi không hề trách mà chỉ dám quay đi lau vội những giọt nước mắt mặn đắng trên môi rồi chạy vào khu nhà tập thể lấy cho hai em mượn chiếc áo để đủ ấm ngồi học tiếp", cô Hai nhìn về phía hai chị em Xó thở dài nhớ lại.

Không chịu lên lớp để đợi em

Cuối năm 2009, bố của chị em Xó không may qua đời. Lao động chính và cũng là trụ cột trong nhà không còn, bốn mẹ con phải vật lộn với miếng cơm manh áo hàng ngày. Anh trai Xó đang theo học lớp 9 phải bỏ dở giữa chừng ở nhà làm nương cùng mẹ để có tiền nuôi hai em ăn học. Nhiều lúc hai chị em Xó định rủ nhau bỏ học vì thương mẹ thương anh vất vả. Nhưng thầy cô, bạn bè động viên hai chị em lại tiếp tục cõng nhau đến trường, quyết tâm theo bằng được con chữ. Không phụ lòng mọi người, thành tích học tập của hai chị em Xó luôn đứng trong tốp đầu của Trường Tiểu học Pa Vệ Sủ.

Thầy Phạm Văn Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pa Vệ Sủ cho biết: Bị tật nguyền đôi chân nhưng bù lại Xó có cái đầu rất thông minh và chăm chỉ học bài, chính vì vậy thành tích học tập của em rất cao. Còn cô em Ly Lỳ De cũng chẳng chịu thua kém chị, không chỉ chăm ngoan, hiểu thảo, De rất sáng dạ, năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh khá của trường.

Thấy hoàn cảnh và học lực của hai em vậy, thầy cô và người dân nơi đây luôn tạo mọi điều kiện để chị em Xó có động lực học tốt. Hai em thiếu bút sách, nhà trường hỗ trợ và thường xuyên tới nhà thăm hỏi, động viên gia đình để hai em yên tâm cắp sách tới trường. Năm học 2008 - 2009, Xó được trao tặng Giải thưởng Vinamilk cho trẻ em khuyết tật. Đặc biệt, tháng 3/2010, Xó vinh dự nhận học bổng “Chắp cánh tài năng Việt” do Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam trao tặng. Nhận được phần thưởng trị giá 1 triệu đồng, Xó nhờ thầy đưa ra chợ để mua quần áo cho mẹ, anh trai và em gái vì áo của mọi người rách lâu quá rồi. Xó còn mua túi kẹo thật to về liên hoan cùng các bạn, túi kẹo trị giá chỉ vài chục nghìn nhưng đó là tình cảm, là tình yêu thương.

Khi được hỏi, kỉ niệm nào nhớ nhất trong 4 năm cõng chị đến trường, thoáng chút buồn, Ly Lỳ De rơm rớm nước mắt: “Tối hôm đó trời mưa rất to, hai chị em cháu xin cô giáo về trước. Đi đến đầu dốc về nhà thì do bùn trơn nên cháu bị trượt chân ngã, chị cháu bị văng ra lăn xuống dốc không tự đứng dậy được. Thương chị Xó cháu chỉ biết kêu khóc, may có người đi bắt cá đêm qua đó thấy vậy vội nâng đỡ và cõng chị Xó về nhà".

Nhắc đến hai học trò đặc biệt của trường Pa Vệ Sủ, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Dũng vui mừng nhưng không khỏi trăn trở, thầy cô và các em học sinh đều dành tất cả tình thương cho chị em Xó. Tấm gương của các em luôn được thầy cô đem động viên tinh thần vượt khó, hiếu học cho các bạn học sinh người La Hủ khác. “Chúng tôi thiết tha chỉ mong sao có một đơn vị, cá nhân hay tổ chức nào đó đứng ra đỡ đầu cho em Xó thì tốt biết mấy. Chứ với hoàn cảnh khó khăn như gia đình chị Xo hiện nay, không biết việc duy trì con đường học hành của Xó và De cố gắng được đến đâu. Nói thật với anh, nếu chẳng may hai em Xó và De phải nghỉ học giữa chừng tôi thấy tiếc và ân hận lắm", thầy Dũng tâm sự.

Có một chuyện mà các thầy cô Trường Tiểu học Pa Vệ Sủ chia sẻ không biết nên trách hay nên khen Xó. Dù đạt thành tích học tập rất tốt nhưng Xó nhất quyết không chịu lên lớp 4 mà xin thầy cô được ở lại lớp 3. Hỏi Xó thì em không nói, mẹ của Xó cũng chẳng biết vì sao. Sau này, thầy cô trong trường tìm cách gần gũi De mới hay Xó muốn ở lại lớp 3 để đi học cùng em gái, Xó bảo, hai chị em học cùng lớp sẽ thuận lợi hơn, Xó giúp De học bài, ngược lại De giúp Xó tới trường.

Sau kì nghỉ hè này, Xó và De đều lên lớp 5. Hai cô gái bé nhỏ ấy lại tiến thêm một bước trong hành trình gian nan theo con chữ...

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm