| Hotline: 0983.970.780

Chỉ khi nông dân tham gia đích thực thì mới có du lịch bền vững

Chủ Nhật 28/09/2008 , 17:34 (GMT+7)

Ở nước ta, du lịch đang phát triển nhanh, nhưng cũng chủ yếu mang lợi nhuận cho Nhà nước và khu vực tư nhân.

>> Nông dân làm du lịch
>> Bài 3: Hai lúa chạy... ''tua''
>> Bài 2: Cuốc đất, trồng rau và… trả tiền

Điều này quả là không bình đẳng và không thể tồn tại được mãi, khi mà ở các nước phát triển đã coi hoạt động du lịch là hoạt động dịch vụ của nền kinh tế nông thôn. Vì vậy ở các nước tiên tiến, nông dân có thêm việc làm, phát triển nông nghiệp, tiểu và thủ công nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Chính từ đó đã phát triển nhiều loại hình du lịch dựa vào nông thôn, như du lịch sinh thái, du lịch di sản văn hoá, di sản lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn. Nhưng ở nước ta, du lịch sinh thái hầu như chỉ được coi là biện pháp kinh doanh để tăng thu nhập cho doanh nghiệp, không mang lại lợi ích đầy đủ, đích thực cho cộng đồng địa phương, đồng thời còn mang tính “ăn xổi” dễ phá hỏng môi trường, sinh thái…

Vừa qua, người ta đã “cải biên” không ít công trình văn hoá cổ kính tiêu biểu, trong đó có những ngôi chùa đã được xếp hạng quốc gia, có kiến trúc độc đáo, dẫn đến phá vỡ cả du lịch văn hoá/di sản. Bởi vì mục đích của du lịch văn hoá/di sản là khám phá các kiến trúc, di tích, góp phần duy trì và bảo vệ chúng. Đồng thời, việc duy trì và bảo vệ này cũng là nhu cầu của cộng đồng địa phương đó. Cho nên cần phải tạo ra sự cân bằng giữa duy trì- bảo vệ - kinh doanh, không được chỉ vì mục đích kinh doanh mà khai thác cả các điểm nhạy cảm về văn hoá của địa phương, càng không được làm tổn hại tính xác thực khi “sáng tạo” thô thiển và bóp méo công trình.

Sự cân bằng đó góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc, không chỉ riêng đối với các công trình kiến trúc, mà còn cả trong các lĩnh vực ăn uống, trang phục, âm nhạc, văn hoá dân gian... Muốn làm đúng, đòi hỏi phải nghiên cứu, sưu tập các phong tục tập quán, mối quan hệ xã hội đã và đang bị biến dần trong tiến hoá của xã hội. Du lịch văn hoá/di sản còn phải bảo vệ các di tích lịch sử, hoạt động văn hoá dân gian, các làng nghề, các nghề thủ công, chợ nông thôn, các hệ thống nông nghiệp (làm ruộng bậc thang, lúa nước, trồng rừng, làm vườn đồi...). Nơi nào có điều kiện, nên phục hồi và tổ chức làng bảo tàng để bảo tồn các di sản...

Ngành du lịch thường xuyên tổ chức du lịch nông thôn, nhưng hầu như các nơi du khách đến mới ở dạng “ăn sẵn”, ít được đầu tư, đặc biệt đầu tư về hoạt động đón tiếp. Chính hoạt động đón tiếp sẽ giúp nông dân tham gia trực tiếp vào du lịch, đa dạng hoá cung cấp du lịch. Trong không khí du lịch diễn ra quanh năm, thu hút ngày càng nhiều người trong và ngoài nước, đồng bào Mông ở Sapa đã nhạy bén tham gia, chủ động đa dạng hoá cung cấp du lịch.

Bởi thế, không thể “độc canh” trong hoạt động du lịch, các cơ quan quản lý du lịch và các cơ quan hữu quan cần giúp đỡ đồng bào địa phương có điểm du lịch biết cách cung cấp các kiểu ăn, kiểu ở, cũng như các hoạt động đa dạng, xây dựng các làng nghỉ ngơi, các nhà ở nông thôn, nông trại, hiệu ăn, khách sạn, nơi cắm trại, nơi câu cá... Chỉ khi có sự tham gia đích thực của nông dân vào hoạt động du lịch, nhất là nông dân được hưởng lợi kinh tế đúng mức, thì mới có du lịch bền vững.

Hoạt động du lịch ở nước ta phần lớn gắn với nông thôn, ngay đến các khu du lịch, nghỉ mát ở biển, ở trên núi, thì cũng nằm trong phạm vi làng chài, hoặc vùng cao, mà xét cho cùng cũng là nông dân biển, và đồng bào các dân tộc miền núi cũng thực chất là nông dân. Bởi thế đã đến lúc cần xác định lại vị trí và vai trò làm chủ thật sự của nông dân, nông thôn trong hoạt động du lịch, không nên coi việc chia sẻ một phần nhỏ nhoi (hoặc không có chia sẻ nào) đối với địa bàn du lịch ở nông thôn, là hành động “từ thiện” được chăng hay chớ...

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất