| Hotline: 0983.970.780

Chị không sai, chị phải sống bù, con gái nói đúng, con dâu nói đúng...

Thứ Hai 11/07/2016 , 07:15 (GMT+7)

Đám bạn thể dục của tôi đứa nào cũng biết nhảy, bảo tôi phải sống cuộc đời mình. Giờ thì tôi nhảy mỗi tối. Các cô em chồng ngày trước quý tôi nay bỗng đổi giọng...

Thưa chị Dạ Hương!

Tôi là người đàn bà cả đời chịu thiệt, mãi đến năm nghỉ hưu mới mày mò vi tính và viết thư email. Cũng vì con trai tôi ở nước ngoài nên tôi cố, tính của tôi không thích quá phụ thuộc vào tin học.

Chồng tôi là người đối lập với tôi do công việc. Anh làm ở một cơ quan phải đi nước ngoài nhiều. Ngoại ngữ, nhảy nhót, có lúc vào văn phòng cơ quan đại diện ở miền Nam, khi con của chúng tôi còn nhỏ. Chị nghĩ, chồng đi như đi trận, một mẹ ba con bảo sao tôi không lạc hậu với cuộc sống vùn vụt ở chung quanh?

Tôi bị chồng chê, tôi biết chứ, nhưng cả nhà chồng thì cực quý. Thời ấy nuôi con thiếu thốn trăm bề, chồng có mang về các thứ mà ở trong nước không có nhưng vẫn khổ cực. Rồi các con cũng lớn, đứa con trai đầu không đỗ đại học, đi trung cấp, lấy vợ và ra riêng nhờ bên vợ hỗ trợ. Con gái học đại học ở SG, cất lên trong đó. Đứa con trai út đi nước ngoài lao động, ở lại, giờ là đứa khá nhất.

Nghe về các con tôi chắc chị hiểu, ngoài những thứ linh tinh anh mang về, anh không lo đất đai nhà cửa chi cả. Nếu không có kinh tế thị trường làm cho khu tập thể nguyên là một biệt thự Pháp có người hỏi mua giá ngất trời. Mỗi hộ đều ôm tiền đi chỗ khác mua căn hộ riêng biệt khác. Chúng tôi chia cho ba con xong, vừa đủ để có một căn nhà hẹp ba tầng trong ngõ. Lúc ấy chồng tôi cũng về hưu.

Tôi quen sống cơ hàn, anh thì không quen. Ngày trẻ, chồng hay đi, về thì vợ chồng vui, buồn bực tiêu tan hết. Trung niên chồng ở miền Nam, mỗi khi ra, dù có ghen thầm ghen lộ, tôi cũng không làm gì quá đáng, các con còn xúm xít, vẫn vui. Giờ con đều ở xa, vợ chồng già, vô cùng khó sống chị ạ.

Con trai út gửi tiền hàng tháng bắt tôi nuôi người giúp việc. Nhưng thuê người trẻ thì chồng mình chưa già, thuê người tầm tuổi tôi thì thuê làm gì, tôi làm cũng xong. Đã thuê thử vài người trung niên, tôi đều thấy không ổn.

Rồi anh bị tai biến nhẹ, nhưng đi xe máy không được nữa nói gì em út, nhảy nhót. Tôi thuê được người, tầm tôi. Đám bạn thể dục của tôi đứa nào cũng biết nhảy, bảo tôi phải sống cuộc đời mình. Nói mãi tôi cũng đi và thấy thích, rất thích. Giờ thì tôi nhảy mỗi tối. Các cô em chồng ngày trước quý tôi nay bỗng đổi giọng, cũng vì các cô đều ở quê, cuộc sống ao tù. Con gái nói mẹ mặc đi, con dâu cả cũng nói mẹ khổ mãi rồi, đứa nước ngoài chạnh cảnh bố khuyên mẹ không nên làm quá. Tôi có quá không chị?

------------------

Chị thân mến!

Chị không viết rõ nhưng tôi biết cuộc sống vợ chồng thời trung niên của anh chị không đầm ấm. Phần lớn là do công việc anh quá xê dịch và môi trường quá ướt át, trữ tình. Làm đối ngoại là đi đứng, uống rượu, mê sô-cô-la, nhiều người đẹp phải tiếp xúc và nói theo chị là nhảy nhót. Rồi đi làm đại diện, giường đơn, cơm ngoài, phở kề bên, cũng bất tiện cho chung thủy theo nghĩa thông thường.

Có thể cũng do tính anh quá chòng chành. Chồng mà trăng hoa, vợ có giữ nổi không? Ngược lại, vợ có máu lăng loàn, chồng cũng không khóa nổi. Vậy thì ở đây là tố chất, bản tính chứ không phải nghề nghiệp hay khoảng cách.

Mặt khác, quy luật bù trừ, một ông chồng đào hoa, chao ơi, bà vợ lại chân chất và ghen rất “sáng tạo”. Không ghen cũng lạ, mà ghen thì biến thành người hết hấp dẫn trước mặt chồng. Cũng như có ông chồng nghiêm trang, nghiêm khắc, khắc nghiệt thì bà vợ lại luôn khao khát lãng mạn, bay nhảy.

Chị có lẽ thuộc típ người cam chịu. Chồng như vậy, mình không muốn gì hơn, chỉ muốn chồng ở gần. Thời bao cấp ấy để lại bao nhiêu nỗi thống khổ cho mỗi gia đình, một trang buồn rất đậm cho xã hội. Khi ấy các bà em chồng nông dân thấy chị dâu cũng như mình, đáng quý vì anh như thế mà chị cam chịu, không vùng thoát.

Nhưng đã có một khúc quanh. Cả nước đều như vậy, nó đi vào từng gia tộc, từng gia đình những biến đổi, thậm chí biến động. Ai có ngờ chị mà giờ lại váy áo giày cao gót đi nhảy hàng đêm, có nằm mơ cũng không dám, đúng không? Nhưng đời đã sang trang. Chị không sai, chị phải sống bù, con gái nói đúng, con dâu nói đúng nhưng con trai là chữ hiếu của con trai, nó chạnh lòng cho người cùng giới với nó, nó đặt nó cảnh bố và nó xót xa.

Chị đừng quá bận tâm, miễn mình thu xếp tốt. Cũng đừng đi như khiêu khích, anh sẽ không bình phục. Và nhớ, vợ chồng già như hai người trên chiếc xuồng cũ nát, loay hoay sao cho nó đừng chìm là giỏi rồi.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.