| Hotline: 0983.970.780

Vụ án thất thoát tại Ngân hàng Xây dựng:

Chỉ một cái gật đầu cho vay nghìn tỷ, ông Trần Bắc Hà sao lại vô can?

Thứ Hai 02/10/2017 , 08:44 (GMT+7)

Ông Trần Bắc Hà có quá dễ dãi khi sử dụng tài sản của Nhà nước, tiền của cổ đông, của nhân dân kí gửi để giao cho 12 công ty ma tiêu xài? Trách nhiệm xã hội của ông như thế nào...

Trụ sở BIDV tại Hà Nội

Liên quan đến vụ án Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Xây dựng (VNCB), nhiều cán bộ lãnh đạo của các ngân hàng liên quan đã phải ra trước vành móng ngựa. Trong đó có cả những cán bộ của ngân hàng BIDV, tuy nhiên trong vụ án này người liên quan mật thiết đến các khoản vay nghìn tỉ của Phạm Công Danh tại ngân hàng BIDV là ông Trần Bắc Hà lại gần như không được các cơ quan tố tụng đả động đến. Vì sao?

Chỉ một cái gật đầu đã cho vay nghìn tỉ

Được biết, vào khoảng tháng 9/2013, Phạm Công Danh đã tìm gặp lãnh đạo Ngân hàng BIDV tại Hội sở chính để đặt vấn đề về việc Ngân hàng VNCB có các khách hàng là doanh nghiệp cần vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng do VNCB đang trong giai đoạn tái cơ cấu chưa được tăng trưởng tín dụng nên giới thiệu sang BIDV để xem xét cho vay theo đề án gói liên kết 4 nhà. VNCB sẽ dùng tài sản của mình để đảm bảo khoản vay theo quy định của BIDV. Sau khi đồng ý thống nhất với Danh về việc BIDV cấp vốn cho các khách hàng VNCB có nhu cầu vay vốn kinh doanh VLXD, Ngân hàng BIDV đã cho 12 công ty được Ngân hàng VNCB bảo lãnh vay 4.700 tỉ để mua vật liệu xây dựng.

16-02-12_bidv_ngn_hng

 

12 công ty ma qua mặt chủ tịch BIDV?

Trong khoảng thời gian ngắn từ 29/10 - 28/11/2013 các Chi nhánh của BIDV đã giải ngân cho 12 công ty số tiền 4.700 tỉ đồng vào tài khoản của 4 cty cung cấp vật liệu đầu vào theo nội dung của 12 cty vay vốn gồm: Chuyển khoản 1.332 tỉ đồng vào tài khoản Cty Quốc Thắng; 1.030 tỉ đồng vào tài khoản của Cty Hương Việt; 1.208 tỉ đồng vào tài khoản của Cty Thiên Trang Phạm và 1.129 tỉ đồng vào tài khoản của Cty Thịnh Quốc. Tuy nhiên, số tiền này không được các công ty sử dụng đúng mục đích mà thực chất chỉ quay vòng qua các tài khoản để ông Phạm Công Danh làm tăng vốn cho Ngân hàng VNCB, đồng thời sử dụng một phần trả nợ và trả lãi vay BIDV, chi tiêu cá nhân.

Theo thông tin Báo NNVN nhận được thì 12 công ty trên chỉ có hai công ty Nhất Nhất Vinh và Phong Hiệp được thành lập tháng 12/2010 còn lại 10 công ty được thành lập năm 2012. Trong đó lại có 10 công ty không có hoạt động gì tại địa chỉ đăng kí kinh doanh gồm: Cty Quang Đại, Cty Phước Đại, Cty Phú Nguyễn, Cty Thanh Quang, Cty Tuấn Văn, Cty Hương Việt, Cty Nhất Nhất Vinh, Cty An Phát, Cty Phúc Văn, Cty Phong Hiệp. (Các công ty này không phát sinh doanh thu mua vào bán ra kể từ khi thành lập đến lúc được BIDV giải ngân cho vay vốn).

Vậy tại sao BIDV lại dễ dàng cho hàng chục công ty không hoạt động vay vốn tới hạn mức 4.700 tỉ? Là Trưởng Phân ban rủi ro tín dụng đầu tư thuộc Ủy ban quản lý rủi ro, ông Trần Bắc Hà đáng ra phải chỉ đạo nhân viên kiểm tra thật kĩ năng lực hoạt động của từng công ty nhưng ông đã không làm việc đó mà trực tiếp kí 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho vay mua VLXD cho 12 Cty trên mà không tiến hành họp. Chỉ lấy ý kiến của từng thành viên. Phải chăng có sự sắp xếp nào trong việc này? Ông Trần Bắc Hà có quá dễ dãi khi sử dụng tài sản của Nhà nước, tiền của cổ đông, của nhân dân kí gửi để giao cho 12 công ty ma tiêu xài? Trách nhiệm xã hội của ông như thế nào với khoản thất thoát 2.500 tỉ của VNCB?

Hơn nữa, trong vụ việc này còn có điểm bất minh, bởi lẽ dù có bảo lãnh của Ngân hàng VNCB, nhưng hoạt động mua bán VLXD của các doanh nghiệp diễn ra theo hợp đồng đơn hàng cụ thể và việc cấp tín dụng sẽ diễn ra song song, đồng thời phải được kiểm soát chặt chẽ. Tại sao chỉ trong một tháng ngân hàng BIDV đã giải ngân hết hạn mức tín dụng để rồi vội vã thu hồi. Việc giải ngân “trọn gói” của BIDV cho các cty trên có phải là bất thường?

Những khúc mắc trên đã được Báo NNVN gửi tới lãnh đạo Ngân hàng BIDV nhưng không có hồi âm!

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất