| Hotline: 0983.970.780

Chỉ nghe hơi thở của nhau là đủ...

Chủ Nhật 05/08/2018 , 10:05 (GMT+7)

Nhiều năm nay, ở thôn Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội, người dân vẫn kể với nhau câu chuyện về nghị lực của vợ chồng chị Nông Thị Hợi (SN 1982) và anh Nguyễn Hữu Lai (SN 1968).

Yêu qua giọng nói

Khi sinh ra, chị Nông Thị Hợi vẫn bình thường như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Nhưng khi lên 3 tuổi, do mắc bệnh sởi, chị bị biến chứng và không còn thấy ánh sáng nữa.

16-21-29_hnh_phuc_ngot_ngo_cu_nh_li_v_chi_hoi_ben_hi_con_gi_be_bong_khoe_mnh
Anh Lai, chị Hợi đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để đến với nhau

Đến năm chị 28 tuổi, được nhiều người giới thiệu việc làm tại một trung tâm bấm huyệt của người khiếm thị ở Hà Nội, chị thuyết phục bố mẹ cho xuống Hà Nội làm việc. Vốn sinh ra và lớn lên tại một bản thuộc vùng núi cao của tỉnh Lạng Sơn, bố mẹ chị Hợi rất lo lắng cho tình trạng của con mình nên ngần ngại. Nhưng thấy được mong muốn của con, mẹ chị Hợi quyết định theo con gái xuống Hà Nội xin việc và đi theo để tiện bề chăm sóc.

Làm việc được một thời gian, chị gặp anh Nguyễn Hữu Lai, một người khiếm thị cũng đang làm nghề bấm huyệt như chị. Anh Lai vốn là một người bình thường, nhưng mãi đến khi gần 30 tuổi, sau một tai nạn nghề nghiệp, anh bị mất đi đôi mắt. Gặp nhau một tháng ngắn ngủi, hai người chỉ nghe giọng nói của nhau mà trở nên cảm mến, nảy sinh tình cảm và mong muốn kết hôn với nhau.

Tình yêu dung dị của anh chị cứ thế lớn dần qua ngày tháng. Không lời mật ngọt, tình yêu của họ được nuôi dưỡng bằng sự đồng cảm, chân thành cùng một “ước mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ ”.
 

Giả có thai để đến với nhau

Những tưởng cuộc sống đã mỉm cười, điều hai người không ngờ là cả hai gia đình đều cương quyết phản đối cuộc hôn nhân này. Không chịu chùn ý chí và từ bỏ hạnh phúc của đời mình, anh chị đã bàn kế hoạch giả có thai. May thay, tình yêu đã chiến thắng tất cả, để rồi năm 2014, họ chính thức đến với nhau… Niềm vui của vợ chồng anh Lai và chị Hợi tăng lên gấp đôi khi không lâu sau đó anh chị đón hai thiên thần: Nguyễn Phương Thảo (SN 2015) và Nguyễn Ánh Tuyên (SN 2017).

16-21-29_nh_li_v_chi_hoi_dng_chm_soc_do_dnh_con_gi_8_thng_tuoi
Vợ chồng anh Lai, chị Hợi đang chăm sóc con

Một thời gian sau, em bé đầu ra đời, cũng là lúc khó khăn nhất với gia đình hai con người thiếu may mắn. Chị chỉ có thể làm những công việc lặt vặt trong nhà, còn lại việc chăm sóc con đều phải nhờ mẹ đẻ giúp đỡ. Khi con đủ tuổi theo học mẫu giáo, vợ chồng anh chị phải thuê một người xe ôm để đưa đón con đi học mỗi ngày.

“Ngày lên xe hoa về nhà chồng, họ hàng và bà con lối xóm xung quanh dị nghị nhiều lắm, thậm chí bố mẹ và em trai của tôi còn kịch liệt phản đối vì bản thân hai vợ chồng đều bị khiếm thị đến vệ sinh cá nhân còn khó chứ nói gì đến cuộc sống mưu sinh và chăm sóc con cái sau này. Nhưng bỏ qua tai tất cả, vợ chồng tôi quyết tâm đến với nhau. Khi nghe bác sĩ nói con sinh ra khỏe mạnh, kháu khỉnh và mắt sáng, vợ chồng tôi cảm thấy hạnh phúc. Giờ chỉ mong mình có sức khỏe để đi làm cho con có đủ cơm ăn, được đến trường. Đối với vợ chồng tôi, con cái là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao nhất, là động lực để chúng tôi bước tiếp”, chị Hợi chia sẻ.

Đến nay, anh chị đã sinh được hai bé gái. Việc chăm sóc con cái vợ chồng chị phải trông cậy vào bà ngoại và những người hàng xóm. Hiểu và thương tình cho hoàn cảnh của anh chị, hàng ngày có người giúp đi chợ mua thức ăn, đồ đạc, có người lại giúp cho con cái ăn uống, thay đồ...

Anh Lai tâm sự: “Cho dù chăm con có vất vả và phải nhờ cậy nhiều người, nhưng đối với tôi, hai con chính là điều quý giá nhất. Nếu hai cháu bị ốm đau, người đưa các cháu đi bệnh viện cũng không thể là hai vợ chồng. Vì vậy, hai vợ chồng cố gắng kiếm tiền để lo cho con, cho cuộc sống gia đình...”.

16-21-29_nh_li_v_chi_hoi_hnh_phuc_ben_hi_co_con_gi_be_nho_cu_minh
Hai anh chị hạnh phúc bên con cái

Hiện tại, để có đủ kinh tế lo cho cuộc sống và chăm sóc hai con, vợ chồng chị thuê mặt bằng và mở một cửa hàng bấm huyệt, tẩm quất nhỏ ở thị trấn Vân Đình. Trung bình mỗi tháng, cửa hàng của anh chị cũng có khoảng 200 lượt khách và mang lại thu nhập hơn 10 triệu đồng một tháng. Trong những thời điểm đông khách, anh chị cũng phải thuê thêm những người khiếm thị khác cùng sinh hoạt tại Hội Người mù huyện Ứng Hòa để đảm bảo công việc, giúp tạo công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh kém may mắn như mình.

"Cuộc sống của vợ chồng mình giờ đây đơn giản lắm, có công ăn việc làm, có thu nhập mỗi ngày và ngày ngày được ngắm con yêu lớn lên. Con chính là động lực để vợ chồng mình cùng nhau cố gắng. Dù là người khiếm khuyết nhưng vợ chồng mình sẽ mang tất cả tình yêu thương để chăm sóc, nuôi dạy con thành người có ích sau này", anh Lai chia sẻ.

16-21-29_chi_hoi_dng_bm_huyet_tm_qut_cho_khch_ti_qun_nho_cu_gi_dinh_minh
Bấm huyệt là nghề kiếm sống của vợ chồng anh Lai, chị Hợi

Nghị lực của chị Hợi và anh Lai, cùng với gia đình hạnh phúc của họ, đã góp phần thắp sáng lên tia hy vọng cho nhiều hoàn cảnh khiếm thị khác. Cho dù cuộc sống đã không cho họ đôi mắt để nhìn, nhưng bằng nghị lực của mình, họ đã cảm nhận cuộc đời bằng trái tim để cùng nhau đi tìm và vun đắp tình yêu, tìm động lực sống và hạnh phúc gia đình. Để ngày hôm nay được nghe tiếng con khóc, nghe tiếng con bi bô tập nói, căn nhà nhỏ của anh chị lại rộn rã tiếng cười đầy hạnh phúc...

(Kiến thức gia đình số 31)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất