- Chào cụ Chí Phèo! Chẳng hay cụ từ đâu lạc tới xóm nghèo dưới chân núi Hài này? Hai lão quê mùa muốn mời cụ Chí chén rượu nhạt được không?
Chí Phèo sững lại ngơ ngác nhìn hai lão nhà quê, một lúc sau mới hiểu ra phá lên cười, rồi phất tay bảo hai ông già ngồi xuống.
- Trời đất ơi, từ ngày cha sinh mẹ đẻ đến giờ cái thằng không cha không mẹ này có được ai gọi là ông bao giờ đâu. Từ đứa trẻ nhãi ranh đến tay Bá Kiến đều gọi là thằng Chí Phèo, gã Chí Phèo nay hai ông lại gọi tôi là cụ Chí, trời sập đến nơi rồi, thời sắp loạn cả rồi.
Nói đoạn, Chí Phèo ngửa cổ tu một hơi chai rượu cầm trên tay.
- Hai ông không hiểu nỗi lòng của gã Chí này đâu. Vừa rồi có đề xuất đuổi gã ra khỏi tác phẩm bắt buộc học sinh phải học. Nghĩa là sắp đuổi gã ra khỏi sách giáo khoa. Gã buồn là thế! Người ta bảo gã không đại diện cho người nông dân, gã chỉ là tên bần cố nông biến chất thành kẻ du thủ du thực…
Lão Cò rót rượu ra chén hỏi:
- Vậy cụ Chí có điều gì muốn tâm sự với hai lão già nhà quê này?
Chí Phèo dằn chén rượu xuống mặt bàn cười gằn:
- Sau khi giết Bà Kiến gã Chí tự đâm vào cổ mình, mọi người tưởng chết khênh xác gã đặt ra ngoài vườn chuối để làm ma cho cụ Bá. Gần sáng thì gã tỉnh lại, hóa ra gã không chết, gã vội ra khỏi làng Vũ Đại. Sau khi vào nhà thương khâu lại vết thương, nằm đó mươi ngày rồi ra viện, gã không về làng mà lên tỉnh làm thuê. Kiếm được ít tiền gã tân trang lại khuôn mặt nhằng nhịt sẹo, rồi luồn lách trở thành cán bộ lãnh đạo…
Câu chuyện của cụ Chí khiến hai lão nhà quê há hốc mồm thốt lên kinh ngạc:
- Kỳ tài!
Cụ Chí với gương mặt nghiêm nghị:
- Các ông không đọc tiểu thuyết “Chí Phèo mất tích” của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu à? Thế đấy, gã trở thành cán bộ cốt cán, được bầu vào các cấp lãnh đạo. Con cháu gã ở đầy các cơ quan nhà nước, đứa làm lãnh đạo tập đoàn, đứa làm tổng công ty… Không ít đứa làm BOT như các ông ở đây, tiền nhiều như lá rừng.
- Con cháu cụ giàu có và làm to như vậy sao lỡ để người ta đuổi cụ ra đường thế này? - Bác Thảo Dân hỏi cắt ngang.
- Để Chí Phèo tái thế!