| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 26/12/2017 , 06:20 (GMT+7)

06:20 - 26/12/2017

Chỉ thị của Thủ tướng có bị coi thường?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê bình các lãnh đạo cao nhất của nhiều tỉnh không dự họp hội nghị trực tuyến phòng chống bão số 16: “Tại các tỉnh vùng trung tâm bão chỉ thấy có phó chủ tịch dự họp, như thế là coi thường, chủ quan rồi”.

Trong ngày 23/12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã họp, Thủ tướng đã ra công điện yêu cầu các địa phương thực hiện cụ thể một số nhiệm vụ phòng chống bão số 16 (tên quốc tế là Tembin).

14-57-26_ngy_24-12_thu_tuong_nguyen_xun_phuc_chu_tri_hoi_nghi_truc_tuyen_ung_pho_voi_bo_so_16_botembin
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 16

Chiều 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, 5 tỉnh Nam bộ và thành phố Hồ Chí Minh để triển khai công tác phòng chống cơn bão số 16. Thủ tướng nhận định, bão số 16 được cảnh báo nằm trong cấp thảm họa, có thể gây thiệt hại rất lớn, nếu chủ quan trong chỉ đạo. Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng bão không được chủ quan trong chỉ đạo ứng phó. Và Thủ tướng đã không hài lòng khi thấy nhiều lãnh đạo đứng đầu các địa phương không dự họp. “Tại các tỉnh vùng trung tâm bão chỉ thấy có phó chủ tịch dự họp”. Ông gay gắt: “Các anh chủ quan quá đi!”.

Câu chuyện đáng lo ngại ở đây, là việc các địa phương ở khu vực miền Nam hầu như không có đủ kinh nghiệm ứng phó với các cơn bão lớn, trong khi, thời kỳ biến đổi thời tiết, khí hậu trên toàn cầu đã diễn ra mấy chục năm. Dù cấp chính phủ đã liên tục cảnh báo, đã thay đổi chính sách, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất mức tàn phá, thiệt hại do thiên nhiên gây ra. Và dù từng đã có những bài học đau đớn, nhưng tư tưởng chủ quan vẫn còn thể hiện rõ qua việc lơ là, mà có thể nói thẳng: đó là tư tưởng coi thường những chỉ thị của Thủ tướng, không thực hiện quyết liệt và đầy đủ những mệnh lệnh của Thủ tướng.

Tư tưởng chủ quan của lãnh đạo một số tỉnh, trong chỉ đạo ứng phó với bão số 12 vừa qua và bão Linda năm 1997, đã góp phần để lại những mất mát rất lớn về người và tài sản. Có chuyên gia đã lưu ý rằng, các cơ quan nhà nước thì có phương án phòng chống bão lụt, và hằng năm đều có diễn tập. Nhưng đa số dân chúng phía Nam thì vẫn thờ ơ, ít quan tâm.

Thực ra, những lãnh đạo ở các địa phương này không phải là không biết làm gì, vì những việc phải làm đã được liệt kê đầy đủ, chi tiết trong các công điện của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và công điện của Chính phủ. Vấn đề là cần phải bỏ tư tưởng chủ quan, phải nghiêm túc chấp hành những cảnh báo của các cơ quan chuyên môn, thực hiện đúng những chỉ thị của Thủ tướng. Và như Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Nếu bão suy yếu, đó là một may mắn với chúng ta, thì đây cũng là dịp thực hành cần thiết để chống chọi với thiên tai, lũ lụt”.

Hiện tượng việc cấp trên chỉ đạo mà cấp dưới không chấp hành, là hiện tượng không phải là hiếm hoi ở nhiều nơi. Ngoài những chỉ thị về phòng chống bão lụt bị lơ là, còn các những chỉ thị khác nữa. Trong những ngày áp Tết này, lại rộ lên việc ban hành chỉ thị “nghiêm cấm tặng quà cấp trên dưới mọi hình thức”, từ Ban Bí thư, Bộ Công an, UBND TP.HCM…, và các các cơ quan, bộ ngành khác nữa.

Năm nào cũng như năm nào, đều có lệnh đấy.

Nhưng lệnh này có nhiều người nghe và thực hiện không?