| Hotline: 0983.970.780

Chi tiêu của chính quyền địa phương, ai quyết?

Chủ Nhật 16/08/2015 , 14:54 (GMT+7)

Những vấn đề đặt ra từ các dự án khổng lồ ở địa phương cho thấy đã đến lúc cần minh bạch một bức tranh chi tiêu và vay nợ ở các địa phương.

Nhiều địa phương vùng Tây Bắc là các tỉnh nghèo, thương xuyên phải nhận trợ cấp của trung ương ở mức cao nhất. Trong ảnh: Đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang. Ảnh: KINH LUÂN


Góc khuất chi tiêu ngân sách địa phương

Sơn La cũng như nhiều địa phương vùng Tây Bắc khác là các tỉnh nghèo, thường xuyên phải nhận hỗ trợ của trung ương ở mức cao nhất. Như trong Nghị quyết phân bổ dự toán ngân sách của tỉnh này năm 2015 thì có xấp xỉ 70% tổng nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng là do ngân sách trung ương cấp phát (6.516 tỉ đồng trong tổng số 9.324 tỉ đồng).

Dù Sơn La hay các địa phương khác có công bố dự toán phân bổ ngân sách hàng năm và quyết toán thì cũng chỉ là những con số ngắn gọn về tổng thu, tổng chi hay các khoản thu, chi lớn. Nếu như không có nghị quyết riêng về một quần thể dự án lên đến gần 1.400 tỉ đồng nói trên thì cả nước đâu dễ biết được một dự án đầu tư lớn, tới khoảng một nửa thu ngân sách năm 2015 trên địa bàn tỉnh sẽ được mọc lên. Và cũng rất ít người biết dự án này mới chỉ có con số khái toán về vốn, chứ chưa rõ nguồn vốn cụ thể được bố trí thế nào.

Đặc biệt, trong dự toán này, dự tính sẽ có một phần nguồn vốn lấy từ ngân sách trung ương rót cho địa phương. Luật Đầu tư công hiện hành ghi rõ việc cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, khả năng cân đối vốn đầu tư. Các dự án có sử dụng vốn từ ngân sách trung ương phải tuân thủ quy trình lựa chọn, đầu tư dự án. Nghĩa là chỉ khởi công dự án khi đã bố trí được nguồn vốn. Theo kế hoạch, chỉ còn ba tháng nữa dự án sẽ khởi công mà các vấn đề này chưa có hoặc chưa rõ.

Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) cũng quy định rằng các quyết định đầu tư dự án có sử dụng vốn hỗ trợ của ngân sách cấp trên thì trước khi quyết định đầu tư, phải có thỏa thuận bằng văn bản của cấp có thẩm quyền về mức vốn hỗ trợ. Dự án này dự kiến có sử dụng một phần vốn ngân sách trung ương nhưng Chính phủ không được rõ, không được xin ý kiến là trái các quy định hiện hành.

Ngoài ra, cần thiết phải thẩm định cả cách thức huy động vốn của các địa phương cho dự án. Như cách mà tỉnh Sơn La báo cáo rằng ngoài vốn ngân sách, thì tỉnh sẽ huy động vốn xã hội hóa, đặc biệt là nguồn của các doanh nghiệp. Liệu rằng việc kêu gọi vốn xây dựng tượng đài có biến thành nỗi lo cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn các tỉnh trong điều kiện kinh doanh khó khăn hay không? Việc rót vốn để xây tượng đài sẽ kèm theo các điều kiện “đánh đổi” thế nào giữa địa phương và doanh nghiệp?

Phải siết vay nợ của chính quyền địa phương

Luật NSNN mới được Quốc hội sửa hồi tháng 5 vừa qua. Một trong những nội dung được sửa và đã gây nhiều tranh luận là tiêu chí kiểm soát nợ của chính quyền địa phương trong luật mới thế nào để không gây ra những gánh nặng cho ngân sách địa phương và trung ương. Luật cũ quy định dư nợ từ nguồn vốn huy động của ngân sách cấp tỉnh không được quá 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh. Trừ Hà Nội và TPHCM được áp dụng cơ chế đặc thù là được phép vay nợ 100% so với vốn đầu tư XDCB hàng năm. 

Vấn đề là không có một báo cáo thống kê chính thức nào về tình hình vay nợ cụ thể ở từng địa phương.

Rất nhiều ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội suốt năm qua đề nghị thay đổi tiêu chí này, thậm chí đề xuất sửa đổi thành bốn mức dư nợ từ 30-150% vốn XDCB cho các địa phương, tùy theo từng địa phương, Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính ngân sách và Quốc hội đã không đồng ý mà chỉ cho phép Hà Nội và TPHCM được vay nợ không vượt quá 60% tổng thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.

Các địa phương có số thu ngân sách lớn hơn chi thường xuyên thì được vay không quá 30% thu ngân sách theo phân cấp. Còn các địa phương có số thu ngân sách ít hoặc bằng chi thường xuyên chỉ được vay nợ không quá 20%.

Lý do của việc siết lại mức vay nợ này là vì bội chi ngân sách địa phương được tính vào tổng bội chi NSNN, do Quốc hội quyết định. Cho phép chính quyền các địa phương vay nợ thế nào trên cơ sở tính toán khả năng trả nợ của địa phương, không làm nợ công tăng nhanh là một bài toán cần phải giải. Nếu không tính toán đúng, kiểm soát kỹ việc này, tình trạng rót vốn hoặc không xác định được nguồn vốn, đầu tư chưa rõ ràng như ở Sơn La hay các dự án tại “đại công trường” Hà Giang những năm trước sẽ có cơ hội tái diễn.

Vấn đề là không có một báo cáo thống kê chính thức nào về tình hình vay nợ cụ thể ở từng địa phương. Báo cáo về sử dụng vốn vay, quản lý nợ công của Chính phủ gửi Quốc hội hàng năm có đề cập một phần đến việc đi vay của địa phương, song đơn giản cũng chỉ là các con số thống kê tổng số dư nợ. Năm 2014, con số này là 16.290 tỉ đồng. Còn tổng số vay nợ trước đó tính đến cuối năm 2013 là 52.776 tỉ đồng. Trong số này, chỉ có các khoản vay thông qua phát hành trái phiếu của chính quyền các địa phương là được thông tin chi tiết hơn. Còn từng địa phương vay kho bạc, vay ngân hàng phát triển bao nhiêu tiền, khả năng trả nợ của từng địa phương ra sao... thì không ai biết.

Chính phủ thừa nhận với Quốc hội trong báo cáo về nợ công hồi tháng 5 vừa qua rằng: sức ép cho phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội ngày càng lớn, cộng với nhận thức về nợ công còn hạn chế, coi các nguồn vốn công là sự hỗ trợ của Nhà nước, trách nhiệm trả nợ thuộc về NSNN nên các bộ, ngành, địa phương thường đề xuất gia tăng quy mô, mở rộng diện huy động vốn vay khiến cho dư nợ công tăng nhanh.

 

(TBKTSG Online)

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm