| Hotline: 0983.970.780

Chi trả tiền bồi thường của Vedan: Đến lượt người dân Đồng Nai tố cáo

Thứ Năm 27/01/2011 , 08:46 (GMT+7)

Trong 2 ngày chi trả đầu tiên (25 – 26/1), hàng chục người dân đã la lối ngay tại trụ sở UBND xã Phước Thái...

Quang cảnh ngày đầu chi trả tiền Vedan bồi thường tại UBND xã Phước Thái

Cứ tưởng chính quyền tỉnh Đồng Nai sẽ rút kinh nghiệm trong việc chi trả tiền bồi thường của Vedan cho dân sau khi chứng kiến việc chi trả ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhưng trái lại, trong 2 ngày chi trả đầu tiên (25 – 26/1), hàng chục người dân đã la lối ngay tại trụ sở UBND xã Phước Thái.

Thiệt hại nhiều, bồi thường ít

Sau nhiều lần họp bàn, lấy ý kiến người dân, cuối cùng chính quyền tỉnh Đồng Nai và người dân đã thống nhất cách chia tiền là không bồi thường theo vùng ô nhiễm như cách tính của Viện MT-TN mà tính theo phương thức nuôi (thâm canh được tính bồi thường 420 đồng/m2 mặt nước, bán thâm canh 180 đồng/m2 và quảng canh 60 đồng/m2) nhân hệ số thời gian là số năm thiệt hại. Tuy nhiên, khi lên danh sách đền bù thì người dân bắt đầu la ó, cho rằng số tiền bồi thường quá bất hợp lý. Người làm thực sự, thiệt hại nhiều thì số tiền bồi thường không đáng bao nhiêu, còn người không làm hoặc làm ít lại được bồi thường nhiều!

Bà Huỳnh Thị Hò, ấp 1A, xã Phước Thái bức xúc nói: “Tôi có 4 mẫu đùng nuôi tôm công nghiệp từ năm 1994 đến năm 2005 mới ngưng. Vậy mà họ chỉ bồi thường cho tôi có 14 triệu. Trong khi nhiều người chỉ làm ghe lưới mà lại được bồi thường 30 đến 40 triệu. Mấy ổng muốn cho ai bao nhiêu thì cho chứ chẳng có căn cứ gì cả”. Tương tự, bà Bà Võ Thị Đời, ấp 1B tố: “Gia đình tôi cả thảy 8 người, cả đời chỉ kiếm sống bằng 2 chiếc ghe, đến khi Vedan gây ô nhiễm, gần chục người trong gia đình tôi sống dở chết dở vì không biết làm gì, vẫn phải bám vào dòng sông không còn tôm cá. Vậy mà họ cho gia đình tôi có hơn 1 triệu đồng”.

 Theo tố giác của người dân ấp 1A thì trong danh sách 153 hộ đánh bắt thủy sản của ấp, có đến hơn 20 hộ không nuôi trồng thủy sản bao giờ nhưng vẫn có tên trong danh sách đền bù. Có người bị tật một chân, không thể nào lội nước được, nhưng vẫn có tên. Thậm chí, có người chuyên làm nghề sửa đồng hồ… cũng được bồi thường. “Trong ấp ai làm nghề gì, làm bao lâu, chúng tôi biết rất rõ. Vậy mà họ cứ kê khai ào ào, chẳng làm thủy sản ngày nào cũng kê khai. Hoặc làm ít khai nhiều, như trường hợp ông N. nguyên Bí thư xã Phước Thái, ổng cũng có đùng tôm khoảng 2 sào, làm được hai năm thì bán đùng cho người khác san lấp xây nhà. Vậy mà kê khai 4,2 sào với thời gian 12 năm! Trong khi nhiều người làm thật sự, khai đúng lại bị hạ thời gian, diện tích hoặc hình thức làm để giảm tiền đền bù xuống”. Ông G. ấp 1A nói.

Ngân hàng thừa cơ siết nợ

“Xã Phước Thái được tính bồi thường hơn 16 tỷ. Trong đó đánh bắt thủy sản được bồi thường 5 tỷ (đã chi trả). Diện tích mặt nước được bồi thường toàn xã 515 hécta, với tổng số tiền hơn 11 tỷ. Trong đó người dân chỉ có 140 hécta, được bồi thường hơn 1,5 tỷ (đã chi trả xong), phần còn lại là diện tích tự nhiên do nhà nước quản lý được bồi thường hơn 9 tỷ. Số tiền này nhà nước cũng sẽ chia cho số hộ dân bị thiệt hại. Tuy nhiên chia như thế nào và bao giờ chia thì chưa biết” - ông Lương Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thái.

Bà Huỳnh Thị Đẹp, ấp 1A, xã Phước Thái được bồi thường số tiền 9.285.000 đồng. Khi đến nhận tiền, bà Đẹp rất bất ngờ khi chỉ nhận được số lẻ 285 ngàn đồng và kèm theo một biên lai thu nợ của ngân hàng NN- PTNT huyện Long Thành. “Tôi có vay ngân hàng 10 triệu để làm đùng nuôi thủy sản nhưng thất bại liên tiếp nên chưa có tiền trả. Tưởng có ít tiền trang trải Tết, ai ngờ họ thu nợ hết 9 triệu. Chồng tôi năn nỉ họ, xin khất lại một nửa nhưng họ nhất định không chịu. Rất nhiều người bị ngân hàng siết nợ như tôi, có người sau khi trừ nợ xong còn 10 ngàn đồng mang về! Thậm chí mấy hộ vay tiền xóa đói giảm nghèo cũng bị trừ nợ luôn”.

Anh Lê Văn Nũng, ấp 1A, được bồi thường 3,1 triệu, khi lãnh tiền ra anh cũng bị trừ nợ ngân hàng 1 triệu. Điều đáng nói là anh không hề vay tiền ngân hàng. “Họ nói trừ tiền vay năm 1994. Trong khi tôi bị ở tù từ năm 1991 đến 1995 mới về. Tôi cũng chưa bao giờ đến ngân hàng vay tiền”. Điều ngạc nhiên là lãnh đạo xã Phước Thái không hề biết việc ngân hàng đến siết nợ những hộ dân lãnh tiền bồi thường. “Ngân hàng xuống thu nợ chúng tôi không hề biết. Không có chuyện chúng tôi phối hợp với ngân hàng thu nợ của bà con. Bây giờ các anh nói tôi mới biết là có chuyện thu nợ này” - ông Lương Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Ban chi trả tiền bồi thường Vedan xã Phước Thái cho biết.

Không chỉ việc siết nợ của ngân hàng gây bất bình cho nhiều người, cách cư xử của một số cán bộ phụ trách giải quyết các thủ tục pháp lý cho việc chi trả cũng làm việc một cách cứng nhắc, gây khó khăn cho người đi lãnh tiền. “Cha tôi năm nay 72 tuổi, bị bại liệt, phải đút từng muỗng nước, ngồi dậy còn không nổi, làm sao đi lãnh tiền? Vậy mà họ nhất định không cho tôi lãnh thay".

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất