| Hotline: 0983.970.780

Chi trả tiền Vedan bồi thường: Dân khiếu kiện việc phỏng vấn, điều tra

Thứ Ba 28/12/2010 , 11:05 (GMT+7)

Nhiều hộ dân tại Phước Hòa, Tân Phước, Mỹ Phước bức xúc, khiếu nại, cho rằng việc phỏng vấn điều tra thiệt hại của chính quyền không công bằng, thiếu minh bạch.

Bà con nông dân Mỹ Xuân: Phỏng vấn chỉ là hình thức, tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh

Mặc dù đã nhận được số tiền bồi thường nhiều gần gấp ba sau khi chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu áp dụng phương án chia tiền “cào bằng”, nhưng rất nhiều hộ dân tại Phước Hòa, Tân Phước, Mỹ Phước (huyện Tân Thành) vẫn bức xúc, khiếu nại vì cho rằng việc phỏng vấn điều tra thiệt hại của chính quyền không công bằng, thiếu minh bạch.

"Thật thà húp cháo"

“Thật thà húp cháo. Nói láo ăn cơm”- đó là câu cửa miệng của rất nhiều người dân 4 địa phương của huyện Tân Thành được nhận tiền bồi thường đợt 1 của Vedan khi nói về cái gọi là phỏng vấn, điều tra để xác định mức thiệt hại làm cơ sở bồi thường của chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Sau khi người dân kê khai diện tích, số năm nuôi trồng thủy sản, cấp huyện và xã xuống xác minh thực tế, các hộ dân được mời phỏng vấn điều tra (việc phỏng vấn do đoàn cán bộ Sở và Phòng NN-PTNT, Chi cục Thủy sản chia nhóm hai người về một xã để phỏng vấn với sự hỗ trợ của cán bộ xã địa phương).

Ông Lê Hữu Minh, ấp Tân Lộc, Phước Hòa cho biết “Tôi có 3,2 mẫu đùng tôm nuôi hình thức quảng canh cải tiến (QCCT), thời gian 14 năm. Khi phỏng vấn tôi chỉ được tính bồi thường 120 triệu đồng. Trong khi người khác chỉ có 0,5 mẫu tôm cũng nuôi bằng QCCT, thời gian 8 năm, vậy mà phỏng vấn được đền bù tới 360 triệu! Có người chỉ có 1 mẫu với thời gian 12 năm, lại được bồi thường theo phỏng vấn 156 triệu. Các anh lướt qua danh sách đền bù này thì thấy, vô số trường hợp cùng một diện tích như nhau, hình thức nuôi trồng giống nhau, số năm bằng nhau nhưng số tiền bồi thường chênh lệch nhau hàng trăm triệu”.

Bà Võ Thị Minh, ấp Tân Lộc, Phước Hòa bức xúc cho biết: Nhà bà có 7 mẫu mặt nước nuôi tôm sú và 7 mẫu muối, thời gian làm muối và nuôi tôm bằng nhau, từ năm 1998 đến nay. Lúc làm tờ khai thiệt hại, ông Tình, chồng bà ghi nhầm từ nuôi tôm sú thành tôm thẻ chân trắng. Đến lúc cán bộ phỏng vấn hỏi gia đình bà nuôi loại thủy sản gì, chồng bà nói nuôi tôm sú. Cán bộ phỏng vấn vặn lại nuôi tôm sú sao ghi tôm thẻ chân trắng? Theo “qui định”, nuôi tôm thẻ chân trắng thì không được bồi thường. Nếu đồng ý thì bồi thường 3 sào, không đồng ý thì không có gì luôn.

Vì nghĩ có còn hơn không nên ông Tình đồng ý. Kết quả, phỏng vấn xong gia đình bà Minh từ 7 mẫu muối xuống còn 5 mẫu. Còn diện tích tích mặt nước gần như mất trắng khi cán bộ phỏng vấn chỉ cho gia đình bà 3 sào mặt nước nuôi tôm với thời gian 1 năm!

Tiêu cực khi phỏng vấn?

Quá trình thực hiện phỏng vấn, điều tra của cơ quan chức năng đã khiến hàng trăm hộ dân bức xúc. Đơn cử như trường hợp ông Đào Duy Tưởng, ở xã Tân Hòa. Năm 2004, ông Tưởng mua lại 6 mẫu đất ở Phước Hòa của người bạn là ông Nguyễn Thanh Bình, trong đó có 1,5 mẫu đùng nuôi tôm và vẫn canh tác liên tục đến nay đã được 6 năm. Lúc mua bán, ngoài giấy tay, ông Bình còn giao cho ông Tưởng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, biên lai thuế đất, hộ khẩu...

Cầm được giấy tờ này, ông Tưởng cứ yên chí làm ăn mà không tính chuyện hợp thức hóa mảnh đất sang tên mình. Và rắc rối đã đến khi ông kê khai đền bù. “Anh Hà (Kim Thái Hà, phụ trách nông nghiệp xã Phước Hòa) gây khó dễ cho tôi, đòi tôi phải đi tìm chủ đất cũ về kê khai, nếu không thì tôi không thể dự phỏng vấn. Nhưng cả gia đình ông Bình đã bán hết nhà đất ở đây lên TPHCM sinh sống, làm sao tìm được? Biết được cái khó của tôi, anh Hà đã gợi ý và nói để anh ta lo, chứ tôi không được dự phỏng vấn vì không đủ giấy tờ pháp lý. Tôi đã đưa tiền cho anh Hà hai lần, mỗi lần 300 ngàn. Nhưng kết quả cuối cùng thì sao? Một 1,5 mẫu tôm của tôi với thời gian 6 năm mà chỉ được bồi thường 4,2 triệu đồng! Tôi canh tác ở đây bao năm nay, chính quyền xã này đâu lạ gì, bà con không ai không biết, vậy mà…”- ông Tưởng nói trong uất nghẹn.

Nội dung mẫu biên bản phỏng vấn do Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư soạn thảo có độ dài hơn 5 trang giấy A4, khá chi tiết và bài bản. “Mấy xã khác thì tôi không biết, chứ riêng xã Phước Hòa do tôi và một cán bộ nữa đảm trách việc phỏng vấn. Tôi cam đoan không hề có tiêu cực trong phỏng vấn. Mỗi ngày chúng tôi chỉ phỏng vấn khoảng 10 người là hết ngày” -anh Nguyễn Hữu Thi, cán bộ Chi cục Thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu, phụ trách phỏng vấn bà con nông dân xã Phước Hòa cho biết.

 Còn anh Hà, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng khẳng định: “Tôi phụ trách phỏng vấn ở Mỹ Xuân, mỗi ngày chúng tôi phỏng vấn từ 8 đến 10 người, ngày nào nhiều lắm cũng chỉ 12 người. Mất khoảng một tháng mới xong toàn bộ”. Tuy nhiên, nếu phỏng vấn một ngày với số người chỉ đạt như anh Hà nói thì phải mất gần 2 tháng mới xong chứ không thể một tháng. Bởi vì Mỹ Xuân có đến 418 hộ dân. Còn tất cả những nông dân đã dự phỏng vấn chúng tôi gặp đều khẳng định mỗi người vào phỏng vấn chỉ vài phút, chủ yếu là vào ký biên bản chứ cán bộ phỏng vấn chẳng hỏi gì. “Nói là phỏng vấn, nhưng họ có hỏi gì đâu, mỗi người được gọi vào phòng, gặp cán bộ, họ nói vài câu rồi kêu ký biên bản. Mỗi người vào chừng 3 phút là ra. Chúng tôi cũng chẳng biết họ ghi cái gì trong đó nữa” - ông Chu Văn Thuận, xã Mỹ Xuân cho biết.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm