| Hotline: 0983.970.780

‘Chia chác’ suất ăn công nghiệp ở Vĩnh Phúc: [Bài 2] Ngã giá trên bữa ăn của học sinh và công nhân

Thứ Ba 02/07/2024 , 07:30 (GMT+7)

Người đàn ông tự xưng cán bộ Phòng Giáo dục ở Vĩnh Phúc cho biết sẽ ‘lại quả’ từ 500 đồng đến vài nghìn đồng/suất ăn, nếu có hợp đồng.

Anh là cán bộ, ‘bao’ được hết

“Nói không giấu gì các chú, anh là cán bộ Phòng Giáo dục huyện Bình Xuyên, anh chơi với nhiều nơi nên chuyện thanh tra, kiểm tra bếp ăn và mấy chuyện liên quan, anh ‘bao’ được hết. Các chú cứ lo đầu mối để hai bên ký hợp đồng với nhau. Anh chia cho các chú mỗi suất ăn ít nhất 1.000 đồng”, người đàn ông xưng là đại diện Công ty TNHH MTV Hải Đăng Vĩnh Phúc, nói.

Người này xưng là Phan Anh Đạt, cán bộ phòng tổ chức, thuộc Phòng Giáo dục huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ông Đạt tuyên bố đang là nhà cung cấp thực phẩm cho khoảng 20 trường học ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài ra, doanh nghiệp của ông Đạt làm chủ, cũng cung cấp thực phẩm cho một số bếp ăn công nghiệp cho công nhân.

“Nếu các chú kết nối được với trường học, thì mỗi suất ăn của học sinh, anh cắt lại 500 đồng gửi các chú. Còn nếu bếp ăn dành cho công nhân, thì ít nhất mỗi suất anh cắt lại cho các chú 1.000 đồng”, ông Đạt nói.

Theo ông Đạt, tiền ‘chia chác’ này có thể cao hơn, song khó có thể vượt mức 3.000 đồng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến bữa ăn của công nhân. Nếu ‘lại quả’ 2.000 đồng/suất, chất lượng bữa ăn sẽ giảm rất nhiều. Miếng thịt, miếng giò chả sẽ mỏng hơn, hoặc đồ tráng miệng ít đi, rau ít đi, hoặc đơn giản là ít canh hơn.

Theo giấy tờ mà ông Đạt cung cấp, Công ty TNHH MTV Hải Đăng Vĩnh Phúc (Công ty Hải Đăng) có trụ sở tại Thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Chủ sở hữu là ông Dương Văn Minh, sinh năm 1996. Người đại diện theo pháp luật là ông Trần Minh Tú, sinh năm 1982. Hai người này đều thường trú tại Vĩnh Phúc.

Lần theo số điện thoại trên website của Công ty Hải Đăng, chúng tôi gọi đến đường dây nóng 098217…, thì người nghe máy và đến gặp đàm phán hợp đồng là ông Đạt.

Ông Đạt nói do bản thân là “cán bộ Nhà nước” nên không trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp, mà nhờ người đứng tên.

Nếu theo cách tính của ông Đạt, bình quân mỗi bữa ăn cho 1.000 học sinh, thì phía môi giới sẽ được hưởng 500.000 đồng mỗi bữa. Con số này nếu nhân cho 20 trường, thì là 10 triệu đồng mỗi ngày. Giả thiết mỗi tháng, bếp ăn nhà trường hoạt động 20 buổi, thì con số chia chác là 200 triệu đồng.

Còn với bếp ăn cho công nhân, mỗi 1.000 suất ăn, ông Đạt sẽ cắt trực tiếp từ đó ra ít nhất 1.000 đồng. Giả thiết bếp ăn công nhân hoạt động 25 buổi mỗi tháng, tiền chia chác là 3.000 đồng, con số mà người ta cắt từ suất ăn của người lao động 70 triệu đồng/tháng. Ông Đạt nói phải “bóp” từ suất ăn công nhân để chia chác, do đó con số không thể quá 3.000 đồng/suất.

Một chiêu trò khác mà ông Đạt hướng dẫn chúng tôi, là khai man hóa đơn. Theo đó, doanh nghiệp của ông Đạt và đối tác vẫn dùng hóa đơn đỏ, song không phải là hóa đơn giá trị gia tăng. Đó là hóa đơn trực tiếp, chỉ phải chịu thuế 5%, thay vì 10% như hóa đơn giá trị gia tăng.

Ông Đạt ví dụ với suất ăn theo mức phổ biến ở các bếp ăn công nghiệp là 35.000 đồng, thì dùng hóa đơn trực tiếp sẽ chỉ phải chịu thuế 5%. Số 5% còn lại, ông Đạt gợi ý “anh em mình chia nhau”.

Người đàn ông này nói đó là cách tối ưu lợi nhuận mà Công ty Hải Đăng áp dụng nhiều năm nay.

Về vấn đề VSATTP, ông Đạt quảng bá nhà làm lò mổ nhiều năm, nên “không thể có chuyện ngộ độc” như Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam.

Người đàn ông xưng tên là Phan Anh Đạt, cán bộ Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, ngã giá với nhóm PV về việc 'ăn chia' hợp đồng cung cấp thức ăn cho khu công nghiệp và trường học.

Trọn gói

Khác với các doanh nghiệp trước đó, ông Đạt khẳng định sẽ cung cấp toàn bộ thực phẩm, từ rau củ đến thịt cá v.v. nếu chúng tôi giúp ký kết hợp đồng với công ty thuộc khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc.

Theo ông Đạt, hiện Công ty Hải Đăng đang có hợp đồng với Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Vĩnh Phúc, cũng trọn gói.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc các đoàn thanh tra, kiểm tra VSATTP, ông Đạt khẳng định sẽ ‘bao’ hết. “Anh cũng đang làm với 2 doanh nghiệp Hàn Quốc, mấy chuyện đó anh hiểu. Ngoài ra bên anh còn làm cho các trường học nữa, các chú cứ yên tâm. Các đoàn kiểm tra như nào bọn anh lo hết”.

Chuyện quà cáp cho đoàn kiểm tra, ông Đạt khẳng định sẽ lo chủ yếu, doanh nghiệp đối tác chỉ phụ giúp. “Cứ yên tâm là tất cả các loại ban ngành, bên anh lo”.

Để tăng thêm phần uy tín, ông Đạt giới thiệu “có ông anh” đang làm quan chức tại UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài ra, cũng để chứng minh mình là chủ sở hữu Công ty Hải Đăng, ông Đạt còn cung cấp Báo cáo tài chính năm 2023 và một số giấy tờ pháp lý của công ty này. Theo Báo cáo tài chính năm 2023, Công ty Hải Đăng có lợi nhuận sau thuế hơn 370 triệu đồng, tổng tài sản và tổng nguồn vốn đều khoảng 8,5 tỷ đồng.

Danh sách các trường học, doanh nghiệp mà ông Đạt cung cấp cho nhóm PV. Ông Đạt nói các đơn vị này đều phải 'lại quả' với Hiệu trưởng. Ảnh: Đức Bình.

Danh sách các trường học, doanh nghiệp mà ông Đạt cung cấp cho nhóm PV. Ông Đạt nói các đơn vị này đều phải 'lại quả' với Hiệu trưởng. Ảnh: Đức Bình.

Ông Đạt cũng cung cấp cho chúng tôi văn bản của Chi cục Thuế khu vực Phúc Yên, trực thuộc Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc, xác nhận Công ty Hải Đăng không nợ đọng thuế.

Để xác minh thông tin ông Đạt cung cấp, chúng tôi đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng Phòng Giáo dục&Đào tạo huyện Bình Xuyên. Tuy nhiên, bà Hường nói “đang họp”, chưa thể thông tin. Trên website chính thức của đơn vị này, vị trí cán bộ phòng tổ chức ghi tên ông Phan Anh Đạt.

Theo tài liệu ông Đạt gửi cho nhóm PV, ít nhất Công ty Hải Đăng đang cung cấp thực phẩm cho 02 trường mầm non, 10 trường tiểu học, 04 trường THCS và THPT ở tỉnh Vĩnh Phúc, 01 doanh nghiệp Hàn Quốc ở khu công nghiệp Bá Thiện 1.

Điều gì khiến ông Đạt và doanh nghiệp nhẫn tâm chia chác, ‘lại quả’, trên mỗi suất ăn của học sinh, của người lao động. UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị chức năng liệu có biết việc này?

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.