| Hotline: 0983.970.780

Chiếc linh hồn nhỏ ấy đã về chân núi xanh

Thứ Hai 22/03/2010 , 10:40 (GMT+7)

Có lẽ không giống nào yếu bấy và dễ run rẩy hơn nhà thơ, nhưng nếu cần, anh ta có thể sống khỏe khoắn như một cửu vạn lạc quan, như một hiệp sỹ cùng thế gian chua gắt và thiếu đến cả cây kim, dao cạo...

Khí phách Hữu Loan.
Tôi gặp nhà thơ Hữu Loan lần đầu ở Đại hội 4 Hội Nhà văn 1989, nhưng nghe danh thì rất sớm, vào khoảng những năm 60 (TK XX). Kẻ ngưỡng mộ bỡ ngỡ gặp một nhà thơ bỡ ngỡ sau mấy mươi năm chuyên đục đá đẩy xe cút kít, ông như lạc vào miền đất lạ, cái vùng đất từng do ông góp phần nhỏ khai sơn phá thạch là Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957.

Trông ông hốc hác nhưng rắn rỏi, hơi khác so với bức ảnh rất đẹp mà tôi được ngắm hơn 40 năm trước. Một lão xe cút kít tóc bờm, bay tung trước gió, miệng cười ngạo nghễ đang đẩy xe đá ngược dốc và sắp lên đến đỉnh. Hình như đó là bức ảnh do một phóng viên thông tấn xã bất ngờ chụp được, mà không biết đấy là tác giả bài Mầu tím hoa sim, nó được in trên họa báo Việt Nam và chú thích là Nụ cười lao động; nhà văn Sao Mai cắt từ họa báo ra, dán trên vách nhà bằng cách lấy tăm tre gài bốn góc vào vách nứa trước bàn viết của ông. Tôi nói “hình như”, vì làm gì mà nhà báo không hỏi gốc gác nhân vật, khi chụp được bức ảnh đẹp và gây ấn tượng đến thế? Ông Sao Mai nghe tôi thán phục vẻ đẹp quắc thước và xem khinh gian khó, xong thì thẫn thờ đọc hai câu thơ Quang Dũng, bài Nhớ hữu (hữu không viết hoa, nhưng giới văn nghệ đều biết Hữu là một bút danh khác của Hữu Loan):

Một chiếc linh hồn nhỏ

Đi về chân núi xanh

Tôi thưa, linh hồn là thứ biến hình, sinh sôi; theo quy ước chung, nó phải là giống cái; sao ông Quang Dũng lại gọi là chiếc?

- Quang Dũng là người độc hành, gọi tâm hồn kẻ độc hành khác là Hữu Loan như thế, mới hay.

Dù sao thì bức ảnh cũng chính là một bài thơ độc đáo về nhà thơ Hữu Loan. Nó chứng tỏ rằng, một nhà thơ - có lẽ không giống nào yếu bấy và dễ run rẩy hơn nhà thơ, nhưng nếu cần, anh ta có thể sống khỏe khoắn như một cửu vạn lạc quan, như một hiệp sỹ cùng thế gian chua gắt và thiếu đến cả cây kim, dao cạo:

Sau mỗi lần thắng

Những người lính Đèo Cả

Về bên suối

            đánh cờ

Người hái cam rừng

            ăn nheo mắt

Người vá áo

            thiếu kim

                        mài sắt

Người đập mảnh chai

            vểnh cằm

            cạo râu

Suối mang bóng người

   soi

      những

         về

            đâu? !

(Đèo Cả, 1946)

Cũng nhân thể nói thêm, thơ hay lan tỏa và có thể hoán cải số phận, như cái đẹp của tính cách Hữu Loan đã trợ sức cho Sao Mai vượt qua những năm tháng cơ cực. Tôi nhớ, trước bàn viết của nhà văn bay bướm Sao Mai chỉ có ba vật trang điểm. Bức ảnh Hữu Loan chở đá, bức tranh (cũng cắt từ vựng tập tranh Ý của Bùi Xuân Phái tặng) vẽ người đàn bà tay đỡ cằm, cắn môi chờ vòi nước đang chảy ri rỉ vào cái vò, cạnh những cây to cằn cỗi và bức gốm men lam chân dung Lỗ Tấn mà sau này ông đã cho tôi, nhưng Hữu Loan và người đàn bà chờ nước thì nhất định không, hỏi mượn đem chụp lại cũng không.

Hồi trẻ, Hữu Loan tốt nghiệp tú tài, nhưng chỉ ở nhà dạy học rồi chờ thời tham gia cách mạng. Suốt cuộc đời dài 94 năm của mình, Hữu Loan chỉ làm độ mươi bài thơ, năm 1990 mới in thành tập “Mầu tím hoa sim”. Nhưng thơ Hữu Loan vừa có tính khai phá về thi pháp và nội dung, như Đèo Cả vẫn được coi là niềm tự hào của thi ca cách mạng còn Mầu tím hoa sim thì được con dân cả nước đọc.

Nhà thơ Hữu Loan, sinh ngày 2/4/1916, tại quê nhà là thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Là cán bộ lão thành cách mạng, Hữu Loan từng giữ chức Phó chủ tịch UB Khởi nghĩa huyện Nga Sơn, Ủy viên UB Kháng chiến Hành chính tỉnh Thanh Hóa 1946, kiêm phụ trách bốn Ty: Giáo dục, Thông tin, Công chính và Thương chính; chủ bút báo Chiến sỹ của Sư đoàn 304 ở Liên khu IV. Sau 1954, Hữu Loan về công tác ở Tạp chí Văn nghệ (tiền thân của báo Văn nghệ bây giờ) một thời gian ngắn rồi về Nga Sơn làm nghề thợ đá, nuôi một đàn con. Đời sống văn học của Hà Nội vắng Hữu Loan, bạn bè nhớ ông, cũng chỉ dám nhớ âm thầm như Quang Dũng; thậm chí, ý chí nghị lực lao động lạc quan của ông mà nhà báo cũng tế nhị không ghi tên nhân vật. Đó là những năm tháng buồn.

Chính nhà thơ Hữu Loan kể rằng, nhân vật trữ tình người trai khói lửa và người em gái nhỏ hậu phương chính là ông và vợ ông, bà Đỗ Thị Ninh. Năm 1945, dịp Tuần lễ Vàng, Hữu Loan đi tuyên truyền vận động quyên vàng cho cách mạng. Và anh cán bộ đẹp trai, lại nói hay quá nên cô học trò cũ Đỗ Thị Ninh xinh đẹp 16 tuổi đã tháo ngay xuyến vàng thả vào hòm gỗ trước bàn thờ Tổ quốc, còn tâm hồn cô thì được thả theo hình bóng anh cán bộ Việt Minh bấy giờ đã 29 tuổi; sau đó họ nên vợ nên chồng. Gần gấp đôi tuổi nhau, trong thơ nhân vật nữ được gọi là người em gái nhỏ là vì vậy. Thật lạ, cho đến nay tôi vẫn chưa một lần đọc nó bằng bản in, mà chép tay từ ông Sao Mai đọc và hát cho nghe, nên có thể nói, nó đã thấm qua người tôi như một làn hương, như lời bài hát mẹ ru đặc biệt và lạ lùng. Nghe Sao Mai đọc Mầu tím hoa sim không chỉ thấm cái hay của thơ, mà còn hiểu tường tận về cách thơ không vần hay hơn mọi sách lý luận về nó.

Từ chiến khu xa....

   nhớ về ái ngại

Lấy chồng đời chiến chinh

   mấy người đi trở lại

Nhỡ khi mình không về

   thì thương

      người vợ chờ

         bé bỏng

            chiều quê!

Tôi đã khóc!

Người anh trai từ chiến trường Đông Bắc

Được tin em gái mất

Trước tin em lấy chồng

Tôi đã khóc!

Nhà thơ Hữu Loan và vợ.
Bí quyết của bài thơ ở chỗ này, ở chỗ nó còn là niềm thương mến bên cạnh nỗi đau, tình yêu và niềm thương mến sẽ còn lại mãi và do đó, nỗi đau cũng còn mãi. Và thần tình, ý ở ngoài lời chứ không cần nói rõ ra như Núi đôiQuê hương - là các sáng tạo phái sinh của nó. Và Sao Mai hiểu rất rõ nó, nên ông hát không sến như các ca sỹ Sài Gòn cũ. Có thể nói Sao Mai vừa hát vừa nắn lại nhạc, cho phù hợp hơn so với nhạc cảm bài thơ. Tôi nghe Sao Mai hát nhiều lần, lần nào hát xong Mầu tím hoa sim, thầy trò cũng đều giàn giụa nước mắt, nhưng hạnh phúc.

Còn tôi, lại có thêm một tri thức về thơ không vần. Thơ tự do không vần thực chất là không nương vào vần điệu có sẵn, mà mỗi bài tự nó sáng tạo ra một dạng vần điệu mới; do đó, nó thêm vào, làm giàu có cho kho tàng vần điệu thi ca.

Tôi không rõ lắm, lại cũng chưa có một thống kê khoa học nào nói về đóng góp cho sự thành công của cuộc chiến tranh thống nhất đất nước của Mầu tím hoa sim. Nhưng tôi biết chắc, giới binh lính Sài Gòn cũ đặc biệt thích nghe hát Mầu tím hoa sim. Nghe các ca sỹ giọng sến hát nó thì rã rời khúc ruột, còn ý chí đâu mà kháng cự? Khi tìm hiểu hiện tượng này, tôi có than rằng, cùng với các nhà thơ nhạc sỹ ca sỹ cả nước, Hữu Loan có đóng góp vào mặt trận văn nghệ chống Mỹ; nhưng mấy mươi năm ấy, khi thơ Hữu Loan tiếp tục lan tỏa sức chiến đấu thì chính tác giả cơ hàn ở cố hương.

Tại sân 37 Hùng Vương (Hà Nội) một chiều cuối năm 1989, tôi đã thưa với nhà thơ Hữu Loan như vậy, ông đã khe khẽ cười và bảo, mình không dám nghĩ rứa. Bây giờ, nếu anh linh ông có đọc những dòng này, hẳn cũng lại khe khẽ cười mà không dám nghĩ rứa. Chỉ khi nào không thật sự coi trọng mọi việc, mới có thể dốc hết sức bình sinh cho từng sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật chỉ khi nào ngốn hết sức sáng tạo của ai, mới dành sự bất tử cho anh ta; nghệ thuật không dung chứa sự nửa vời.

Vả chăng, bây giờ thì Hữu Loan lại đã chậm rãi đi trên nẻo đường mới của mình, chậm rãi cho đến ngày tái sinh. Tôi tin rằng, nếu lại được làm người, Hữu Loan lại cũng sẽ:

Một chiếc linh hồn nhỏ

Đi về chân núi xanh

Hà Nội, ngày sinh của tôi, 2010.

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

HLV Hoàng Anh Tuấn: 'U23 Việt Nam gặp vấn đề về tâm lý'

HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ trong phòng họp báo sau trận, ông chỉ hài lòng về mặt kết quả, còn tinh thần toàn đội căng cứng nên đá không đúng ý đồ.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.