Nhiều kẻ ghen ghét
Tuy chỉ là nhà nghiên cứu lịch sử nghiệp dư lại ở tỉnh lẻ Thái Bình nhưng xét về độ say mê sử học thì ít người bằng Đặng Hùng. Đọc trong sách vở, tàng thư chưa đủ, ông sẵn sàng dùng số tiền lương hưu ít ỏi của mình để quanh năm, suốt tháng đi điều tra, thực địa hàng trăm di tích, lịch sử trong và ngoài tỉnh, đặc biệt liên quan đến dòng dõi của các vị vua nhà Trần. Những cuộc điền dã đó là dịp để ông ngẫm ngợi sách viết đúng hay là sai, có những gì cần phải bổ sung, phát triển thêm nữa hay không.
Chân dung nhà nghiên cứu Đặng Hùng. |
Tính ông thẳng, thấy cái gì bất minh trong nghiên cứu là bóc mẽ, dù có là công trình nghiên cứu của những người chức tước, phẩm hàm cao chót vót trong giới học thuật cũng không buông tha. Không lụy quyền, không lụy tiền nên đôi lúc Đặng Hùng thành ra cô độc. Bạn bè thân cũng ít mà ngược lại kẻ ghen ghét thì lại nhiều, tai bay vạ gió liên tiếp tìm đến.
Mới đây một chiếc “vòng kim cô” bỗng từ đâu chụp vào đầu, khiến ông phải đớn đau, quằn quại, chẳng phải vì sợ lao lý mà chỉ buồn vì lẽ thế thái nhân tình. Cái giải thưởng cấp tỉnh mang tên Lê Quý Đôn trao cho ông từ năm nảo, năm nào giờ đây cũng bị bới lên, nghi ngờ là do…chạy chọt mà có.
Một ông già ngót 80 tuổi là Ngô Công Chuẩn bỗng nhiên gửi đơn tố cáo lên tận Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Sở Công an với những nội dung rất nghiêm trọng như sau: “…Tố cáo về hành vi khuất tất, gian lận trong việc nhận giải thưởng văn học nghệ thuật Lê Quý Đôn giai đoạn 2002-2012 và việc vi phạm sở hữu trí tuệ của Đặng Hùng-hội viên chi hội Văn học, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình…
Giải văn học nghệ thuật Lê Quý Đôn được chọn chấm từng bước, từ sơ khảo đến chung khảo của các chi hội chuyên ngành, là hội viên của Chi hội Văn học, Đặng Hùng đã gửi cuốn sách “Long Hưng đất phát nghiệp vương triều Trần”…Sau khi nộp lưu chiểu năm 2010 cuốn sách này được phát hành đến tay nhiều bạn đọc…
Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử ở Thái Bình cũng như Hà Nội cuốn sách không phải là do Đặng Hùng tự nghiên cứu viết ra. Đặng Hùng xuất thân từ ngành công an bị thải hồi, không được đào tạo, không biết gì về Hán, Nôm làm sao có khả năng viết sử về triều Trần? Nội dung cuốn sách này là quá trình nghiên cứu của các nhà sử học, các giáo sư, tiến sĩ tên tuổi đã viết, in ở nhiều sách báo, tạp chí trong cả nước từ nhiều năm nay, ông Đặng Hùng chỉ việc góp nhặt lại biến thành sách của mình và đem đi dự xét giải và bán trên thị trường.
Dư luận hội viên cho rằng cuốn sách “Long Hưng đất phát nghiệp vương triều Trần” của Đặng Hùng sẽ bị hội đồng sơ khảo Chi hội Văn học loại khỏi giải Lê Quý Đôn, biết trước sẽ bị loại nên Đặng Hùng đã nhanh chân chạy chọt với bà Trần Thanh Phượng-Phó Chủ tịch hội đồng giải thưởng để chuyển sang chọn chấm giải ở Chi hội Văn nghệ Dân gian. Kết quả cuối cùng Đặng Hùng đã được Hội đồng giải thưởng Lê Quý Đôn trao tặng giải nhì giai đoạn 2007-2012 cho cuốn sách “Long Hưng đất phát nghiệp vương triều Trần”…
Đặng Hùng đã không thể hiện được vai trò của người viết sử trước sự phát triển của đất nước, ngược lại Đặng Hùng còn sử dụng mạng xã hội facebook để chia sẻ những bài viết tuyên truyền, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng ta phát động, xuyên tạc lịch sử…Tôi đề nghị các ngành chức năng vào cuộc để thu hồi giải thưởng Lê Quý Đôn của Đặng Hùng…Xử lý Đặng Hùng theo quy định của pháp luật”.
Giải thưởng Lê Quý Đôn của Đặng Hùng. |
Về điều này, ông Đặng Hùng giải thích: Họ tìm mọi cách đổ tội cho tôi để thu hồi cuốn sách: "Long Hưng đất phát nghiệp vương triều Trần” vì đã lật tẩy sự ngụy tạo ra một nhân vật thần thoại hoang tưởng. Còn ý kiến cho rằng tôi ở Chi hội Văn học sao lại gửi tác phẩm sang chi hội Nghiên cứu Văn hóa Dân gian và tố cáo tôi chạy giải thì do đặc thù Chi hội Văn học là văn thơ, không có chuyên môn về các tác phẩm nghiên cứu vì thế Hội đồng Nghệ thuật của chi hội này đã kiến nghị Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Thái Bình cho phép chuyển tác phẩm của tôi sang Chi hội Nghiên cứu Văn hóa Dân gian. Hội đồng Nghệ Thuật chi Hội Văn hóa Dân gian đã nhất trí (sau khi có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Văn nghệ Thái Bình), trình lên hội đồng nghệ thuật xét giải thưởng Lê Quý Đôn của tỉnh.
Kích động và xúi giục
Trong các buổi làm việc về nội dung đơn như trên tại Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, ông Chuẩn không cung cấp được những bằng chứng để chứng minh luận điểm tố cáo của mình là chính xác.
Đặc biệt là ngày 26/3/2019 làm việc tại Phòng An ninh Chính trị Nội bộ của công an tỉnh Thái Bình, trước các câu hỏi ông có tài liệu, dẫn chứng gì ông Đặng Hùng đã góp nhặt các bài viết, các bài nghiên cứu của các nhà sử học, giáo sư, tiến sĩ có tên tuổi? Ông Chuẩn đã trả lời như sau: “Đối với cuốn “Long Hưng đất phát nghiệp vương triều Trần” tôi không có dẫn chứng, chứng minh ông Đặng Hùng đã góp nhặt các bài viết, các bài nghiên cứu của các tác giả khác, tôi nghe dư luận hội viên nên bức xúc phản ánh lại”.
Đặng Hùng (bên trái) trong một chuyến đi. |
Ông có sử dụng tài khoản facebook cá nhân hay không? Cơ quan công an hỏi tiếp. Ông Chuẩn trả lời: “Tôi không có tài khoản facebook cá nhân”. Vậy tại sao ông biết được việc ông Đặng Hùng sử dụng mạng xã hội facebook để chia sẻ những bài viết tuyên truyền, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng ta phát động, xuyên tạc lịch sử? Ông Chuẩn trả lời: “Tôi nghe dư luận hội viên phản ánh chứ tôi không hề biết sử dụng mạng xã hội, không sử dụng facebook cá nhân”…
Tất cả đều chỉ là lặp đi lặp lại chuyện nghe dư luận đồn thổi rất mơ hồ. Vì thấy đuối lý ngày 23/5/2019 ông Chuẩn đã đến công an tỉnh để rút đơn và tường trình đầu đuôi sự việc như sau: “…Hồi 16h ngày 20/2/2019 nhà nhiếp ảnh Đức Viên cùng với ông Nguyễn Quang (hội viên Chi hội Nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình). Cháu Quang đã gọi cho tôi đến nhà…
Anh Đức Viên đọc bản tố cáo đã được đánh máy từ trước, nội dung tố cáo ông Đặng Hùng. Sau khi nghe đọc xong, hai người gồm ông Đức Viên, Nguyễn Quang bảo tôi ký vào đơn kiện ông Đặng Hùng. Còn đơn tố cáo gửi đi đâu thì tôi không rõ do hai người tự mang đi gửi…Nay tôi làm đơn xin rút kiện ông Đặng Hùng…Xét thấy việc ký đơn ông Đặng Hùng của tôi là do bị người khác kích động, xúi giục”.
Sau khi ông Ngô Công Chuẩn rút đơn nhưng vẫn có một đơn khác với nội dung rất giống, chỉ đảo thứ tự nơi gửi và đảo thứ tự nội dung so với đơn kia được gửi đi khắp nơi khiến mọi việc vẫn rối và nóng như một chảo ngô rang. Đến bây giờ, những người đã chụp lên đầu ông Hùng “chiếc vòng kim cô” đã dần lộ rõ nhưng vẫn chưa rõ ai là người đứng đằng sau đã trao chiếc vòng đó cho họ và nhất là dạy họ cách “niệm thần chú” để khiến cho một nhà nghiên cứu lịch sử ngày đêm phải đau đầu?
Lúc còn làm trong ngành công an tỉnh Thái Bình, ông Đặng Hùng đã bộc lộ sự say mê về nghiên cứu lịch sử, không chỉ sử ngành mà còn là dã sử, chính sử. Đến khi được phân công đi dẹp những người dân nghèo buôn bán ngoài lòng đường, vỉa hè, rời xa việc đèn sách ông thấy chán quá nên xin nghỉ hưu sớm để được thỏa theo ý thích của mình là nghiên cứu về triều đại rực rỡ nhất nhì trong lịch sử Việt Nam, vương triều Trần. |