| Hotline: 0983.970.780

"Chiến hạm" giữa biển khơi

Chủ Nhật 29/01/2012 , 08:39 (GMT+7)

Giữa muôn con sóng cao bạc đầu, Bạch Long Vĩ vẫn vững vàng như một chiến hạm đầy kiêu hãnh. Đảo xa, nơi đó có những con người đang sống và sẵn hiến dâng đến cả giọt máu cuối cùng cho biển đảo quê hương…

Giữa muôn con sóng cao bạc đầu, Bạch Long Vĩ vẫn vững vàng như một chiến hạm đầy kiêu hãnh. Đảo xa, nơi đó có những con người đang sống và sẵn hiến dâng đến cả giọt máu cuối cùng cho biển đảo quê hương…

Bạch Long, con tàu cao tốc to lớn màu trắng của Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng hú một hồi còi dài, chầm chậm rời bến Bính. Từ sáng sớm, anh bạn đồng nghiệp tại Hải Phòng đã chở tôi đi chầu chực ở siêu thị Big C mua một bao tải bánh mỳ làm quà tặng cho thanh nhiên xung phong trên đảo. Những chiếc bánh vẫn còn ấm nóng trên vai. Đối với người dân Bạch Long Vĩ, bánh mì và bia hơi là hai món quà họ hằng ao ước.

Đảo Bạch Long Vĩ

Trước chưa có tàu Bạch Long, những chuyến đi Bạch Long Vĩ bằng tàu nhỏ, giữa đường chết máy trôi dạt vào tận Thanh Hóa, Nghệ An là chuyện thường. Lắm đoàn văn công khi mới lên hừng hực khí thế nhưng khi xuống đảo ai cũng như chiếc giẻ lau tàu vì say sóng, nôn cả ngày lẫn đêm, nhắm mặt lại vẫn không xua tan nổi hình ảnh mũi tàu hết chúc xuống đáy biển lại trồi lên ngang lưng trời. Hải trình nguy hiểm nhất là đoạn qua đảo Long Châu nơi thường có sóng to, gió lớn, sương mù bất ngờ khiến cho nhiều tàu phải bỏ xác.

Từ Bạch Long Vĩ vào đất liền, hễ nhìn thấy Long Châu là biết mình còn sống. Trong một chuyến đi như thế chiếc tàu khách của Bạch Long Vĩ bị tàu hàng khổng lồ của Panama đâm vào. Sóng ào ạt ập vào hai bên sườn tàu, Mai Lâm, đồng nghiệp của tôi ở Báo Hải Phòng, cùng mấy anh em đã tính chuyện tìm dây buộc chặt người vào chiếc giường gỗ với hi vọng còn có xác cho người nhà nhận. Anh đã có 17 lần ra vào Bạch Long Vĩ nhưng chưa bằng một đồng nghiệp là Anh Tú với kỷ lục 35 lượt đi về.

Chuyến hải trình này tôi gặp thầy Nguyễn Việt Hùng, Hiệu phó Trường Trung cấp Bách khoa Hải Phòng, ra khảo sát mở lớp đào tạo công nghệ thông tin cho thanh niên xung phong. Công nghệ thông tin sẽ là chiếc chìa khóa vàng rút ngắn khoảng cách hải đảo và đất liền, mở ra loại hình đào tạo từ xa cho thanh niên trên đảo các nghề như xây dựng, điện, nấu ăn, luật…Tôi cũng gặp thợ lặn Trương Văn Cẩm người đen quánh, dáng quỳnh quàng như một thỏi sắt nguội. Cẩm là quân của đội thợ lặn phường Hạ Lý nổi tiếng đất Cảng với chuyện giải cứu chiếc tàu công - ten - nơ cả ngàn tấn đâm mắc vào cầu Bính. Đội “cá mập xám” Hạ Lý ở môi trường nước ngọt có thể lặn sâu 30 m, ở nước mặn có thể lặn sâu tới 40 -50m, đáy sông, cửa bể là chốn họ vẫy vùng. Lặn sâu là nghề nguy hiểm bậc nhất nên chỉ trong vòng vài năm đã có hai thợ lặn Hạ Lý phải bỏ mạng.

Trở lại chuyện con tàu công - ten - nơ bị đứt dây neo đâm dính vào trụ cầu Bính nếu không kéo ra nhanh gặp con nước to, chiếc tàu nổi lên sẽ nâng bổng cả chiếc cầu treo nổi tiếng. Người ta điều động hàng chục chiếc tàu lớn nối đuôi nhau ghé vào tời kéo nhưng chiếc tàu khổng lồ vẫn không mảy may động cựa. Mốc thời gian chỉ còn một hai ngày. Không còn cách nào khác, nhóm thợ lặn 20 người phường Hạ Lý được vời tới. Từ 7 giờ sáng hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau họ miệt mài lặn hụp, đu bám dưới đáy sông như những con kiến bên con tàu ngàn tấn để mắc cáp vào rồi tời ra bằng một dụng cụ đặc biệt cố định ở trên bờ gọi là “con rùa”. Những sợi dây cáp to bằng cườm tay người lớn, kết cấu bởi một loại thép chịu lực đặc biệt nhưng khi kéo xong con tàu bị biến dạng như lò xo trên bếp điện.

Thanh niên xung phong tham gia sửa nhà sau bão

Anh Cẩm bảo: “Mới tập lặn khi đến độ sâu 5 m là đau tai, đau mũi. Gặp tình huống đó, phải giữ nguyên người bằng hòn đá cỡ 20 kg rồi hít một hơi thật sâu, thở mạnh ra. Tự nhiên hai bên tai nghe tiếng kêu đánh “chíp” cái là hết đau. Lặn xuống tiếp, lại đau, lại làm động tác hít hơi, thở mạnh. Mới tập lặn người nào lên bờ cũng máu mũi chảy ra nhạt nhòa cả mặt. Máu trào ra nhưng không đau, chỉ lấy ít bông trộn dầu cao con hổ rịt vào là khỏi. Ai mà sợ máu sẽ không bao giờ lặn nổi”. Lạ một điều tuy là thợ lặn nhưng những người như anh Cẩm không hề giỏi bơi nếu không muốn nói là… rất kém, chỉ được dăm bảy chục mét. Dưới đáy sông, đáy biển tối như hũ nút, đeo vòng chì nặng cả chục cân bên hông, kềnh càng chiếc bình dưỡng khí to đùng sau lưng mà bước như kiểu dạo chơi nhưng hễ nổi lên mặt nước, chân tay bỗng nặng như chì, luống cuống như người mới tập đi.

Anh Nguyễn Công Hòa, Tổng đội phó Thanh niên xung phong Hải Phòng, giải thích: “Sống ở đảo, xung quanh là trời nước, thanh niên xung phong phải học lặn, học bơi vì nhiệm vụ tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ vùng nuôi trồng thủy sản sâu 6 m mặt nước”. Liên đội Thanh niên xung phong Bạch Long Vĩ có 60 người với sự góp mặt của nhiều tỉnh thành. Họ được tổ chức giống như lực lượng vũ trang với 3 năm phục vụ. Sau đó, nếu ở lại đảo họ sẽ được đóng bảo hiểm, hưởng lương theo ngạch bậc cho đến hết 30 tuổi. Đến 2/3 thanh niên xung phong hết hạn tình nguyện ở lại làm dân thường. Hiện tại đội viên nữ trên đảo có 22 người, nam 35 người cộng với 3 cán bộ phụ trách được chia làm nhiều phân khu như khu A1 độc thân, khu B, C có gia đình…

Thuyền phó Nguyễn Văn Hướng, nguyên bộ đội hải quân chuyển ngành, bảo tôi: “Mùa gió từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau đi biển cực nguy hiểm. Thông thường một chuyến mất 6 tiếng nhưng có những chuyến biển động phải đi 12 tiếng. Cách trở thế, tàu Bạch Long ngoài nhiệm vụ chở khách (mà chỉ lấy với giá vé rất tượng trưng là 150.000đ) lắm lúc còn được trưng dụng chở dân đảo đi cấp cứu vì đau ruột thừa, rắn cắn, trọng thương…hoàn toàn miễn phí cho dù mỗi chuyến tàu đi và về từ đảo vào đất liền tốn 4.000- 5.000 lít dầu, tương đương cả trăm triệu đồng”. Hết ra ngoài ngắm hai con cá heo đang nô đùa cùng những đám bọt khí sủi lên từ chân vịt của tàu Bạch Long, tôi lại leo lên ca bin ở tầng ba ngắm đống thiết bị lạ mắt. Bạch Long Vĩ hiện ra với một dải xanh thẫm trên nền những dãy đá ngầm trải tít tắp.

Tuần tra biển đảo

Tàu lướt nhẹ vào khu cảng rộng cả cây số được bao bọc bởi con đê chắn sóng biển khổng lồ. Ngày gió mùa vài trăm tàu đậu kín đến nỗi người ta có thể đi từ bờ này sang bờ kia của cảng bằng cách chuyền trên nóc tàu. Cũng ở âu cảng này, một thanh niên xung phong tên Cao Văn Viên sinh năm 1989 đã thành thương binh trong đợt chống bão số 10 năm 2009. Cơn bão điên cuồng cấp 15 giật cấp 16, 17. Chiếc tua bin điện gió do Tây Ba Nha lắp cao 55m, nặng vài chục tấn-một biểu tượng của Bạch Long Vĩ ngoài biển xa cả chục cây số còn nhìn thấy đã bị bẻ gãy, quẳng xa như một chong chóng đồ chơi. Những téc nước trên trần nhà nặng vài tấn bị thổi bay trong không gian như những chùm bong bóng. Đám cổ thụ trên đảo bị gió xé ngang thân như người ta róc mía.

Gió thổi như tung người. Giữa cơn thịnh nộ của trời đất, 15 thanh niên xung phong đã bất chấp nguy hiểm ra cứu tàu, cứu dân. Một chiếc tàu câu của Nam Định đang có nguy cơ xô vào đá, chẳng ngại ngần họ xuống nước đẩy tàu ra rồi lấy dây chằng buộc. Thình lình sóng cuồn cuộn nổi lên cao ngang mái nhà xô vào mạn tàu, hất tung mọi người về phía kè. Viên bị quăng vào bờ đá, gãy nát hai đoạn xương đùi, xương ống, chân sưng to gấp ba bốn lần bình thường, để chậm 2-3 ngày là phải cưa bỏ. Hàng trăm chiếc tàu trong âu bị sóng vần vò tan nát chỉ còn sót duy nhất chiếc tàu sắt. May nhờ con tàu đó Viên được đưa vào bờ, chắp ghép xương, khâu 30 mũi, một năm lò dò tập đi và hưởng chế độ thương binh ¾. Sức trẻ hồi nhanh, giờ Viên đang đá bóng cùng chúng bạn trên bãi.

Chị Vũ Thị Ngân, Liên đội trưởng thanh niên xung phong huyện đảo Bạch Long Vĩ, kể về ngày 25/2/1993, 32 đội viên ra đảo bằng tàu đổ bộ “há mồm”. Đập vào mắt mọi người là núi, là cát, là xương rồng, là cỏ dại, không khác gì đảo hoang. Bộ đội khi đó còn ở trong những nhà tranh, vách đất nhưng cũng nhường một cái nhà bằng đá rộng cỡ 60 m2 cho thanh niên xung phong. Tối đầu tiên, sợ và nhớ nhà, họ chỉ biết ôm nhau khóc. Bạch Long Vĩ còn gọi là đảo Vô Thủy vì hiếm nước ngọt. Mùa khô có năm kéo dài 8 tháng ròng không mưa, tất cả việc tắm gội, đánh răng, rửa mặt chỉ bằng một hai ca nước. Con trai cắt tóc, cạo lông mày chắt chiu từng ca nước ngọt hiếm hoi cho chị em gội đầu. Nước quý hơn vàng. Quần áo 5-7 ngày mới tới được “quyền” giặt giũ còn đi làm về chỉ cởi ra treo lên cho khô mồ hôi rồi hôm sau…mặc tiếp.

Bữa ăn của thanh niên xung phong ngày ấy toàn lạc mốc, củ cải muối thay rau. Giữa biển bạc mà không có nổi con cá tươi bởi nếu không có cầu cảng Bạch Long Vĩ là một bãi đá hiểm trở, tàu thuyền không thể ghé vào. Không điện nên đi làm bao giờ liên đội cũng cử một người về sớm lau bóng đèn dầu cho cả khu. Không vô tuyến, tuần hai buổi thanh niên cắt cử nhau leo núi xem nhờ chiếc ti vi đen trắng duy nhất của bên quân đội.

Đảo nhiều chuột. Chuột đàn, chuột núi, chuột nhắt, chuột già. Chuột táo tợn đến nỗi trưa người ngủ còn mò vào cắn chảy máu chân, một tối càn quét đi tong cả 60 gói mì tôm dự trữ. Bạch Long Vĩ cũng không thiếu rắn rết. Ngớt cơn mưa rào, rết bò ra phơi nắng ở sân vài chục con dài cả gang tay, vàng ươm, nằm luồi luỗi. Trước thiên nhiên khắc nghiệt, đã có những thanh niên xung phong bỏ cuộc nhưng không ít người vẫn bền gan. Họ trồng cây thành rừng giữ cho nước ngọt khỏi dốc tuột xuống biển. Họ phá đá, bạt xương rồng mở đường lớn, đường nhỏ giao thông. Những bàn tay chai rộp ngày cần mẫn quai búa, tối chong đèn dùng dao lam rạch thịt lấy từng cái gai nhức nhối.

Trồng cây gây rừng

Trên những tấm lưng trần đầm đẫm mồ hôi từng bao đá, gạch, xi măng…được cõng bộ cả cây số đến công trình xây dựng. Họ cũng làm luôn cả công việc của thợ hồ, thợ xây khi dựng lên hàng loạt nhà di dân, trụ sở các cơ quan, đoàn thể. Đảo tiền tiêu nằm chơ vơ giữa biển, có những đêm 8 lượt máy bay quân sự nước ngoài quần thảo rèn rẹt trên đầu, có những ngày cả đoàn tàu lạ vây kín đảo như một thành phố nổi. Đã xác định ra đây là sẵn sàng cầm súng quyết tử, là hiến dâng đến cả giọt máu cuối cùng cho biển đảo quê hương. Giữa muôn con sóng bạc đầu, Bạch Long Vĩ vẫn vững vàng như một chiến hạm đầy kiêu hãnh.

Chăn nuôi cải thiện

Giờ đây đảo đã có điện, đường, trường, trạm, công viên, nhà cửa to đẹp như trong đất liền. Bạch Long Vĩ có một thung lũng nhỏ và một mỏm đá được cánh thanh niên xung phong đặt tên “Thung lũng tình yêu” và “Hòn vọng phu”. Mỗi khi có chuyện buồn họ thường hay ra ngồi “Hòn vọng phu” ngắm biển, nỗi buồn tan như bọt sóng. “Thung lũng tình yêu” là nơi ươm mầm hạnh phúc biết bao nhiêu cặp gái trai. Tôi gặp Bùi Hồng Thủy 34 tuổi, một chàng trai Hà Nội chính gốc Quảng Bá, Tây Hồ. Thủy ra đảo năm 2004 rồi lấy chị Tạ Thị Tuyết cũng là thanh niên xung phong. Anh cười bảo lần nào về Thủ đô thăm nhà cũng ngắn hơn dự định vì nhớ ngong ngóng, nhớ chênh chao cái vị mặn mòi gió biển. Tôi gặp gia đình anh Phạm Hồng Quang - thủy thủ tàu Bạch Long có tới 3 người đã và đang là thanh niên xung phong gồm vợ chồng anh và bé Hồng. Hồng mới lên đảo mươi ngày má đã bắt đầu thêm hồng, mắt bắt đầu thêm long lanh cái nhìn của dân đảo chỉ hun hút ngoài xa. Người lạ lên Bạch Long Vĩ mươi ngày đã béo tốt lên vì hải sản, vì khí trời, vì quẳng hết mọi lo toan đời thường mà vui sống…

Trên bến cảng, những cái ôm hôn không muốn rời, những bàn tay như muốn níu mãi. Chiều nay gió mùa, Bạch Long chạy nhanh trước gió. Trong những mùa gió, việc ở lại đảo thêm 15- 20 ngày là chuyện thường ngày.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Bình luận mới nhất