* Trận Việt Nam - Iran: 18h thứ Bảy 12/1
Về lý thuyết, Việt Nam có ba lựa chọn cơ bản. Thứ nhất, chủ động đẩy cao đội hình để gây sức ép với Iran ngay từ khi các hậu vệ của họ đang có bóng. Thứ hai, lùi xuống thấp hơn một chút, cho phép các hậu vệ của Iran được cầm bóng, nhưng ngay khi bóng được phát triển lên cao hơn, cho các tiền vệ trung tâm hay các tiền đạo, Việt Nam sẽ lập tức tổ chức pressing quyết liệt. Và cuối cùng, bỏ hẳn khu vực giữa sân, lùi xuống đổ bê-tông trước khung thành, chơi theo cách mà người ta vẫn hay gọi là tử thủ.
Phòng ngự như thế nào trước một đội bóng có thể hình, thể lực và đẳng cấp cao hơn như Iran là một vấn đề lớn với HLV Park Hang-seo. Ảnh: Anh Khoa. |
Trong ngôn ngữ bóng đá, đó là phòng ngự theo khối cao (high block), khối vừa (mid block), và khối thấp (low block). Việc phòng ngự theo khối là điều đương nhiên vì không đội bóng nào có thể quản lý hết diện tích sân, mà phải chọn tập trung vào một số khu vực và hi sinh những khu vực khác. Và cũng đương nhiên, cách phòng ngự nào cũng có ưu điểm, nhưng kèm theo đó là nhược điểm. Để có thêm cơ sở dự đoán về cách chơi của Việt Nam trong trận đấu với Iran chiều nay, hãy xem ưu điểm cũng như nhược điểm của từng cách phòng ngự trong mối liên hệ với thực tế con người mà ông Park đang có cũng như sự khác biệt về trình độ giữa Việt Nam với đối thủ.
Phòng ngự với high block là khi chúng ta đẩy cao đội hình với ý đồ không cho đối phương triển khai bóng một cách thoải mái từ hàng thủ. Các tiền đạo được yêu cầu gây sức ép quyết liệt với các trung vệ, thậm chí thủ môn của đối phương. Cướp được bóng thì quá tốt. Còn không cướp được cũng khiến đối phương vì bối rối mà phải thực hiện các đường chuyền dài mang tính năm ăn năm thua. Hoặc ít nhất là khiến họ không thể lên bóng với một cấu trúc ổn định.
Nói tới high block là nhấn mạnh vào hành động của các tiền đạo. Tuy nhiên, theo nguyên tắc về cự ly đội hình, khi các tiền đạo đẩy cao, các tuyến còn lại cũng phải dâng lên. Ở một số đội bóng chơi high block một cách cực đoan như các đội của HLV Pep Guardiola, các trung vệ thường bước qua cả vạch giữa sân. Mục đích là thu hẹp cự ly, bóp chặt không gian chơi bóng của đối thủ. Rủi ro là khi đối thủ có thể thực hiện những đường chuyền vượt tuyến ra phía sau hàng thủ cho những cầu thủ có tốc độ. Nhưng nếu các tiền đạo và tiền vệ gây sức ép tốt, đối phương thường không có cơ hội thực hiện những đường chuyền kiểu như thế.
Đấy có thể xem là một chiến thuật quá mạo hiểm với Việt Nam, xét tương quan lực lượng với Iran. Tuy nhiên, cũng đừng bất ngờ nếu HLV Park Hang-seo áp dụng chiến thuật này trong trận đấu chiều nay. Ở trận đấu với Nhật Bản tại Asiad 2018, Việt Nam đã chơi pressing quyết liệt bên phần sân của đối thủ trong hiệp một, và được tưởng thưởng với một bàn thắng được ghi theo kịch bản mà chúng ta mong đợi, đó là từ một sai lầm của cầu thủ đối phương.
Tình huống gây sức ép tầm cao của Việt Nam (trắng) khiến các cầu thủ Nhật Bản mắc sai lầm... |
... và từ đó, Quang Hải có cơ hội dứt điểm thành bàn trong trận đấu với Nhật Bản ở Asiad. |
Có thể thấy, trong pha bóng trên, Việt Nam đã tổ chức gây sức ép với cả thủ môn của Nhật Bản. Nhưng mục tiêu không phải là đoạt bóng trong chân anh ta, mà ép anh ta phải chuyền lên, tới vị trí mà chúng ta mong muốn (cách di chuyển của Đức Chinh chính là để "định hướng" đường chuyền tiếp theo của thủ môn đối phương). Và thực tế là ngay khi bóng vừa rời chân thủ môn của Nhật Bản, cả Quang Hải lẫn Văn Toàn đều lập tức áp sát tiền vệ của họ một cách rất nhanh chóng và quyết liệt. Thoáng bối rối khiến cầu thủ này xử lý không tốt, bóng bật ra, và Quang Hải dứt điểm gọn ghẽ thành bàn.
High block là một chiến thuật phòng ngự. Nhưng cũng có thể xem nó là một cách tấn công hiệu quả. Khi đối phương mất bóng, đội hình của họ chắc chắn xộc xệch do chưa thể ngay lập tức chuyển trở lại trạng thái phòng ngự. Và vì vị trí tranh chấp thường diễn ra bên phần sân của đối thủ, nên khoảng cách tới khung thành ngắn hơn. Chúng ta không phải đua sức trên những quãng đường dài, mà có thể tiếp cận khung thành đối phương chỉ sau vài chạm. Như ở trận đấu với U23 Nhật Bản, Quang Hải chỉ cần chạm thêm một chạm trước khi dứt điểm.
Phòng ngự với mid block là cách phòng ngự quen thuộc của Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo. Khi đạt được trạng thái ổn định, hàng phòng ngự năm người sẽ chơi cao hơn so với vạch 16m50 một chút. Các tiền đạo (hai hoặc một) để cho các trung vệ của đối phương thoải mái cầm bóng, chỉ cố gắng chặn những đường chuyền vào trung lộ. Chặn các đường chuyền vào trung lộ cũng là ưu tiên của các tiền vệ trung tâm. Hai tiền vệ cánh còn có một nhiệm vụ nữa là "phủ bóng" để ngăn những đường chuyền sâu từ trung vệ hai tiền vệ trung tâm của đối phương tới các hậu vệ biên của họ.
Việt Nam sẽ bắt đầu pressing quyết liệt để đoạt bóng khi đối phương cố gắng triển khai ra biên. Lúc này, các cầu thủ chạy cánh sẽ đẩy lên để gây sức ép trước mặt, một tiền vệ trung tâm sẽ áp sát để chặn các đường chuyền vào trung lộ, và tiền vệ cánh sẽ cố gắng đoạt lại bóng. Nếu tuyến pressing này bị vượt qua, các trung vệ sẽ sẵn sàng bỏ vị trí và dâng lên hỗ trợ. Nói chung, mục đích của chúng ta là không để đối phương đẩy được đội hình lên quá cao. Nếu họ có lên được bóng, thì ở phía trong cũng chưa đủ người để có thể tạo ra các tình huống nguy hiểm.
Ở pha bóng trên, cắt từ trận đấu với Iraq vừa rồi, các tiền vệ và tiền đạo của Việt Nam đã phong tỏa hết mọi nẻo đường vào trung lộ bằng cách tạo ra một khối ngũ giác chặt chẽ ở vòng tròn trung tâm. Quang Hải không thực sự quyết liệt trong việc gây sức ép với đối thủ, mà có ý chờ đợi anh ta chuyền bóng. Ở phía dưới, tất cả các cầu thủ Iraq đã bị kiểm soát. Duy nhất cầu thủ chạy cánh phải của họ được tự do, nhưng đấy là cầu thủ đang ở xa bóng nhất, nên không đáng ngại. Nếu, ví dụ, trung vệ của Iraq chuyền xuống biên trái cho Ali Adnan, thì Trọng Hoàng sẽ lập tức gây sức ép. Hùng Dũng cũng sẽ di chuyển ra biên và Quang Hải ép xuống, tạo thành một gọng kìm.
Low block còn được gọi là dựng boong-ke. Toàn bộ hệ thống phòng ngự sẽ lùi sâu với mục đích triệt tiêu khoảng trống sau lưng hàng hậu vệ để ngăn đối phương thực hiện các pha bấm bóng hay chọc khe. Khoảng cách giữa các tuyến cũng bị thu hẹp, nên việc tấn công qua trung lộ thường không khả thi. Về lý thuyết thì low block là một lựa chọn an toàn. Các đội thường chọn giải pháp này khi phải đối mặt với những đối thủ có chất lượng cao hơn. Leicester thậm chí còn từng lên ngôi ở Premier League với cách chơi này. Họ "mời" đối thủ đưa bóng ra biên, chờ đối thủ tạt vào, lấy bóng, rồi triển khai thật nhanh lên cho các cầu thủ tốc độ là Jamie Vardy và Riyad Mahrez ở phía trên.
Nhưng trên thực tế, với trường hợp của Việt Nam, low block lại có thể là một lựa chọn đầy mạo hiểm. Vấn đề của cách chơi này là chúng ta sẽ phải chấp nhận nhường sân cho đối thủ đẩy đội hình lên cao, kiểm soát phần lớn thời lượng bóng lăn và gây sức ép liên tục. Nhưng không như Leicester, Việt Nam không có một máy quét như N'Golo Kante ở giữa sân. Cũng không có hai trung vệ khổng lồ là Wes Morgan và Robert Huth để có thể "mua" hết các quả tạt. Và không có những chuyên gia chạy 100m như Vardy hay Mahrez để tận dụng khoảng trống phía sau hệ thống phòng ngự của Iran. Chúng ta có thể đánh bại các cầu thủ to lớn của Iran bằng tốc độ trên quãng ngắn, nhưng trên quãng đường dài hơn thì ưu thế về sải chân và thể lực sẽ giúp họ dễ dàng chiến thắng.
Tình huống Iraq đưa bóng xuống biên rồi tạt vào, để cầu thủ bên trong dứt điểm dẫn đến bàn gỡ hoà 2-2. |
Bàn thua thứ hai ở trận gặp Iraq xuất phát từ một tình huống mà Việt Nam bị đối phương đẩy xuống quá sâu. Khi bóng được tạt vào, Iraq không hề thua thiệt về quân số trong vòng cấm. Với sức vóc vượt trội, cầu thủ mang áo số 10 Mohanad Ali dễ dàng đè Bùi Tiến Dũng để có cú đánh đầu khó chịu khiến Đặng Văn Lâm không thể bắt dính.
So với Iraq, thể hình của các cầu thủ Iran thậm chí còn ấn tượng hơn (họ là đội cao nhất giải, với chiều cao trung bình 1,84m). Để họ đưa được bóng xuống sâu bên phần sân của chúng ta rồi tạt vào là điều hết sức nguy hiểm.
Theo nhận định của VnExress, Việt Nam có thể sẽ áp dụng cả ba chiến thuật phòng ngự đã nói ở trên trong trận đấu với Iran. Ở đầu trận, HLV Park Hang-seo có thể sẽ cố gắng gây bất ngờ cho đối thủ bằng high block, giữa trận lùi về mid block quen thuộc và cuối trận, khi sức đã cạn, chuyển sang low block. Điểm quyết định là phân bố thời gian sao cho hợp lý, high block càng lâu càng tốt và low block càng ngắn càng hay. Hy vọng, ông Park Hang-seo sẽ lại mát tay, và tìm ra được cho đội tuyển một "tỉ lệ vàng" để hướng đến một "kết quả kim cương".