| Hotline: 0983.970.780

Chim đậu... đất khó

Thứ Tư 10/03/2010 , 09:29 (GMT+7)

Những năm trở lại đây, các mô hình kinh tế mới, táo bạo trên vùng đất khó Hải Lăng (Quảng Trị) mang lại hiệu quả kinh tế cao đã mở ra hướng đi mới cho những người dân vùng cát một thời gian khó.

Những năm trở lại đây, các mô hình kinh tế mới, táo bạo trên vùng đất khó Hải Lăng (Quảng Trị) mang lại hiệu quả kinh tế cao đã mở ra hướng đi mới cho những người dân vùng cát một thời gian khó.

Hải Lăng là huyện tận cùng phía nam của tỉnh Quảng Trị, giáp ranh với Thừa Thiên - Huế. Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện trên 42 ngàn ha, trong đó vùng đồng bằng với gò cát nội đồng chiếm gần 2.000 ha. Giữa vùng đồng bằng bạt ngàn cát trắng bỏng rát, vùng cát chạy dọc ven biển dài dằng dặc đã như cái eo “trói” chặt cái nghèo của cư dân bản địa từ bao đời nay.

Bắt cát đẻ ra... vàng

Nhắc đến lão nông tiên phong lên vùng cát làm kinh tế, ai cũng nghĩ đến ông Nguyễn Đình Thả ở xã Hải An. Nhóm của ông đã trồng được hơn 500ha rừng keo lá tràm (khoảng 2.500 cây/ha) trên tổng số 1.200ha đất cát hoang của xã. Từ bàn tay chịu khó và ý chí quyết khuất phục vùng cát khô khan của ông Thả, những mầm xanh hy vọng được ươm ủ. Khi vùng cát không còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng mỗi mùa gió nam, nồm nữa thì người dân nơi đây nghĩ đến chuyện phải bắt cát “đẻ” ra… tiền.

Những ngày này, theo chân những người dân đi thăm các trang trại, làng sinh thái ở vùng cát xã Hải An, chúng tôi đã không khỏi ngỡ ngàng trước màu xanh của những cánh rừng hy vọng. Ông Nguyễn Đình Thả, nay là Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải An, hồ hởi: “Với người dân vùng cát chúng tôi, những cây keo tràm, phi lao sống được trên đất cát khô khốc đã nhen lên niềm hy vọng lớn lao. Đất cát sẽ hồi sinh và rồi đây sẽ mang lại ấm no, sự trù phú cho người dân vùng cát”.

Ông Thả kể mấy năm trở lại đây, khi những con đường đỏ cấp phối dẫn chằng chịt ra vùng cát thì cũng là lúc nhiều ngư dân quê ông gác lưới để vượt ra trảng cát làm giàu. Những vuông cát được người dân cải tạo, đào ao nuôi cá, dựng trại nuôi lợn, gà… Tại xã Hải An, chỉ trong thời gian ngắn đã xuất hiện nhiều những trang trại, làng sinh thái quy mô.

Đến trang trại tổng hợp của nhóm hộ ông Phan Văn Toán (thôn Tây Tân An, xã Hải An) với hệ thống chuồng trại nuôi lợn rộng rãi, bất cư một ai cũng khó mà hình dung mình đang đứng ở “vùng đất chết” ngày nào. Vừa tranh thủ cho đàn lợn ăn, anh Phan Văn Toán cho biết: “Đầu năm 2008, tôi cùng với hai anh em trong thôn Tây Tân An bàn nhau ra vùng cát lập trang trại. Ban đầu ai cũng lắc đầu quầy quậy, vợ con tôi cũng ngăn cản quyết liệt vì bỏ cả đống tiền nhưng lỡ thất bại thì chỉ có nước bán nhà trả nợ”. Nhưng sau khi đi tham quan các mô hình kinh tế trên cát ở nhiều nơi thấy rất hiệu quả, thế là nhóm hộ của anh Toán đã tự tin đồng ý cùng nhau góp được 150 triệu đồng để xây dựng trang trại trên diện tích 2 ha ở vùng cát của thôn.

Trong khuôn viên trang trại của mình, anh Toán cho xây dựng một dãy chuồng nuôi lợn để thả nuôi hơn 100 con lợn thịt, rồi tiếp tục làm thêm 3 ô chuồng để nuôi 50 con gà mái đẻ và hàng trăm con vịt. Trang trại phát triển khá tốt, vì vậy mà thời gian qua trang trại của nhóm anh Toán đã xuất bán được 3 lứa lợn (mỗi lứa xuất hơn 100 con lợn thịt), gà, cá, hoa màu... với tổng thu khoảng 120 triệu đồng. Nhóm hộ anh Toán tiếp tục thuê xe múc ao thả cá với diện tích 1.500 m2 để nuôi cá nước ngọt, đồng thời mở rộng trang trại trồng thêm các loại hoa màu, vừa để có thêm thu nhập vừa để cải tạo đất.

Cách những khu trang trại không xa, khu nuôi tôm của người dân nơi đây cũng làm ăn rất sôi nổi. "Hồi làm công nhân nuôi tôm, thấy người ta nuôi tôm rất có lãi trong khi mình cũng có đầy đủ điều kiện mà sao bỏ không. Quyết chí phải đổi đời, anh em bèn nghỉ làm công nhân về hùn vốn đào hồ nuôi tôm", anh Lê Trung Hiếu, một hộ tiên phong nuôi tôm ở vùng cát, cho biết. Mời khách ngồi uống chén trà xanh, anh Hiếu cho biết, đầu năm 2008, anh cùng 5 người trong thôn Tây Tân An hùn vốn lại thuê xe múc 2 hồ nuôi tôm với tổng diện tích khoảng 6.500 m2 mặt nước, rồi lặn lội vào tận TP Nha Trang (Khánh Hoà) mua hơn một triệu con giống tôm thẻ chân trắng về thả nuôi. Đến kì thu hoạch, trừ mọi chi phí mỗi hộ trong nhóm anh Hiếu còn lãi khoảng 40-50 triệu đồng. Đầu ra và giá cả tôm khá ổn định nên nhóm hộ anh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích hiện có lên gần 8.000 m2. 

Biến đất khó thành đất lành

Chia tay các chủ trang trại vùng cát xã Hải An, theo tỉnh lộ 68, chúng tôi về thăm các xã Hải Dương, Hải Quế, Hải Ba, Hải Thiện… Trên cánh đồng của các xã này, lúa đến thì con gái xanh mát mắt. Vùng cát vừa thu hoạch xong mùa kiệu, ném trước Tết giờ cũng đã bước vào vụ mướp đắng, dưa leo, dưa hấu… Nhiều vườn đã xanh um, các loại cây cũng trồng trên cát cũng đã cho hoa, trái. Ngoài lúa, nguồn hoa lợi trồng trên cát cũng đã tạo thu nhập lớn cho người dân.

Chúng tôi tiếp tục ngược lên vùng cát Trạng (xã Hải Thiện) thăm mô hình nuôi gà cỏ của anh em Đặng Bá Quang, Đặng Bá Thành. Tiếp chúng tôi bằng nụ cười trên khuôn mặt đầy nắng gió, anh Đặng Bá Quang vui vẻ nói: “Bây giờ thì cơ bản đã hết cực rồi anh ạ. Trước khi ra đây trồng rau, nuôi gà mình lo lắm. Nhiều người đã từng thất bại đã khiến mình ám ảnh nhưng nay trang trại mình đã cho thu nhập khá sau mấy năm chăm bẵm khiến mình tự tin hơn rất nhiều”.

Anh Quang cho biết, trại gà của anh được lập từ đầu năm 2008 với tổng chi phí gần 100 triệu đồng. Sau khi cải tạo đất, trồng cây xanh chắn gió, cát, anh em Quang chặt tre, mua tôn dựng 2 khu trại gà rộng khoảng 600m2 và làm một căn nhà ở. Sau đó, nhờ các mối quen biết Quang liên hệ với trại giống ở các tỉnh Hà Tây và Bình Định mua 1.000 gà giống với giá 85 triệu đồng về thả. Khu trang trại rộng khoảng 21.000m2 cũng được anh em Quang dành ra 5.000m2 trồng các loại hoa màu như rau muống, cải, khoai, ớt… làm thức ăn cho gà để giảm chi phí. Sau ba tháng nuôi gà ở trang trại anh đã đạt trọng lượng trung bình khoảng 1,3kg. “Giống gà cỏ có giá bán khá cao (từ 75 - 100 nghìn đồng/kg), sau vụ đầu tiên, trừ mọi chi phí anh em mình lãi ròng gần 30 triệu đồng”, anh Quang không giấu giếm.

Những ngày đầu năm 2010 này, anh em Quang đang chuẩn bị xây dựng chuồng trại để tiếp tục nuôi lợn. “Mình phải tận dụng tất cả để có thể thu lợi tối đa. Vùng cát bây giờ nếu biết làm ăn là có thể giàu. Giàu bền vững!”, anh Quang khẳng định. Và có một điều ít ai biết, trước khi về vùng cát nuôi gà, anh Quang là một nhân viên Cty với thu nhập cao ở TP Hồ Chí Minh (sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh vào năm 2002)…

Ông Nguyễn Giáp, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hải Lăng cho biết, đang vận động một số hộ dân tại vùng cát các xã Hải Thọ và thị trấn Hải Lăng mở mô hình nuôi con dông (giống như con tắc kè, thường sống tự nhiên ở vùng cát). Trong đó, Hội sẽ giải ngân cho vay hỗ trợ mức 5 - 10 triệu đồng làm vốn mua giống ban đầu. Đây là loại con nuôi mới, ở nhiều vùng cát các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng đã triển khai nuôi rất tốt, giá thành cao và có sức tiêu thụ mạnh. Vì thế nếu triển khai được loại con nuôi mới này sẽ mang lại hiệu quả khả quan.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất