| Hotline: 0983.970.780

Chim Việt đậu cành Nam

Thứ Hai 16/03/2015 , 06:20 (GMT+7)

Tôi chợt nghĩ đến hình ảnh ví von này khi biết nhà phê bình văn học Đặng Tiến còn có bút danh là Nam Chi - Việt điểu sào nam chi.

Đặng Tiến là nhà phê bình văn học, đặc biệt là phê bình thơ, được nhiều người yêu mến. Hiện ông đang nghỉ hưu tại Orléans (Pháp). Những năm gần đây, ông đều đặn về Việt Nam.

Câu thơ hay là một thoáng trần gian

Sinh 1940 tại xã Hòa Tiến, TP. Đà Nẵng, năm 1960, Đặng Tiến vào Sài Gòn học Đại học Văn khoa. Năm 1963 ra trường, ông đi dạy tại trường cấp 3 A.Yersin. Từ năm 1968, ông vào Bộ Ngoại giao làm việc rồi sang Pháp, học thêm ở Đại học Paris và bắt đầu công việc dạy Pháp văn cho một trường cấp 3 ở Orléans (cách Paris 100km).

Đặng Tiến cùng với GS. Tạ Trọng Hiệp, lập ra Ban Việt học tại Đại học Paris 7, giảng dạy ở đây từ năm 1969 đến năm 2005.

Đặng Tiến không bị chi phối bởi bất cứ một định kiến nào về tư tưởng, quan điểm và học thuật. Đây là điều “may mắn” ít có ở các nhà nghiên cứu lý luận phê bình nước ta, khi lịch sử đã từng bị chia cắt về ranh giới địa lý và ý thức hệ xã hội giữa hai miền.

Từ thời học sinh phổ thông, ông đã đọc các tác phẩm của các tác giả cả hai miền để rồi vượt qua những ranh giới, rào cản về ý thức hệ, nghệ thuật văn chương là cái còn lại. Nghệ thuật văn chương, nhất là thơ, từ sự tinh tế trong thẩm và bình, đã đưa Đặng Tiến trở thành cây bút phê bình trẻ.

Một khoảng thời gian không nhiều khi Hà Nội mưa bụi bay hoài ngõ phố, trong căn phòng yên lặng trên phố Tuệ Tĩnh, ông chia sẻ cho tôi những câu chuyện về văn học đất nước mà ông đã chứng kiến, đã tham gia.

Đặng Tiến là người có kiến văn uyên bác, am hiểu văn chương Đông Tây, có cách nhìn nhiều chiều, khi trình bày lại nhuần nhuyễn khiến bạn đọc ở bất cứ tầng lớp nào, lứa tuổi nào cũng hiểu.

Hình như, chính phong cách sư phạm cũng giúp Đặng Tiến viết phê bình mà đậm chất văn chương, nghệ thuật chứ không nặng nề kinh viện, khô khan, phong cách “đánh võng ngôn từ”.

Có thể nói không sợ quá lời rằng Đặng Tiến có khả năng nắm bắt được cái “thần” của thi ca. Chẳng phải ông đã viết: “Câu thơ hay là một thoáng trần gian”.

PGS.TS Đỗ Lai Thúy viết về Đặng Tiến như sau: “Anh là một nhà phê bình tài tử theo nghĩa phê bình vị phê bình, phê bình vì yêu văn chương nghệ thuật chứ không vì một cái gì khác ngoài văn chương...”.

Được vậy, như Đặng Tiến từng bày tỏ trong quan điểm phê bình thơ: “Điều quan trọng với tôi trong các bài viết, không phải là khen chê, mà hiểu bài thơ, may ra hiểu được người làm thơ. Hiểu được nhau, gặp được nhau là quý”. 

“Cách phê bình thơ của Đặng Tiến chung quy lại vẫn là “diễn nghĩa”, “bàn góp”, “tán rộng”... Số phận của những người viết phê bình ở nước ta vẫn là: “diễn”, “bàn”,“tán”. Hơn nhau là ở chỗ biết “diễn”, biết “bàn”, biết “tán”.
Không biết “diễn” thì thành “diễn thuyết” dạy tác giả, độc giả, không biết “bàn” thì thành “bàn suông” hoặc “nói leo”, không biết “tán” thì thành “tán phét”. Đặng Tiến có một nền văn hóa, kiến văn rất tốt, thuận cho sự “hoạt ứng” của tác giả trong sự “diễn, bàn, tán...”. (nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến).

Từ hiểu mà đến yêu để rồi người phê bình và người sáng tác thành tri âm cùng tác phẩm: “Yêu văn là yêu người. Yêu thơ là yêu mình, cảm thơ, hội ý với thi nhân ta trở thành tri âm với nàng thơ, ta bình đẳng với tác phẩm”.

Chim Việt đậu cành Nam

Tôi chợt nghĩ đến hình ảnh ví von này khi biết Đặng Tiến còn có bút danh là Nam Chi - Việt điểu sào nam chi.

Điển tích xưa viết rằng, chim Việt sinh ra ở đất Việt (phương Nam), không khí ấm áp nên khi bay đi xứ khác bao giờ cũng đậu cành hướng Nam là phía ấm áp của quê hương. Nếu tôi không nhầm thì Đặng Tiến chọn bút danh Nam Chi cũng là thể hiện suy nghĩ đó.

Nỗi nhớ quê hương cố quốc của Đặng Tiến những năm tháng ở Pháp cứ bện lại, theo thời gian, càng bền chặt hơn.

Về nước lần đầu tiên năm 1979, ông được đặt chân trở lại nơi chôn nhau cắt rốn, được gặp gỡ các văn nghệ sĩ trí thức mà ông từng yêu quý qua các trang văn như Đặng Thai Mai, Xuân Diệu, Huy Cận, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Bùi Giáng, Lê Đạt, Nguyễn Bắc Sơn...

Đặng Tiến đi đến với mỗi nhà thơ bằng khái niệm vũ trụ thơ, thi giới, thuật ngữ nay thường gọi là thế giới nghệ thuật.

Chính họ là người tạo cảm hứng để nhiều công trình nghiên cứu phê bình văn học của ông ra đời: Tạp chí Văn, Bách Khoa... (trước 1975), Văn Học, Đoàn Kết, Thế kỷ 21... (sau 1975); được xuất bản thành sách  "Vũ trụ thơ" (1972), "Vũ trụ thơ II" (2008), "Thơ - Thi pháp và chân dung" (NXB Phụ nữ, 2009), "Văn - Thi pháp và chân dung" (sắp xuất bản)...

Các chuyến về thăm quê, tuổi ngày một cao, sức khỏe có phần sút kém, thoáng chút buồn vì theo thời gian những người bạn cùng thế hệ lần lượt rời xa ông. Nhưng tinh thần ông luôn vui vì được gặp gỡ những bạn văn nghệ sĩ trẻ - bánh tẻ như: Thành Chương, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Văn Thọ... trong mỗi độ “mưa xuân phơi phới bay”.

Đọc sách của ông rồi hầu chuyện văn chương cùng, ông cảnh báo về sự sa sút của thi ca và xu hướng tầm thường hóa thi ca ở Việt Nam. Điều này, ông cũng đã thuyết trình với đông đảo cử tọa tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An trước đó ít ngày.

Tôi nhận thấy văn chương và con người Đặng Tiến luôn song hành như chính lời ông khẳng định: “Những câu chữ bao giờ cũng đặt trên một nền chung: niềm tin vào văn học, lẽ phải, tình người, dân tộc và đất nước”.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.