| Hotline: 0983.970.780

’Chính ngạch hóa’ xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Không thể chậm trễ thêm!

Thứ Ba 17/09/2019 , 08:37 (GMT+7)

Hai vị tư lệnh ngành NN-PTNT và Công thương kiên quyết khẳng định việc tuân thủ các yêu cầu về XK nông sản sang thị trường Trung Quốc đến nay là không thể chậm trễ được nữa.

16-33-27_5
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại hội nghị họp bàn đẩy mạnh XK nông sản sang thị trường Trung Quốc hôm 14/9.

Đồng thời cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đưa hoạt động XK nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vào chính ngạch.
 

Không còn “một mình một chợ”

Tại Hội nghị bàn giải pháp đẩy mạnh XK nông sản sang thị trường Trung Quốc do Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đồng tổ chức tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Trung Quốc là một thị trường vô cùng quan trọng đối với nông sản Việt Nam, với dung lượng rất lớn và hết sức tiềm năng.

16-33-27_1
XK nhiều mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam đã giảm mạnh từ đầu năm 2019 đến nay do không đáp ứng được các quy định của Trung Quốc.

Đây không chỉ là thị trường khổng lồ với trên 1,4 tỉ dân, mà thu nhập bình quân đầu người hiện nay đã lên tới trên 11.000 USD/người/năm, tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh nên nhu cầu tiêu thụ nông sản nói chung sẽ tăng rất mạnh trong tương lai. Đây là cơ hội cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia kề cận, quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước là quan hệ giữa một bên cần và một bên có sản phẩm thế mạnh.

Nhiều nhóm nông sản của Việt Nam có tính đặc thù, không xung đột, thậm chí mang tính bổ trợ cao cho nông sản Trung Quốc nếu chúng ta biết cách tổ chức SX, đặc biệt là nông sản nhiệt đới phía Nam nước ta như thủy sản, cây ăn quả, lúa gạo, cây công nghiệp... Kể cả ở phía Bắc, mặc dù có những nhóm sản phẩm trùng với Trung Quốc, tuy nhiên mùa đông lại không quá khắc nghiệt như Trung Quốc nên nếu khéo léo né vụ, né chủng loại sản phẩm thì vẫn có tiềm năng để XK sang thị trường này.

Trong những năm qua, trong thương mại nông sản với Trung Quốc, nông nghiệp Việt Nam đã lựa chọn lối đi theo hướng khai thác những lợi thế trên. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc cũng đang đặt ra cho Việt Nam những khó khăn, thách thức lớn. Một là Trung Quốc chuyển từ chính sách NK nông sản theo nhiều hình thức trước đây sang nhất thể hóa thành NK chính ngạch là đòi hỏi theo đúng thông lệ quốc tế, cũng như quy luật của thương mại nông sản thế giới.

16-33-27_2
Tuân thủ các yêu cầu của nước NK, trong đó có Trung Quốc mới có thể xây dựng hoạt động XK nông thủy sản bền vững.

Thách thức thứ hai là hiện nay, Trung Quốc đang tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung cho đầu tư phát triển, “chấn hưng” nền nông nghiệp, từng bước tự túc nguồn cung nông sản để giảm NK.

Hiện Trung Quốc đã đầu tư phát triển trên 40 nghìn ha thanh long và đang tiếp tục mở rộng, đồng thời đang triển khai đẩy mạnh SX lúa gạo, dưa hấu, nuôi nhiều loại thủy sản khác mà trước đây họ không có lợi thế như cá tra...

Việc XK gạo của Việt Nam sang Trung Quốc từ đầu năm 2019 đến nay giảm tới 67% so với cùng kỳ năm 2018 là điển hình cho thấy nhiều loại nông sản XK của Việt Nam sẽ không còn “một mình một chợ” tại thị trường Trung Quốc...
 

Đánh mất cơ hội từ thói quen tiểu ngạch

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Trung Quốc là một đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, bao gồm cả thương mại, đầu tư, công nghệ và nhiều lĩnh vực khác. Về thương mại, đây là luôn là thị trường XNK hàng đầu của Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam đã vươn lên để trở thành nước XK lớn nhất trong khối ASEAN sang thị trường Trung Quốc.

Mặc dù vậy, thị trường Trung Quốc cũng đang tồn tại rất nhiều vấn đề cần phải tiếp tục phân tích đánh giá nhằm có chiến lược thương mại toàn diện, bền vững, theo hướng giá trị gia tăng và hài hòa, trên cơ sở đảm bảo lợi ích trong quan hệ thương mại song phương, nhất là hạn chế nhập siêu từ thị trường Trung Quốc.

Đối với nông sản, mặc dù những năm qua, một số mặt hàng của Việt Nam đã được định vị tại thị trường Trung Quốc, tuy nhiên dư địa vẫn còn vô cùng lớn, và nhiều khó khăn thách thức cũng đang đặt ra. Từ đầu năm đến nay, trong khi XK nhiều mặt hàng nông thủy sản lớn, có lợi thế của Việt Nam sang nhiều thị trường đều có tăng trưởng cao, thì riêng thị trường Trung Quốc lại đang có xu hướng giảm.

Thương mại nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chủ yếu được thông quan qua các cửa khẩu đường bộ qua biên giới; thiếu các điều kiện để hàng hóa thâm nhập sâu vào nội địa cũng như các đô thị lớn của Trung Quốc; chưa được tổ chức SX và XK theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị gia tăng cũng như đảm bảo các yêu cầu và thủ tục XK của thị trường này.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các quy định về yêu cầu, thủ tục XK nông thủy sản là điều không phải bây giờ mới có, mà đã được Trung Quốc ban hành từ lâu và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế do Trung Quốc cũng là thành viên của WTO. Tuy nhiên, do thói quen XK nông sản theo kiểu thương mại biên giới không chính thức, nên thời gian qua, khi Trung Quốc áp dụng nghiêm các quy định về điều kiện NK đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động XK.

Thực trạng XK nông thủy sản không chính ngạch sang Trung Quốc là vấn đề đã tồn tại từ lâu, và tới nay, chúng ta không thể chậm trễ trong việc tuân thủ các yêu cầu trong XK sang thị trường này được nữa.

Đây cũng là xu hướng của thương mại nông sản quốc tế nói chung chứ không chỉ thị trường Trung Quốc. Theo đó, các thị trường XK của nông sản Việt Nam sẽ ngày càng có những yêu cầu rất cao và chặt chẽ liên quan đến nhiều vấn đề như kiểm soát chất lượng sản phẩm, điều kiện vệ sinh ATTP, kiểm dịch, thương hiệu... Nếu không tuân thủ, chúng ta còn đánh mất đi cơ hội, không khai thác được lợi thế đối với nhiều loại nông thủy sản.

Ví dụ thịt lợn, phải khẳng định nhu cầu của Trung Quốc hiện nay là vô cùng lớn, chúng ta cũng có năng lực SX rất tốt. Trước đây, chúng ta còn XK tiểu ngạch lợn sống sang Trung Quốc mà có năm lên tới 300 nghìn tấn. Tuy nhiên đến nay, chúng ta đã hoàn toàn không thể XK do không đủ điều kiện XK chính ngạch.

16-33-27_4
Trung Quốc sẽ ngày càng áp dụng nghiêm ngặt các quy định về nông sản NK, trong đó có kiểm dịch thực vật (Trong ảnh: Kiểm dịch thực vật nông sản XK tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn).

Lúa gạo cũng là một ví dụ, trước đây, chỉ cần cơ quan chức năng phía Việt Nam cấp phép là có trên 100 DN có thể XK gạo sang Trung Quốc. Tuy nhiên kể từ khi Trung Quốc áp dụng việc trực tiếp kiểm tra, đánh giá toàn bộ SX, chế biến của các DN, thì hiện chỉ còn hơn 20 DN đủ điều kiện XK gạo...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Không thể cứ thục mạng sản xuất!

Giải quyết cho XK nông sản bền vững, nâng cao giá trị gia tăng sang thị trường Trung Quốc, đòi hỏi phải có hướng giải quyết đồng bộ, từ chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành như Công thương, NN-PTNT, Ngoại giao..., các địa phương, hiệp hội ngành hàng, các DN, HTX sản xuất và nhất là tới từng bà con nông dân.

Để giải quyết được tình trạng nông thủy sản bị ùn ứ, ế hàng, chúng ta nhất quyết phải thay đổi tư duy, cách thức tổ chức SX và XK. Không thể cứ thục mạng SX, mà phải tính toán căn cơ, bài bản ngay từ đầu, ngay từ khâu tìm hiểu, đánh giá thông tin thị trường, lựa chọn SX sản phẩm gì, chủng loại nào, SX bao nhiêu là vừa, SX ở đâu..., rồi mới đến câu chuyện phải SX ra sao, làm những gì để đạt được yêu cầu về chất lượng, về kiểm dịch, mẫu mã, đáp ứng khả năng cạnh tranh và nâng cao giá trị gia tăng, lợi nhuận...

Câu chuyện của quả vải thiều Bắc Giang là một ví dụ thiết thực nhất. Trước đây, rất nhiều vụ vải bị ách tắc XK, được mùa rớt giá. Tuy nhiên kể từ khi các bộ ngành, nhất là tỉnh Bắc Giang vào cuộc tập trung tháo gỡ, tổ chức một cách bài bản, đồng bộ từ SX tới XK như đẩy mạnh SX theo GAP, xây dựng và cấp mã số vùng trồng, triển khai tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, tổ chức kết nối giao thương, lên kế hoạch XK cho từng vụ..., đến nay, tình trạng được mùa mất giá, ách tắc trong XK gần như không còn.

Vụ vải thiều năm 2019, sản lượng vải Bắc Giang chỉ bằng 2/3 so với năm 2018, tuy nhiên tổng giá trị thị lại tăng 20%. Có được kết quả này là nhờ ngay từ lúc quả vải mới ra hoa đậu quả, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã phải sang tận Trung Quốc, tổ chức các hội nghị giao thương, phát triển thị trường, lên kế hoạch, kịch bản rất bài bản cho tiêu thụ...

Quỳnh Trang (ghi)

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: Khơi thông hoạt động logistics

Chi phí cho hoạt động logistics hiện chiếm khoảng 20 - 25% tổng chi phí trong hoạt động XK. Vì vậy, khả năng cạnh tranh của hàng nông sản XK của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào các vấn đề liên quan đến logistics. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có đánh giá rõ, coi đây là điều kiện rất cơ bản trong quá trình tái cơ cấu lại hoạt động XNK.

Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc nói chung, chúng ta có lợi thế rất lớn do là nước láng giềng, có hệ thống đường biên giới rất dài với đa dạng các cửa khẩu thông quan giữa hai nước. Bên cạnh đó, chúng ta cũng rất thuận lợi để thông thương qua đường sắt, đường biển, đường hàng không...

Tuy nhiên thời gian qua, hoạt động logistics nói chung cũng như trong thương mại với Trung Quốc nói riêng vẫn còn nhiều bất cập, gây cản trở cho hoạt động XNK.

Thời gian qua, Bộ Công thương đã có báo cáo Chính phủ về vấn đề này và đã được Chính phủ chấp thuận kế hoạch phát triển logistics, trong đó có việc rà soát, thống nhất lại quy hoạch của mạng lưới logistics gắn với các khoản đầu tư của Chính phủ để phát triển hệ thống giao thông. Trên cơ sở đó có định hướng xây dựng các trung tâm logistics cấp vùng, cấp khu vực, tạo kết nối cả về thương mại và kinh tế một cách chặt chẽ hơn nữa với Trung Quốc.

Cụ thể tại khu vực phía Bắc, vừa qua, Bộ đã có hội nghị chuyên đề nhằm rà soát, đánh giá lại nhằm có định hướng kết nối kinh tế giữa Trung Quốc với Việt Nam thông qua hệ thống cửa khẩu đường bộ biên giới, cảng biển Lạch Huyện (Hải Phòng), các cảng hàng không và hệ thống giao thông kết nối của khu vực Vân Đồn (Quảng Ninh), Hải Phòng với biên giới Việt Nam và các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông của Trung Quốc.

Việt Nam và Trung Quốc hiện cũng đã và đang xúc tiến các cơ chế hoạt động hợp tác song phương nhằm sớm xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu nhằm tạo điều kiện cho các DN logistics, các DN thương mại giữa hai bên giao thương hàng hóa.

Bộ Công thương cũng đã có báo cáo Chính phủ trong việc thống nhất lại hệ thống quản lí nhà nước về logistics nhằm tạo cơ chế đủ mạnh, có các chính sách đồng bộ để hoạt động logistics không chỉ dừng ở quy hoạch giao thông, thương mại mà còn huy động đầu tư xã hội, mở rộng hơn nữa các DN logistics tham gia vào hệ thống thương mại quốc tế và nội địa. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng sẽ có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực nhằm hỗ trợ các DN logistics, các doanh nghiệp XNK.

Kiều Khải (ghi)

Quy mô nhiều mặt hàng giảm mạnh

Trong 7 tháng đầu năm 2019, quy mô XK nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc giảm so với cùng kỳ với nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm trên 67%, hàng rau quả giảm hơn 8%, sắn và sản phẩm từ sắn giảm 9,6%, sản phẩm từ cao su giảm 9,8%, cà phê giảm gần 9%... Việc nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực giảm mạnh về kim ngạch XK đã đánh tụt tổng kim ngạch XK sang thị trường Trung Quốc, với mức giảm gần 8% trong 7 tháng đầu năm 2019.

Nguyên nhân của hiện trạng này được cho là do sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nội địa của thị trường Trung Quốc, ảnh hưởng của xung đột thương mại Mỹ - Trung. Bên cạnh đó là việc dư thừa nguồn cung, một số mặt hàng nông sản bị tồn kho số lượng lớn. Các yếu tố khác cũng góp phần làm giảm kim ngạch XK nông, thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc là phía bạn tăng cường kiểm nghiệm, kiểm dịch, an toàn thự phẩm NK và tăng cường quản lý hoạt động thương mại biên giới.

Tuy nhiên, các nguyên nhân này không làm giảm toàn bộ kim ngạch XK của các mặt hàng nông, lâm sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Bên cạnh các sản phẩm sụt giảm nói trên, vẫn có nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng, thậm chí tăng mạnh.

Trong đó, 7 tháng đầu năm 2019, XK chè đi Trung Quốc tăng gần 60%, đạt 14,8 triệu USD, điều tăng hơn 30% đạt 268 triệu USD, cao su tăng hơn 6% đạt 677 triệu USD và thủy sản tăng gần 6% đạt 592,7 triệu USD.

Mai Chiến

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.