| Hotline: 0983.970.780

Chinh phục đồi hoang

Thứ Tư 07/11/2012 , 10:28 (GMT+7)

Từ nhiều năm nay, trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến ở huyện Tân Uyên, Bình Dương đã được nhiều người biết đến...

Từ nhiều năm nay, trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến ở huyện Tân Uyên, Bình Dương đã được nhiều người biết đến với ấn tượng là một trang trại luôn làm ăn hiệu quả trên vùng đất đồi đầy sỏi đá.

Làm từ nhỏ đến lớn

Ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại, vốn là một cựu sĩ quan cao cấp của quân đội. Năm 1984, khi còn tại ngũ, ông đã bắt đầu tính tới chuyện làm trang trại, vừa làm kinh tế phụ cho gia đình, vừa góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp của quê hương Bình Dương.

Vốn đã quen với những gian khổ, thử thách nghiệt ngã trong thời chiến, ông Chiến không tìm kiếm những vị trí đất đai màu mỡ, tiện đường đi lại, mà lần mò vào tận vùng đồi sâu ở xã Bình Mỹ (Tân Uyên) để khai phá làm trang trại. Khi ấy, đây là một vùng đồi hoang do ảnh hưởng bởi bom đạn và chất khai quang của Mỹ từ thời chiến tranh, bom đạn chưa nổ vẫn còn ẩn khuất đây đó.

Ngoài lòng nhiệt huyết, ông Chiến gần như chưa có gì trong tay, từ vốn liếng cho tới kinh nghiệm làm trang trại. Đã thế, ông lại khá bận công việc bên quân đội (lúc ấy ông là Phó Tư lệnh Sư đoàn 477, Quân khu 7). Dù vậy, với lòng quyết tâm của một người lính, nên dù là thương binh 2/4, nhưng cứ tới ngày cuối tuần, ông Chiến không tranh thủ nghỉ ngơi mà lên Bình Mỹ, vừa rà phá, thu gom bom đạn, vừa cặm cụi khai phá vùng đồi hoang, đầy sỏi đá ấy.

Ông bảo đó là quãng thời gian vất vả nhất vì cứ sáng sớm chủ nhật, ông lại từ nhà ở TPHCM chạy xe máy mấy chục cây số lên Bình Mỹ để khai hoang. Đến chiều tối lại chạy xe máy về nhà để sáng sớm hôm sau lên đơn vị trên Phú Giáo (Bình Dương).

Đất cứng đến mấy cũng phải chào thua nỗ lực của con người. Do không có vốn liếng, khai phá đất đến đâu, ông cho trồng điều tới đó, bởi đây là loại cây không tốn nhiều công sức, chi phí đầu tư. Lợi nhuận từ cây điều không cao, nhưng nhờ được phủ trên một vùng đồi khá rộng, nên cây điều đã giúp ông Chiến tích lũy được vốn liếng để chuyển sang trồng loại cây có chi phí đầu tư cao hơn nhưng lợi nhuận cũng lớn hơn nhiều, đó là cây cao su.

Với phương châm “làm từ ít đến nhiều, từ nhỏ đến lớn, từ thủ công đến cơ giới hóa, lấy ngắn nuôi dài, làm đâu chắc đó”, sau 7 năm trời miệt mài như thế, ông Chiến đã biến vùng đồi hoang ở Bình Mỹ thành một khu trang trại trù phú rộng hơn 20 ha, với cao su là cây trồng chủ lực.

"Sỏi đá cũng thành hoa"

Không những thế, ông còn bỏ tiền bạc, công sức mở 6 km đường nông thôn, làm cầu Vàm Tư nối liền 2 xã Bình Mỹ và Tân Định. Qua đó vừa giúp cho trang trại của mình thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ hàng hóa, vừa giúp cho bà con xung quanh dễ dàng đi lại. Ông Chiến còn vận động kêu gọi gần 20 hộ là bà con nông dân, anh em họ hàng cùng hợp sức với ông làm kinh tế trang trại ở Bình Mỹ.

Khi đã hoàn thành công việc kiến thiết, xây dựng cơ bản cho trang trại ở Bình Mỹ (trang trại 1), năm 1999 ông Chiến lại tấn công khai phá một vùng đồi hoang cũng đầy sỏi đá khác ở xã Tân Định (Tân Uyên), nằm ngay bên sông Bé.

Lúc này ông đã về hưu được 7 năm, nên có thể dành toàn bộ thời gian cho trang trại. Khai phá đất đai ở Tân Định cũng khó khăn chẳng thua gì bên Bình Mỹ, bởi từng có một nông trường quốc doanh khai phá nơi này để trồng trọt mà không thành công. Nhưng ông Chiến không nề hà chuyện ấy.

Lại cũng với lòng quyết tâm, cộng thêm những kinh nghiệm quý báu đã từng đúc rút ra được từ quá trình khai phá đất hoang, làm trang trại bên Bình Mỹ, cuối cùng ông Chiến cũng đã chinh phục thành công vùng đồi hoang đầy sỏi đá ở Tân Định, tạo thành một trang trại (trang trại 2) rộng trên 35 ha, phủ đầy màu xanh của cao su, bưởi, sầu riêng, chôm chôm...

Đến nay, trang trại tổng hợp của Đoàn Minh Chiến có tổng cộng 56 ha, với cây trồng chủ lực là cao su (35 ha, trong đó 20 ha đang thu hoạch), bưởi da xanh ruột hồng (trên 10 ha)... Không chỉ bỏ công sức ra khai phá đất đai, ông Chiến còn mạnh đạn đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng TBKT vào SX trên cả 2 trang trại.

Trong thời gian tới, ông Chiến sẽ đẩy mạnh việc phát triển cây bưởi da xanh ruột hồng tại trang trại 2 ở Tân Định, bởi đây là loại cây cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với cao su. Theo ông Chiến, mỗi cây bưởi cho 30 - 50 trái/năm, mỗi trái nặng 1,2 - 1,5 kg. Với giá bán bình quân 20.000 đ/kg, thì một ha bưởi nếu được chăm sóc tốt, hoàn toàn có thể cho lợi nhuận bằng tới 7 - 8 ha cao su.

Nhờ đó, hiện giờ, toàn bộ diện tích của cả 2 trang trại của ông đều đã được tưới tự động đến tận từng gốc cây, vừa giảm mạnh chi phí tưới, vừa tăng được hiệu quả dùng nước cho cây trồng. Các khâu cơ giới hóa khác cũng đã được ông đầu tư khá bài bản, đồng bộ. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được ông Chiến đặc biệt chú trọng qua việc ứng dụng VietGAP vào SX trái cây, sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học ...

Với sự đầu tư bài bản như trên, cả 2 trang trại của ông Chiến hiện đã đạt doanh thu bình quân 80 - 120 triệu đ/ha. Doanh thu này, nếu so với nhiều trang trại khác thì chưa phải là ghê gớm, nhưng ở những vùng đồi hoang đầy sỏi đá, còn lẫn cả bom mìn mà ngoài ông Chiến ra, không ai dám nhận làm, thì hiệu quả kinh tế như trên cũng thật đáng được ghi nhận.

Năm ngoái, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì thành tích trên. Trang trại của ông đang giải quyết công ăn việc làm cho hơn 20 lao động, với thu nhập bình quân 3 -3,5 triệu đ/người/tháng. Lao động ở trang trại đều được ông Chiến xây dựng nhà trọ cho ở miễn phí (miễn phí cả tiền điện, nước) ngay trong trang trại, được ông tạo điều kiện cho tận dụng đất trống trong trang trại để trồng rau, nuôi gà cải thiện cuôc sống.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm