| Hotline: 0983.970.780

Chính quy hóa thương mại, đột phá vào nội địa

Thứ Năm 28/11/2013 , 09:45 (GMT+7)

“Khai thác tiềm năng XK nông sản sản ở thị trường TQ, không thể dựa mãi vào buôn bán tiểu ngạch ở vùng ven biên giới. Muốn bền vững phải chuyển sang thương mại chính quy, đồng thời thâm nhập sâu vào nội địa, vùng tây nam, phía bắc và đông bắc TQ...”

“Khai thác tiềm năng XK nông sản sản ở thị trường Trung Quốc (TQ), không thể dựa mãi vào buôn bán tiểu ngạch ở vùng ven biên giới. Muốn bền vững phải chuyển sang thương mại chính quy, đồng thời thâm nhập sâu vào nội địa, vùng tây nam, phía bắc và đông bắc TQ - nơi họ đang rất khó khăn về nông sản, thực phẩm”.

Đây là quan điểm của ông Đào Văn Hồ (ảnh) - GĐ Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) khi trao đổi về chiến lược XK nông sản VN sang thị trường nước láng giềng có 1,3 tỉ dân.

Có triển vọng đột phá

TQ luôn là thị trường được Bộ NN-PTNT dành sự quan tâm đặc biệt trong các kế hoạch XTTM ngắn và dài hạn. Gần như năm nào, Bộ NN-PTNT cũng giao Trung tâm XTTM nông nghiệp tổ chức các sự kiện giao thương lớn tại thị trường này. Thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch XK hai chiều VN - TQ lên 60 tỉ USD vào năm 2015, Bộ NN-PTNT hiện đã xác định TQ sẽ là thị trường trọng tâm trong công tác XTTM trong hai năm 2014 - 2015.

Năm 2013, Trung tâm XTTM nông nghiệp cũng đã triển khai 3 chương trình XTTM về nông sản lớn tại TQ gồm Hội chợ Sial Thượng Hải 2013. Đặc biệt hội chợ Caexpo 2013 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp dẫn đầu đoàn DN Việt Nam, trong đó Bộ NN-PTNT được giao tổ chức chương trình giao thương và khảo sát thị trường về lĩnh vực nông nghiệp tại tại TP Nam Ninh, Quảng Tây - một thị trường rất lớn và rất gần với VN. Tháng 12/2013 tới, Trung tâm XTTM nông nghiệp sẽ dẫn đầu đoàn DN trong lĩnh vực NN-PTNT của Việt Nam tham gia tiếp một hội chợ lớn có chủ đề “Nông nghiệp hiện đại” lần thứ 6 tại TP Bách Sắc (tỉnh Quảng Tây).


Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch

Năm 2014, sẽ là năm bản lề có tính chất quan trọng trong việc đẩy mạnh mục tiêu tìm kiếm sâu hơn đối tác tại thị trường nội địa Trung Quốc. Bộ NN-PTNT cũng đã có kế hoạch dự kiến tham gia nhiều chương trình XTTM hai bên, trong đó đặc biệt là hội chợ thực phẩm đồ uống tại Thành Đô, hội chợ ASEAN - TQ năm 2014.

Năm 2014, Bộ NN-PTNT cũng đã có kế hoạch cụ thể để thành lập văn phòng XTTM nông nghiệp VN tại Quảng Châu nhằm hỗ trợ cho các hoạt động XTTM nông lâm thủy sản của VN tại thị trường các tỉnh Quảng Châu, Quảng Đông, Vân Nam... Mới đây, Trung tâm XTTM cũng đã ký kết hợp tác hoạt động với Trung tâm XTTM Trung Việt (tỉnh Quảng Tây) trong việc phối hợp thường xuyên hơn trong kết nối DN hai phía.

Hiện tại, cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) - một cửa khẩu XK nông sản chuyên dụng sắp đi vào hoạt động, cộng với việc hoàn thành tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, tôi cho rằng XK nông sản VN sang TQ sẽ tạo được một bước đột phá. Và mục tiêu nâng kim ngạch XK hai chiều lên 60 tỉ USD, từng bước cân bằng cán cân thương mại, mà nông sản đóng vai trò chủ lực là điều có hi vọng.

Nông sản XK vẫn nhỏ lẻ, phân tán

Theo dõi tình hình XK hàng nông sản VN sang TQ, tôi thấy nông sản VN hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và chủng loại của phía TQ yêu cầu. Bởi đây cũng không phải là thị trường khó tính. Tuy nhiên, dần dần, tất yếu họ sẽ áp nhiều hơn các hàng rào kỹ thuật nên các DN XK của VN cần chủ động sẵn sàng đáp ứng.

Sắn lát và bột sắn, cao su, thủy sản là ba mặt hàng mà tôi thấy rất ổn định tại thị trường TQ nhiều năm qua. Bên cạnh đó, rau củ nhiệt đới các loại hiện nay thị trường TQ rất thiếu, chúng ta có tiềm năng lớn nhưng chưa khai thác được lợi thế này.

Thủy sản, đặc biệt tại Vân Nam, vùng phía bắc TQ rất thiếu. Lâu nay chúng ta XK thủy sản chủ yếu sang Mỹ và EU mà chưa quan tâm nhiều tới thị trường TQ, đặc biệt là các sản phẩm cá da trơn. Trong thời gian tới, đây sẽ là mặt hàng chúng tôi kêu gọi nhiều hơn các DN tham gia tìm kiếm đối tác với phía TQ. Cà phê cũng là sản phẩm được TQ rất quan tâm nhưng ta chưa khai thác hết tiềm năng.

Tiềm năng thị trường TQ tôi cho là vô hạn, nhưng vấn đề nhược điểm của nông sản VN khi XK sang TQ là lượng XK quá nhỏ lẻ, phân tán, thiếu đồng đều, DN XK cũng nhỏ. Trong khi hầu hết các đối tác TQ luôn cần lượng lớn... Họ không chỉ nhập về để tiêu thụ trực tiếp mà còn sơ chế, chế biến để phân phối rộng hơn.

Vì thế, phải tổ chức SX trong nước làm sao đảm bảo được tính tập trung, lượng lớn. Về các thị trường cụ thể của TQ, các địa bàn gần biên giới như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam... hiện hàng nông sản của VN đã với tới tương đối. Các hoạt động XTTM lớn các năm gần đây cũng chủ yếu diễn ra tại các địa bàn này.

Tuy nhiên về dài hạn, các địa bàn sâu trong nội địa TQ, nhất là phía bắc, phía đông bắc TQ sẽ được đặc biệt chú trọng mở rộng. Tới 2015, chúng tôi đang đặt hướng mở rộng thị trường sang phía đông bắc TQ, nơi có Cảng Đại Liên - một thương cảng lớn rất tiện lợi cho vận tải đường biển của ta sang khu vực này trước khi đi sâu vào thị trường nội địa và khu vực phía bắc TQ - nơi mà nhu cầu nông sản, thủy sản hết sức lớn.

Về lâu dài, tôi cho rằng cần phải ưu tiên đặc biệt cho công tác XTTM chính thống để có thể giúp DN tìm bạn hàng uy tín và ổn định. Bởi thông qua XTTM chính thống, các cơ quan chức năng hai phía sẽ có trách nhiệm trong việc đảm bảo tính pháp lí, bảo trợ rủi ro cũng như hỗ trợ XTTM khi cần thiết. Các đối tác XK mà DN VN tìm kiếm được sau các kỳ giao thương giữa hai nước đều hợp tác XNK nông sản rất ổn định, có tính liên kết hết sức chặt chẽ từ khâu SX nguyên liệu tại VN cho tới khi XK sang TQ, chứ không phập phù, rủi ro như XK tiểu ngạch.

“Bộ Công thương đã ban hành chỉ thị số 15/CT-BCT (ngày 3/7/2013) về một số nhiệm vụ, giải pháp tiêu thụ gạo và thủy sản và tiếp tục thực hiện Chương trình XTTM gạo tại thị trường trọng điểm TQ trong thời gian tới.

Để mang tính bền vững, các DN VN trước hết cần nâng cao chất lượng hàng nông sản nhằm đảm bảo yêu cầu chất lượng của phía bạn, đồng thời chủ động nắm bắt thông tin thị trường, bạn hàng để có chiến lược XK thông qua đàm phán và hợp đồng nhằm đảm bảo tiêu thụ nông sản đúng nhu cầu chất lượng và mùa vụ.

Bên cạnh việc hỗ trợ tìm kiếm thị trường và XTTM của Bộ Công thương, các DN cần tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa người SX, người chế biến và người XK để tạo thành chuỗi liên kết SX tới XK”.

(Bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ XNK, Bộ Công thương)

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.